Một quảng cáo xuất hiện cùng một video YouTube thông thường sẽ mang lại cho người đăng 7,6 USD cho mỗi 1.000 lượt xem. Những video phổ biến nhất về các nhóm cực đoan hiện có hơn một triệu lượt xem.

Quảng cáo của doanh nghiệp bị chèn tự động vào các video có nội dung xấu trên YouTube là vấn đề không chỉ xảy ra tại Việt Nam.

Khảo sát của The Times (Anh) vừa được công bố cho thấy trên mạng chia sẻ video YouTube cũng như nhiều website khác, người dùng có thể bắt gặp quảng cáo của hàng trăm công ty lớn, các trường đại học danh tiếng và thậm chí là cả quỹ từ thiện xuất hiện cạnh những video ủng hộ các nhóm khủng bố như IS hay Combat 18... Việc này có thể giúp những kẻ cực đoan thu về hàng chục nghìn USD mỗi tháng.

Một quảng cáo xuất hiện cùng một video YouTube thông thường sẽ mang lại cho người đăng 7,6 USD cho mỗi 1.000 lượt xem. Những video phổ biến nhất về các nhóm cực đoan hiện có hơn một triệu lượt xem.

Một ví dụ được nhóm khảo sát đưa ra là một quảng cáo cho hãng xe Mercedes xuất hiện bên cạnh một video ủng hộ IS với hơn 115.000 lượt xem. Quảng cáo này xuất hiện chỉ vài giây sau khi video chạy. Ngay sau đó là một quảng cáo của Jaguar. Trường hợp khác là quảng cáo của hãng du lịch Sandals Resorts xuất hiện bên cạnh một video liên quan đến một nhóm khủng bố.

quang cáo

Một quảng cáo xuất hiện trong video cổ vũ Hồi giáo cực đoan. Ảnh: YouTube.

Thông thường, các nhãn hàng không trực tiếp đặt quảng cáo trên YouTube mà thông qua các đối tác chuyên nghiệp. Những đại lý này thường có xu hướng khuyến khích doanh nghiệp tận dụng kênh quảng bá để tăng doanh thu cho chính họ. Những tài liệu rò rỉ từ một hãng quảng cáo hàng đầu cho thấy khoảng 40% lợi nhuận năm 2015 đến từ những khoản lại quả ngầm, được ghi trong báo cáo tài chính ở mục "lợi nhuận khác".

Trong khi đó, việc quảng cáo xuất hiện "không đúng chỗ" lại khiến các nhãn hàng cho rằng số tiền bỏ ra không đổi lại được sản phẩm tương xứng. Tháng trước, người phát ngôn của Sandals cho biết họ đã "rất nỗ lực" để ngăn quảng cáo của mình xuất hiện cùng các nội dung không phù hợp. Họ cho rằng chính YouTube đã "không phân loại video phù hợp".

"Các công ty nên tuyên bố rằng chúng tôi sẽ không chi tiền cho anh, trừ phi anh dùng chúng đúng cách. Nếu anh đặt quảng cáo trên báo, các biên tập viên sẽ chịu trách nhiệm về nội dung. Tờ báo đó sẽ chịu trách nhiệm về nội dung họ đưa ra. Thế thì tại sao những quy định này lại không được áp dụng với mạng xã hội?", Damian Collins - Chủ tịch Hội đồng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (CMS) thuộc Quốc hội Anh nêu quan điểm trên The Guardian.

Những câu chuyện có bản chất tương tự cũng diễn ra gần đây tại Việt Nam khi vào cuối tháng 2, Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) đã cảnh báo YouTube sau khi quảng cáo của nhiều thương hiệu lớn được gắn kèm các video có nội dung vi phạm pháp luật như: bôi xấu, xuyên tạc lịch sử, kích động thù hằn dân tộc... Bản thân doanh nghiệp xuất hiện hiện trong những video này ngay sau đó cũng quyết định dừng quảng cáo trên YouTube cho đến khi mạng chia sẻ này có cơ chế sàng lọc phù hợp.

Việc quảng cáo xuất hiện "không đúng chỗ" lại khiến các nhãn hàng cho rằng số tiền bỏ ra không đổi lại được sản phẩm tương xứng.

Trả lời những yêu cầu trên của khách hàng quốc tế và Việt Nam, đại diện Google - đơn vị điều hành mạng chia sẻ video này - khẳng định: "Với các nội dung trên YouTube, chúng tôi sẽ gỡ bỏ video bị gắn nhãn sai phạm, không tuân thủ quy định của mình. Chúng tôi không cho phép bất kỳ nội dung nào mang tính bạo lực hay căm hận xuất hiện... Các đối tác của chúng tôi có thể chọn không xuất hiện trên các nội dung họ cho là không phù hợp. Và chúng tôi có trách nhiệm làm việc với các ngành để giúp họ có lựa chọn tốt hơn".

Cơ chế quảng cáo kỹ thuật số của YouTube sử dụng một "danh sách đen" để ngăn chặn quảng cáo xuất hiện cùng các video có nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, khảo sát của The Times cho thấy cơ chế này hoạt động không hiệu quả.

Google đã nhiều lần được kêu gọi giải thích tại sao hàng trăm kẻ cực đoan vẫn đang kiếm được tiền từ các quảng cáo hiển thị tự động trên YouTube. Trên lý thuyết, người dùng muốn kiếm tiền từ quảng cáo sẽ phải được Google chấp thuận. Tức là họ phải đảm bảo video không vi phạm các quy định và điều khoản của Google.

Trên thực tế, công nghệ quảng cáo hiển thị tự động mà các hãng công nghệ như Google hay Facebook áp dụng cho phép các hãng theo dấu khách hàng tiềm năng trên Internet, và đưa ra quảng cáo phù hợp trên mỗi website họ truy cập, song nó cũng tạo ra nhiều rủi ro.

"Quảng cáo hiển thị tự động đang là mối lo ngại lớn với chúng tôi và cả ngành quảng cáo nói chung", Hicham Felter – người phát ngôn của ISBA – cơ quan đại diện cho các công ty lớn tại Anh cho biết, "Với quy mô và tốc độ mà quảng cáo hiển thị tự động đang được thực hiện, rủi ro đang ngày càng lớn, rằng quảng cáo có thể xuất hiện trong các nội dung bạo lực, khiêu dâm, cực đoan. Người ta đang nghi ngờ rằng công nghệ hiển thị tự động được các hãng quảng cáo sử dụng để tăng lợi nhuận hơn là phục vụ khách hàng".quang cao 1

Những thông tin giả cũng đang giúp nhiều người kiếm số tiền lớn trên Facebook. Ảnh: Facebook.

Không chỉ Google, Facebook gần đây cũng bị chỉ trích vì không kiểm soát được các tin tức giả mạo và nội dung xấu đăng tải trên mạng xã hội này. Trước đó, vấn đề kiểm soát doanh thu quảng cáo của họ, cũng như thu thuế từ các giao dịch thương mại trên các mạng xã hội này cũng là vấn đề được nhiều nước quan tâm.

Đại diện Hội đồng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Anh cho biết họ đang cân nhắc các biện pháp ngăn quảng cáo gắn kèm các nội dung này. Trong khi đó, theo một báo cáo hồi tháng 1 của Small Business Trends qua khảo sát với hơn 2.600 doanh nghiệp nhỏ, có tới 62% khẳng định quảng cáo trên Facebook đang kém hiệu quả hơn. Với việc cải thiện lợi nhuận rất ít, hoặc không cải thiện chút nào, những người này cho biết sẽ không quảng cáo trên kênh này nữa.

Theo: Hà Thu
Nguồn: VnExpress

Pin It
Henry Chester

"Nhiệt tình là tài sản vĩ đại nhất trên thế giới. Nó đánh đổ cả tiền, quyền lực và tầm ảnh hưởng."

User Menu