Clip có tựa đề "Hôi bia đại chiến", là thước phim ngắn tả cảnh một tài xế chở bia Sư tử trắng, khi xe bị đổ hàng trăm lon bia lăn ra đường, dòng người lao vào giành giật, đánh nhau.

Một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho rằng: thương hiệu đã quá lố khi cho ra mắt clip quảng cáo ăn theo sự kiện hôi bia ở Đồng Nai cách đây không lâu.

Ăn theo vụ hôi bia

Sau khi mua 53% cổ phần Vinacafé Biên Hòa và gần 64% cổ phần Vĩnh Hảo, Masan Group chính thức lấn sân sang mặt hàng tiêu dùng nhanh là bia, sản phẩm vốn có mức tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam thời gian qua. Mới đây, Tập đoàn này đã thương thuyết để mua lại công ty Bia & nước giải khát Phú Yên (công suất sản xuất 50 triệu lít/năm).

Ngay sau động thái mua lại công ty bia Phú Yên, Tập đoàn đã tung ra thị trường sản phẩm bia mới có tên Sư Tử Trắng.

Chuyện mua lại một công ty bia và ra sản phẩm mới là chuyện bình thưởng của một doanh nghiệp, nhưng điều đáng nói là công ty này dần quá lố khi cho ra mắt clip quảng cáo ăn theo sự kiện hôi bia xảy ra ở Đồng Nai cách đây không lâu. Clip này theo suy nghĩ của một số người trong ngành, là chủ đích tập trung đánh mạnh vào thương hiệu bia đối thủ Tiger - vừa qua đã dính đến scandal không hay về tính đạo đức và nhân văn xã hội.

Trước đó, khi nhắc tới vụ hôi bia, báo chí, người dân và nhà chức trách đều coi đây như là nỗi nhục quốc gia, nỗi nhục quốc thể. GS.Nguyễn Lân Dũng còn lên án rằng, hôi bia là một sự xấu hổ cho toàn dân tộc. Không dừng lại ở đó, bạn bè báo chí nước ngoài cũng liên tục đưa tin và bàn tán về câu chuyện hôi bia xảy ra tại Tp.Biên Hoà, và họ đặt dấu chấm hỏi về tính cách tham lam của con người Việt Nam sau clip này. Vì trên thực tế, hình ảnh Việt Nam từ trước tới nay trong họ luôn là một đất nước thân thiện, hiếu khách. Clip hôi của diễn ra khiến họ có một cái nhìn khác hơn về đất nước và con người Việt Nam vốn được ca ngợi nhiều trong các cuốn sách du lịch, văn hóa.

Trở lại với câu chuyện xoay quanh clip quảng cáo vừa qua, người ta nhận ra yếu tố nhân văn gần như không có trong trường hợp này, khi clip lợi dụng scandal hôi bia - hôi của theo chiều hướng nhằm PR cho sản phẩm. "Clip đã tạo ra một sự hiềm khích không hề nhỏ khi đưa ra liên kết của câu chuyện" - ông David Nguyễn, một chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm nhấn mạnh.

Clip quảng cáo có tựa đề "Hôi bia đại chiến", là một thước phim ngắn hành động với sự tham gia của diễn viên Thái Hòa và Long Điền. Clip kéo dài gần 5 phút, trong đó diễn tả cảnh một anh tài xế chở bia Sư tử trắng, khi xe bị đổ, hàng trăm lon bia lăn ra đường, dòng người bên đường hỗn hào lao vào. Cảnh hỗn chiến, đánh nhau để giành giật bia diễn ra.

Tuy nhiên, cái kết của clip lại hoàn toàn trái ngược với vụ hôi của đã diễn ra tại Đồng Nai khiến người xem thực sự bất ngờ. Thay vì hàng trăm lon bia bị cướp trắng trợn, người dân trong clip quảng cáo bia Sư tử trắng đã trả bia về đúng vị trí của nó. Câu slogan cuối clip đầy ẩn ý: "Bia uống phải thơm, chứ không phải hôi" khiến một số người cho rằng: Sư tử trắng đang châm chọc Tiger beer.

"Bia thơm" nhưng lại dùng "scandal hôi"Có thể nói, "Họ làm như vậy là có lý do của mình, khi chọn chiến lược tuyên chiến với một thương hiệu bia quốc tế ở Việt Nam đó là Tiger beer. Không nói ra thẳng mặt, nhưng họ đã đưa ra 1 clip trước đó với hàm ý tấn công vào hình ảnh của thương hiệu này.

Vấn đề tự hỏi là để tuyên chiến với đối thủ thì có nên hay không nên lôi cốt chuyện "nỗi nhục quốc thể" ra làm lời tuyên chiến? Và họ có nghĩ tới rằng, clip quảng cáo này khiến người tiêu dùng nghĩ: Họ là bia thơm còn loại bia mà hàng triệu người dân Việt Nam đang uống là "bia hôi"? Việc lôi "nỗi nhục quốc thể" ra để PR cho thương hiệu liệu có chấp nhận được không?" - ông David Nguyễn đặt dâu chấm hỏi.

Đứng ở góc độ người tiêu dùng, anh Bùi Mạnh Hùng, cư ngụ tại ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Hà Nội cũng bày tỏ sự bức xúc sau khi xem clip quảng cáo bia này. Bởi cách PR này cũng lộ liễu không khác gì cách quảng cáo mì có sử dụng hình ảnh nude của Ngọc Trinh xôn xao dư luận những ngày qua. "Tôi không lạ gì với những thông điệp, những quảng cáo nói một đường làm một nẻo" - anh Hùng nói.

"Bản thân tôi nghĩ người làm marketing là một nghệ sỹ khi biến tấu ra những chiến lược cho thương hiệu. Nếu chỉ dựa vào scandal xấu của đối thủ để làm đẹp hình ảnh cho mình, nâng mình lên dựa trên cái xấu của họ thì người đó rất thiếu trách nhiệm xã hội. Chấp nhận dùng chiến lược "ăn theo vụ hôi bia", dùng hình ảnh phản cảm của vụ hôi của, bôi nhọ hình ảnh người Việt Nam như thế là công ty đang chạy theo lợi nhuận, sự háo thắng chứ không phải là công ty có trách nhiệm với xã hội và người tiêu dùng. Việc tuyên bố bia Sư tử trắng là "bia thơm", trong khi lại dùng "scandal hôi", theo nhận xét của nhiều người là cách chơi không đẹp", anh Hùng nói thêm.

Theo Trí thức trẻ

Arthur Schopenhauer - Triết gia Đức

"Người ta nhìn thấy một thế giới hạn hẹp bởi chính cái tầm nhìn hạn hẹp của mình."

User Menu