Các công ty hàng năm đổ hàng triệu USD vào quảng cáo tại giải bóng bầu dục nổi tiếng của Mỹ Super Bowl. Nhưng không phải lúc nào tiền to đồng nghĩa với sự tinh tế.
Ảnh: USA Today
Victoria’s Secret chán ngắt
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, Victoria's Secret xuất hiện ở giải Super Bowl. Với một thời gian chuẩn bị lâu như vậy, đáng ra thương hiệu nổi tiếng này phải có màn ra mắt đầy tính sáng tạo hơn là cắt ghép vào mẫu đồ lót. Nói chung, các “thiên thần” vẫn chẳng có gì khác lạ cả.
GoDaddy vội vàng “chữa cháy”
Công ty này đã phải phát sóng một đoạn video mới thay thế phiên bản gốc của nó bị chỉ trích dữ dội. Các nhà hoạt động vì quyền lợi của động vật phàn nàn đoạn quảng cáo ban đầu có “tác dụng” khuyến khích sự vô trách nhiệm của người mua vật nuôi. Vậy là, chỉ vài ngày trước khi Super Bowl ra mắt, GoDaddy đã phải vội vàng tạo ra một đoạn video mới. Một sản phẩm vội vã thì cũng khó gây được ấn tượng.
Budweiser xúc phạm hàng trăm người uống bia
Báo cáo của The Wall Street Journal cho thấy 44% những người Mỹ trong độ tuổi 21-27 chưa từng uống bia Budweiser dù đây từng là một trong những thương hiệu biểu tượng của người Mỹ. Với một tên tuổi đang để mất thị phần trong làng bia thủ công, thì việc “mỉa mai” những người uống loại bia quả thực không phải một hành động tinh tế. Trong đoạn video phát sóng trực tuyến, một người đàn ông đã bị chú ngựa nhìn chằm chằm chỉ vì lựa chọn uống bia thủ công thay vì Budweiser. Dẫu vậy, trong khi buông lời chế giễu thì chính công ty lại đi thu mua các nhà máy sản xuất bia thủ công này.
Giá trị lớn nhất của quảng cáo T-Mobile là… Kim Kardashian
Cả đoạn video chỉ là hình ảnh Kardashian nói liên tục: “Mỗi tháng, hàng triệu dữ liệu thất thoát quay trở lại công ty. Thật là bi kịch.” Cô tỏ ra lo lắng sẽ có người có thể lấy được các dữ liệu về phong cách trang điểm, trang phục, hình ảnh khi đi nghỉ… của cô và sử dụng chúng một cách bất hợp pháp. Và chấm hết.
Quảng cáo Nationwide phản cảm nhất Super Bowl
Quảng cáo của hãng bảo hiểm Nationwide là một trong những chủ đề được bàn tán nhiều nhất. Không phải vì nó hay. Mà là sự “vô cảm” của nó.
Quảng cáo được dẫn bởi một câu bé nói rằng không thể bay hay đi du lịch thế giới cùng người bạn thân, cũng không thể kết hôn, một khi cái chết ập tới. Sau đó, là hình ảnh một bồn tắm tràn nước, những cái tủ mở toang với chai lọ bề bộn. Quảng cáo đã bị chỉ trích là “bệnh hoạn” và “vô cảm” khi dùng cái chết của trẻ nhỏ để kinh doanh. Dù Nationwide khẳng định rằng đó chỉ là lời cảnh báo và kêu gọi mọi người hãy chú ý an toàn cho trẻ, song Frank Eliason, một người cha có con gái tên Gia đã qua đời vào năm 2004 khi mới 4 tuổi sau khi cấy ghép gan không thành công, cho rằng dù bất cứ lý do gì thì “đây cũng phải là cách để bắt đầu một cuộc trò chuyện”. “Rõ rằng không ai trong công ty hay đại lý quảng cáo từng trải qua mất mát khủng khiếp như vậy. Nếu có họ đã không bao giờ làm như vậy”, ông nói.
Lục Kiếm
Theo Business Insider