Một trong những nhiệm vụ quan trọng của chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu của một công ty là lựa chọn logo phù hợp. Quá trình này đòi hỏi tầm nhìn, thời gian và cả tiền bạc. Tuy nhiên, chi phí để tạo ra logo của các thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới dưới đây có thể mang đến nhiều bất ngờ.

Thiết kế logo cùng bộ nhận diện thương hiệu là công đoạn không thể coi nhẹ trong bất kỳ một chiến dịch xây dựng thương hiệu nào. Là bộ mặt của cả một công ty, logo chính là biểu trưng cho bản chất, văn hóa và giá trị của cả doanh nghiệp. Trong thời đại giữ gìn hình ảnh là nhiệm vụ “tối thượng” của mọi doanh nghiệp, một thiết kế logo đơn giản nhưng ấn tượng sẽ đủ sức khiến công ty bạn bỏ xa các đối thủ cùng thời. Chính vì vậy, đây có lẽ là lĩnh vực được đầu tư mạnh tay nhất của mọi doanh nghiệp khi các ông lớn không ngần ngại đổ cả... núi tiền để có được một chiếc logo “nhỏ mà có võ”.
Và liệu những con số đó có dễ đoán? Hãy cùng điểm qua vài logo thương hiệu có chi phí thiết kế đáng kinh ngạc nhất với 5 cái tên dưới đây:

5. Ngân hàng ANZ – Tổng chi phí: 15 triệu USD

logo, thương hiệu

Vào đầu năm 2009, “gã khổng lồ” ngân hàng Úc – New Zealand ANZ bắt đầu tiến hành làm mới thương hiệu trong yên lặng với quy mô lớn, bao gồm thiết kế lại logo và bộ nhận diện thương hiệu. Dự án xây dựng thương hiệu toàn cầu này được tiến hành sau 18 tháng nghiên cứu, mở ra cơ hội lớn cho ANZ ở thị trường các nước châu Á.

CEO của ANZ, ông Mike Smith cho biết: “Trong những năm gần đây, thương hiệu ANZ đang dần bị phân mảnh. Và để truyền tải được chiến lược phát triển của mình cũng như nguyện vọng của cả khu vực, ANZ phải có sự thống nhất và mang lại trải nghiệm phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng ở bất cứ nơi nào”. Ba hình khối mới xuất hiện trong logo làm lại của ANZ tượng trưng cho 3 thị trường chủ đạo của ngân hàng này – Úc, New Zealand và Châu Á Thái Bình Dương – đồng thời hình người ở trung tâm logo là đại diện cho khách hàng và đội ngũ nhân viên. Số tiền 15 triệu USD này là chi phí cho toàn bộ chiến lược marketing hoàn toàn mới của hãng.

4. Dịch vụ bưu chính Posten Norge – Tổng chi phí: 55 triệu USD

logo, thương hiệu

Vào năm 2008, công ty bưu chính này của Na-uy đã triển khai một chiến dịch marketing đáng chú ý với tổng chi phí lên tới 55 triệu USD, nhằm thiết kế lại logo và đổi mới chiến lược marketing.

Giám đốc truyền thông Elisabeth Gjølme của Posten Norge cho biết, họ vẫn giữ nguyên tên gọi của hãng nhưng sẽ thay đổi đôi chút về phần nhìn, nhằm bảo tồn được nét truyền thống trong khi vẫn có diện mạo hiện đại hơn ở phiên bản logo mới. Chiến dịch này đã thành công rực rỡ không lâu sau đó, đem lại nhiều lợi nhuận chưa từng thấy cho Posten Norge.

3. Công ty đa quốc gia Accenture – Tổng chi phí: 100 triệu USD

thương hiệu, logo

Accenture là công ty tư vấn quản lý và dịch vụ công nghệ đa quốc gia thành lập năm 1989 tại Ireland. Mặc dù đã phải bỏ ra tới 100 triệu USD để có một diện mạo mới mẻ hơn, nhưng theo tạp chí Time, Accenture là một trong những công ty có chiến dịch làm mới thương hiệu... đáng thất vọng nhất trong lịch sử.

Được thiết kế bởi hãng tư vấn thương hiệu toàn cầu Landor Associates vào năm 2000, sự đơn giản đến đáng ngạc nhiên của logo này quả thật khiến nhiều người bất ngờ so với số tiền Accenture phải bỏ ra để có được nó. Yếu tố duy nhất mang tính “thiết kế” trong phiên bản logo mới này là dấu “>” bên trên chữ cái “t”. Có thể nó không có vẻ ngoài quá đặc biệt nhưng đây chính là hình ảnh tượng trưng cho sự tiến lên và phát triển phồn thịnh của công ty trong tương lai. Ngoài ra, phần chữ bên dưới nhằm thể hiện sự cởi mở, thân thuộc Accenture muốn dành cho khách hàng, cho thấy sự gần gũi và thân thiện của công ty.

2. Công ty Dầu khí đa quốc gia BP – Tổng chi phí: 211 triệu USD

thương hiệu, logo

Cùng ra đời dưới “bàn tay biến hóa” của Landor Associates, nhưng logo mới của BP lại bắt mắt hơn hẳn logo của Accenture. Vào năm 2000, sau hơn 70 năm trung thành với logo cũ, BP đã hào phóng “rút ví” hơn 200 triệu USD cho dự án tái cơ cấu thương hiệu. Từ cái tên cũ “British Petroleum”, công ty này chọn một cái tên khác ngắn gọn hơn – “BP” – đồng thời thay đổi về ý nghĩa tên gọi: “Beyond Petroleum” (Hơn cả dầu khí) thay cho “Dầu khí Anh quốc” như trước. CEO của BP mô tả diện mạo mới đầy màu sắc này đã thể hiện sự đổi mới, năng động và sẵn sàng đón nhận mọi thách thức của doanh nghiệp. Ngoài ra, biểu tượng Mặt trời của Thần Helios được cách điệu trong logo tượng trưng cho sự sát nhập. Cánh hoa dày và đậm, màu sắc gắn liền với môi trường tự nhiên, khẳng định tham vọng vượt ra khỏi lĩnh vực dầu khí của BP.

Mục đích của dự án hoành tráng này là nhằm gắn BP với hình ảnh một công ty có trách nhiệm với môi trường và đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh bền vững. Thoạt tiên, dư luận khá nghi ngại về thông điệp được truyền tải trong logo mới này khi cho rằng chính những công ty dầu khí là kẻ đang “bòn rút” màu xanh khỏi trái đất. Tuy nhiên, nhờ có chiến lược quảng bá thương hiệu hợp lý, cuối cùng BP đã dần thu được thiện cảm của người dân. Theo thống kê năm 2007 từ hãng khảo sát ImagePower Green Brands Survey, BP được coi là công ty dầu khí ít gây tổn hại đến môi trường nhất. Mục tiêu lớn nhất của BP trong vài năm gần đây cũng là trở thành công ty thân thiện với môi trường nhất thế giới.
Tuy nhiên, lòng tin của dư luận dành cho BP đang ngày một lung lay kể từ sự cố nổ giàn khoan Deepwater Horizon của hãng vào năm 2010. Vụ nổ này đã gây tràn dầu diện rộng, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống tự nhiên trong khu vực, trở thành sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

1. Tập đoàn công nghệ Symantec – Tổng chi phí: 1,3 tỷ USD

thương hiệu, logo

Tập đoàn công nghệ Symantec của Mỹ đã “đi vào lịch sử” khi chịu bỏ ra số tiền 1,3 tỷ USD phục vụ chiến dịch làm mới thương hiệu. Cái giá xa xỉ này đáng lẽ phải đem lại cho Symantec một cú lội ngược dòng trong làng công nghệ hiện nay, nhưng đáng tiếc là thực tế không như mong đợi. Không ít người coi sự chịu chi của Symantec giống như “ném tiền qua cửa sổ” bởi hiện tại hãng này vẫn đang phải chật vật tái khẳng định vị trí của mình trong thị trường cung cấp tầm trung.

Tuy nhiên, với cái nhìn lạc quan hơn, logo mới này của Symantec đã được bình chọn là biểu tượng cho sự tin cậy với hơn 250 triệu lượt người xem mỗi ngày trên hơn 100,000 trang web ở 160 quốc gia. Sau một thập kỷ trung thành với logo cũ, Carine Clark, giám đốc tiếp thị của Symantec cho biết mục đích của việc làm lại logo lần này là để thể hiện tầm nhìn của Symantec trong việc mang lại bảo mật tốt hơn cho các thiết bị và thông tin, nhằm hướng tới một thế giới kết nối toàn cầu.

Tổng hợp

Theo Genk

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Yếu tố hiệu nghiệm trong marketing cũng hiệu nghiệm trong quân đội: yếu tố bất ngờ."

User Menu