Nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới như Victoria Secret, Redbull, Beats hay dàn siêu xe của GM cùng các sản phẩm Trung Quốc liên tục xuất hiện trong những cảnh quay của bộ phim bom tấn vừa ra rạp.
Chiếc Camaro mầu vàng trong Transformers 4 là mẫu hãng Chevrolet sắp tung ra thị trường vào năm 2015.
Là phim bom tấn được đánh giá hấp dẫn nhất mùa hè năm nay, Transformers 4: Kỷ nguyên hủy diệt vừa mang về 100 triệu USD doanh thu sau chưa đầy ba ngày công chiếu tại thị trường nội địa. Tính chung toàn cầu, doanh thu phòng vé của Transformers 4 đang trên 300 triệu USD, chủ yếu nhờ khởi chiếu ở Hong Kong sớm hơn (19/6).
Transformers là chuỗi tác phẩm của đạo diễn Michael Bay – vốn được mệnh danh là ông hoàng cháy nổ ở Hollywood, ra rạp phần đầu tiên vào năm 2007. Với kinh phí sản xuất dao động 150-210 triệu USD mỗi phần, loạt phim trước đó từng đem về doanh thu cao gấp 4-5 lần chi phí bỏ ra.
Cũng vì lý do này, chuyện được xuất hiện trong phim dù chỉ là 1-2 giây luôn là chiến lược quảng cáo nhiều nhãn hàng quan tâm. Chỉ trong 15 phút đầu tiên, hàng loạt siêu xe của hãng General Motors xuất hiện với những mẫu mới sẽ tung ra thị trường thời gian tới. Vốn có nội dung xoay quanh các robot biến hình từ xe hơi và xe tải, nhiều hãng siêu xe như Chevrolet, Lamborghini, Pagani đã không bỏ qua cơ hội quảng cáo trong Transformers. Hãng General Motors còn cho biết việc xuất hiện trong phim sẽ giúp công ty mở rộng thị phần nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Xuyên suốt thời gian còn lại của Transformers 4, hàng loạt sản phẩm từ thương hiệu lớn trên thế giới cho đến những mặt hàng địa phương Trung Quốc liên tục "cài cắm" trong phim. Chẳng hạn cảnh Shane – bạn trai Tessa Yeager khi kể về bản thân là một tay đua cự phách đã khéo léo cho biết cuộc đua xe cậu từng tham gia do Red Bull tài trợ.
Không chỉ dừng ở lời thoại nhân vật, thương hiệu đồ lót nữ nổi tiếng thế giới Victoria's Secret cũng có mặt với góc quay chính diện giữa bối cảnh tàn phá khốc liệt. Trong khi cuộc chiến diễn ra căng thẳng, hầu hết các tòa nhà, xe cộ... trên con phố Hong Kong bị phá hủy, biển hiệu Victoria's Secret in trên chiếc xe bus vẫn nguyên vẹn và trở nên nổi bật nhất.
Sự lộ liễu trong khâu quảng cáo ở Transformers 4 thể hiện rõ nhất khi nhân vật Joshua (Stanley Tucci thủ vai) đang căng thẳng chạy trốn và tránh làn đạn dày đặc trên tầng thượng khu tập thể bỗng nhảy vào căn hộ một gia đình lạ mặt. Sau đó nhân vật hồn nhiên mở tủ lạnh lấy hộp sữa Shuhua và cắm ống hút, bày tỏ cảm xúc mãn nguyện khi uống sản phẩm này.
Cảnh quay trên gần như không liên quan đến những pha hành động nghẹt thở đang diễn ra với tiết tấu gấp gáp. Toàn bộ logo và dòng chữ Shuhua xuất hiện trên hộp sữa cũng được quay cận với thời lượng 2-3 giây. Ngoài ra, một số nhãn hàng khác như Beats, kính mắt hiệu Bvlgary, dàn siêu xe với những mẫu sẽ ra thị trường vào năm 2015 hay nước khoáng, sữa bột Trung Quốc cũng liên tục được nhắc đến với vai trò đạo cụ cho các nhân vật.
Chiếc xe bus gắn thương hiệu Victoria's Secret xuất hiện trong phim.
Đây không phải lần đầu tiên Michael Bay đưa quảng cáo vào tác phẩm điện ảnh của ông. Khi Transformers 3 ra rạp, bộ phim cũng ngập tràn hàng Trung Quốc như sữa hộp Shuhua, áo phông Metersbonwe Mtee và laptop Lenovo. Hay trong Transformers 2, chiếc điện thoại Nokia X7 - sản phẩm mới của hãng khi đó cũng xuất hiện vài giây.
Ngoài những lời ngợi khen về kỹ xảo và doanh thu ngất ngưởng, loạt phim Transformers cũng phải nhận không ít lời chỉ trích cho những chiêu quảng cáo quá đà. Stacy Le – một khán giả 24 tuổi gốc Việt đang sống tại Mỹ cho rằng "quảng bá lộ liễu và dày đặc đã làm giảm giá trị bộ phim đáng kể" đồng thời khiến cô "không thể tập trung hoàn toàn vào nội dung".
Biển hiệu của hãng xe Chevrolet xuất hiện trong một cảnh chiến đấu giữa các robot.
Dù vậy, đạo diễn Michael Bay dường như không cảm thấy phiền hà về vấn đề này. Từng chia sẻ với China Daily USA vào năm 2011, Bay phủ nhận chuyện quảng cáo cho hãng sữa Shuhua. "Nếu đó là Coca Cola thì lại chẳng có gì đặc biệt, nhưng với Shuhua, cả nước Mỹ sẽ phải bật cười. Tôi sản xuất phim chứ không phải là nhà quảng cáo", đạo diễn Transformers giãi bày.
Trong khi đó, Tập đoàn Yili– đơn vị sản xuất sữa Shuhua nhấn mạnh chuyện xuất hiện trong phim bom tấn của Bay là cơ hội rất tốt để quảng bá và thu lời. Chi phí marketing không được hãng tiết lộ nhưng giới thạo tin cho hay có thể Yili đã phải tốn tới 10 triệu USD cho vài giây ngắn ngủi.
Quá nhiều sản phẩm cần quảng cáo cũng gây ra mâu thuẫn đối với đơn vị sản xuất Transformers. Mới đây, một công ty đầu tư của Trung Quốc có tên Bejing Pangu Investment Co. vừa tuyên bố chấm hết hợp đồng hợp tác với Paramount Pictures trong những loạt phim sau này. Lý do là hãng đã không tuân thủ các điều khoản về quảng cáo như sử dụng logo hay những tòa nhà do công ty xây dựng trong phim.
"Khi giới thiệu về Transformers 4, tất cả các hình ảnh, biểu tượng, những chi tiết có thể nhận ra tòa nhà của chúng tôi đều bị xóa bỏ. Điều này đã gây tổn thất khá lớn về uy tín cũng như tài chính công ty", đại diện Bejing Pangu Investment Co. nói trong một văn bản.
Hợp đồng chính thức kết thúc vào hôm 15/6 và Pangu Investment Co. cũng đã đệ đơn lên tòa án khởi kiện Paramount Pictures. Tương tự những thương vụ quảng cáo trên, chi phí để xuất hiện trong Transformers 4 không được hai bên tiết lộ nhưng một nguồn tin của tờ Women of China cho biết con số có thể đạt 1,6 triệu USD. Đại diện Paramount Pictures sau đó chia sẻ trên tạp chí Variety rằng "đã dành cho Pangu Plaza một vị trí đẹp trong phim nhưng rất tiếc vẫn chưa làm thỏa mãn đối tác này".
Theo xaluan.com