Mặc dù Việt Nam luôn là một trong những thị trường tiềm năng của Apple với lượng người dùng đông đảo, tuy nhiên Apple vẫn chưa thể triển khai một Apple Store chính thống do còn vướng phải nhiều vấn đề cần giải quyết.

Các mô hình ủy quyền như AAR, APR và ASP đang được đầu tư mạnh trong thời gian gần đây, liệu chúng ta có thể thấy một Apple Store chính thống được mở cửa tại Việt Nam trong tương lai gần?

Apple Store luôn là một trong những “mơ ước” của fan Táo không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây sẽ là nơi người dùng được trải nghiệm các sản phẩm Apple một cách sớm nhất cũng như do Apple trực tiếp quản lý mà không cần phải ủy quyền cho một đơn vị bên thứ 3.

Mặc dù Việt Nam luôn là một trong những thị trường tiềm năng của Apple với lượng người dùng đông đảo, tuy nhiên Apple vẫn chưa thể triển khai một Apple Store chính thống do còn vướng phải nhiều vấn đề cần giải quyết. Thay vào đó, Apple triển khai một hệ thống bán hàng và dịch vụ ủy quyền cho các đơn vị bên thứ 3, bao gồm các mô hình bán hàng với 2 cấp độ AAR (Apple Authorized Reseller), APR (Apple Premium Reseller) và mô hình dịch vụ ASP (Apple Authorized Service Provider)

Trong thời gian gần đây, các mô hình ủy quyền đang có xu hướng mở rộng tại Việt Nam. Điều này khiến nhiều người không ngừng đặt câu hỏi khi nào Việt Nam mới có Apple Store đầu tiên?

Mô hình ủy quyền được đầu tư mạnh

Trước đây, chủ yếu các đại lý bán lẻ được Apple ủy quyền phân phối các sản phẩm chính hãng, hay còn được gọi là AAR. Do có quy mô nhỏ, mô hình AAR giúp các đại lý tiết kiệm được nhiều chi phí hoạt động hơn.

Trong thời gian gần đây, Apple đã thực hiện chiến dịch “bài trừ” hàng xách tay, hàng lock và các mặt hàng không rõ nguồn gốc, khiến nhu cầu mua các sản phẩm chính hãng của người dùng tại Việt Nam tăng mạnh. Các mô hình AAR và APR cũng từ đó mà xuất hiện nhiều hơn.

Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh các đại lý ủy quyền AAR, thị trường Việt Nam xuất hiện thêm nhiều các mô hình APR. APR là chuỗi cửa hàng cao cấp cũng do Apple ủy quyền các đại lý tại Việt Nam triển khai. APR thường có diện tích rất lớn (trên 100m2), trưng bày nhiều sản phẩm mới của Apple và cho phép khách hàng trải nghiệm trực tiếp tại cửa hàng. Các tiêu chuẩn của chuỗi APR được Apple quản lý nghiêm ngặt.

Khác biệt giữa 2 mô hình AAR và APR (Ảnh: TopZone)

Năm ngoái, hệ thống Thế Giới Di Động triển khai chuỗi cửa hàng TopZone hoạt động theo cả 2 mô hình AAR và APR. Đa số cửa hàng TopZone bán hàng theo mô hình AAR và chỉ có duy nhất 1 cửa hàng đạt chuẩn APR. Tháng 4 vừa qua, TopZone khai trương thêm 1 cửa hàng APR mới tại TP.HCM, diện tích lớn tới 265m2 và cũng là cửa hàng APR lớn nhất tại Việt Nam.

Một cửa hàng TopZone đạt chuẩn APR

Trước đó, cũng đã có nhiều cửa hàng đạt chuẩn APR xuất hiện tại Việt Nam như F.Studio hay eDiGi, tuy nhiên các cửa hàng này đều có quy mô nhỏ hơn so với TopZone hiện tại.

Đại diện chuỗi hệ thống TopZone cho biết mặc dù ban đầu doanh thu ước tính kỳ vọng chỉ 2 - 3 tỷ đồng/tháng, tuy nhiên sau nửa năm đi vào hoạt động thực tế, doanh thu của hệ thống đạt mức 7 - 9 tỷ đồng/tháng. Đây cũng là cơ hội giúp TopZone có thể tiếp tục mở rộng thêm nhiều cửa hàng mới nhằm phục vụ người dùng Việt. Ngoài ra, trong tương lai TopZone cũng sẽ triển khai thêm nhiều cửa hàng mới với mô hình AAR mới, nằm độc lập và có diện tích gấp 2 tới 3 lần so với mô hình AAR hiện tại nhằm mang tới trải nghiệm tương đương với các cửa hàng APR.

Bên cạnh AAR và APR, Apple cũng ủy quyền cả dịch vụ bảo hành và sửa chữa tại Việt Nam. Mới đây, Điện Thoại Vui cũng khai trương hệ thống bảo hành uỷ quyền chính hãng Apple với 3 trung tâm tại TP.HCM, Hà Nội và Vũng Tàu. Đặc biệt, Điện Thoại Vui có kế hoạch phục vụ người dân tại các khu vực đông dân như thành phố mới Thủ Đức, tiếp đó sẽ triển khai mở rộng thêm nhiều trung tâm tại các khu vực khác.

Trung tâm dịch vụ bảo hành ASP của Điện Thoại Vui

Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống Điện Thoại Vui cho biết Điện Thoại Vui hợp tác với các bên bán lẻ lớn như FPT Shop, CellphoneS... để phục vụ các khách hàng đã mua sản phẩm tại các hệ thống này. Bên cạnh đó, Điện Thoại Vui trong tương lai có kế hoạch triển khai tiếp nhận các sản phẩm không chính hãng với điều kiện người dùng cung cấp được hoá đơn mua hàng gốc từ các quốc gia mua hàng hợp lệ. Ngoài ra, Điện Thoại Vui mô hình ASP cũng sẽ tiếp nhận và sửa chữa các thiết bị không đủ tiêu chuẩn bảo hành theo quy định của Apple, với linh kiện chính hãng và chi phí do Apple đưa ra.

Số phận mô hình ủy quyền Apple sẽ ra sao khi xuất hiện Apple Store tại Việt Nam?

Việc triển khai nhiều loại mô hình AAR, APR và ASP cho thấy Apple đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam, tuy nhiên hiện tại Việt Nam vẫn chưa phải là một quốc gia phù hợp để mở cửa một Apple Store chính hãng do chính Apple quản lý chứ không phải ủy quyền cho một bên thứ 3, ít nhất là trong tương lai gần. Tuy nhiên tới thời điểm Việt Nam xuất hiện cửa hàng Apple Store đầu tiên, thì liệu các mô hình ủy quyền có bị ảnh hưởng?

Một cửa hàng Apple Store tiêu chuẩn

Trả lời cho câu hỏi này, đại diện TopZone cho biết hiện tại các yếu tố về hành lang pháp lý, bảo hộ thương hiệu... chưa đủ đáp ứng để Apple mở cửa hàng Apple Store tại Việt Nam. Các khu vực lân cận Việt Nam có thể thấy Singapore, Thái Lan... mỗi quốc gia cũng chỉ có từ 2 tới 3 cửa hàng Apple Store, do đó khi Việt Nam có Apple Store, với số lượng 2 - 3 cửa hàng thì sẽ không ảnh hưởng nhiều tới mô hình hoạt động của các đại lý ủy quyền.

Mô hình ủy quyền và Apple Store sẽ hoạt động song song

Ông Nguyễn Lạc Huy cũng khẳng định tại các thị trường khác như Thái Lan, các chuỗi AAR, APR và ASP vẫn hoạt động mạnh bên cạnh các cửa hàng Apple Store chính thống. Đây cũng sẽ là dự đoán về thị trường Apple tại Việt Nam trong tương lai gần bởi Apple Store sẽ chỉ được thiết kế và đặt tại các khu vực trung tâm thành phố lớn, trong khi đó mô hình ủy quyền với tiềm lực của các hệ thống bán lẻ lớn có thể được triển khai rộng rãi tại bất cứ địa điểm nào.

Nguồn CafeBiz

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Yếu tố hiệu nghiệm trong marketing cũng hiệu nghiệm trong quân đội: yếu tố bất ngờ."

User Menu