Chỉ vì đồng âm với các từ nhạy cảm trong ngôn ngữ bản địa mà nhiều ông lớn như Coca Cola hay Honda lâm vào hoàn cảnh dở khóc dở cười.
1. Mazda - Laputa
Vào năm 1991, hãng xe hơi Mazda đã tung ra dòng sản phẩm có tên gọi Laputa tại Tây Ban Nha. Vấn đề là "Puta" trong tiếng bản địa có nghĩa là "gái mại dâm", càng oái oăm hơn khi dòng quảng cáo của nó lại đầy tính hình tượng như "được thiết kế để cung cấp tiện ích tối đa với trong một không gian nhỏ hẹp, với sự di chuyển nhẹ nhàng, thoải mái" và "kích thước gọn nhẹ, có khả năng hấp thụ tác động cơ thể"... Kết quả là hãng đã phải đổi tên mẫu xe này sau khi nhận quá nhiều lời phàn nàn.
2. Honda - Fitta
"Fitta" là tên ban đầu của "Jazz", dòng xe được Honda chào bán ở thị trường Bắc Âu. Có điều "Fitta" phát âm rất giống từ chỉ bộ phận nhạy cảm của người phụ nữ ở Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch. Phức tạp hơn, Honda còn quảng cáo mẫu xe này là "nhỏ ở bên ngoài, lớn ở bên trong".
3. Mc Donald's Big Mac
Một sai lầm tai hại khi dòng sản phẩm đình đám của Mc Donald's là Big Mac được mang đến nước Pháp và dịch thành "Gros Mec". Trong khi nghĩa thực sự của từ này là "Trùm ma cô".
4. Hunt-Wesson - Baked Beans
Tương tự như trường hợp của Mc Donald's, sản phẩm đậu nướng của Hunt-Wesson được giới thiệu ở Canada trong tiếng Pháp như "Gros Jos" - một từ lóng có nghĩa là "ngực to". Mặc dù vậy, sai lầm này có lẽ còn khiến doanh số bán hàng của hãng tăng cao.
5. Vicks Vapo-Rub
Khi Vicks đưa sản phẩm của mình đến Đức, họ không ý thức được rằng chữ "V" trong tiếng Đức đọc gần giống như chữ "F", do đó từ "Vicks" sẽ đọc như "Ficks" - đầy tính gợi ý đến một từ thô tục nổi tiếng trong tiếng Anh (và được biết đến trên toàn thế giới). Thử tưởng tượng ai đó vào cửa hàng và nói "Can I have a Vicks please" (Cho tôi mua một hộp Vicks).
6. IKEA - Gutvik
Tương tự như Vicks, sản phẩm giường của IKEA có tên Gutvik cũng gây ra những liên tưởng tai hại. Trong tiếng Đức, "Gut" nghĩa là "tốt", và khi ghép đôi với Vik, nó trở thành một cái tên không thể thô thiển hơn.
7. Coca Cola - kekoukela
Khi mới tiếp cận thị trường Trung Quốc, Coca Cola đã gọi tên sản phẩm của mình là Kekoukela mà dịch ra có nghĩa "Cắn con nòng nọc nhơ nhớp". Sau đó, hãng này đã phải nghiên cứu tới 40.000 ký tự khác nhau để tìm ra tên gọi phù hợp - "kokou kole", mà dịch ra có nghĩa "hạnh phúc trên môi".
8. KFC
KFC cũng từng gặp rắc rối tại Trung Quốc khi mới chào bán sản phẩm gà rán tại đây. Đó là khi hãng dịch sai khẩu hiệu nổi tiếng của mình: "Vị ngon trên từng ngón tay" thành "Hãy ăn cả tay của bạn".
9. Kinki tourist
Hãng du lịch lớn thứ hai tại Nhật Bản khi đặt chân đến các quốc gia nói tiếng Anh đã liên tục nhận được các yêu cầu đặt tour du lịch mại dâm. Trong khi chờ tìm hiều lý do của chuyện này, ông chủ của Kinki đã quyết định đổi tên dịch vụ thành Knt tại các quốc gia nói trên.
10. Wang cares
Vào thập niên 70, công ty máy tính Wang tại Mỹ đã yêu cầu đối tác quảng cáo ở Anh giải thích tại sao slogan "Wang Cares" của họ vốn rất thành công tại thị trường trong nước mà lại không được đón nhận ở xứ sở sương mù. Lý do được đưa ra là từ này vốn phát âm rất giống với "Wanker" - nghĩa là "thằng ngu".
Theo Xaluan.com