Riêng Long Châu, Công ty rất chú trọng tính hiệu quả trên mỗi cửa hàng, và có thể khẳng định Long Châu hiện đang dẫn đầu về mức độ hiệu quả này. Do đó, Long Châu sẽ không đánh đổi hiệu suất để chạy đua mở rộng quy mô.
Đó là câu hỏi cổ đông đặt cho ban lãnh đạo FPT Retail (FRT) – đơn vị vận hành chuỗi nhà thuốc Long Châu – tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra mới đây. Trả lời, bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết rất khó để nói vượt hay không? Bởi, mỗi một chuỗi có hướng một đi khác nhau, trong khi Pharmacity thiên về sự thuận lợi, thực phẩm chức năng thì Long Châu lại thiên về cung cấp thuốc men, chữa bệnh các bệnh phổ biến cho người dân.
“Chưa kể, chuỗi Pharmacity đi trước nên quy mô hiện rất lớn, và Long Châu lấy đó làm động lực”, bà nhấn mạnh. Riêng Long Châu, Công ty rất chú trọng tính hiệu quả trên mỗi cửa hàng, và có thể khẳng định Long Châu hiện đang dẫn đầu về mức độ hiệu quả này. Do đó, Long Châu sẽ không đánh đổi hiệu suất để chạy đua mở rộng quy mô.
Thống kê, tuỳ vào từng khu vực, tiền thuê nhà, diện tích cửa hàng… mà điểm hoà vốn doanh thu trên mỗi cửa hàng Long Châu dao động từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng. Long Châu đặc biệt đã có những cửa hàng doanh thu đột biến gần 10 tỷ đồng.
Về Pharmacity, chuỗi vừa thông báo đã chạm được mốc 1.000 cửa hàng, dẫn đầu về quy mô tại Việt Nam hiện nay. Theo kế hoạch đề ra, Pharmacity dự đạt 1.750 nhà thuốc trong năm nay. Xa hơn, Công ty sẽ đầu tư khoảng 200 triệu USD để mở rộng hệ thống nhà thuốc, với 5.000 cửa hàng trên toàn quốc tính đến cuối năm 2025.
Hay trong phép so với một đối thủ mạnh khác là chuỗi thương hiệu An Khang của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), Long Châu khẳng định không lo ngại về tính cạnh tranh. Khi mà, thị trường dược bản chất rất rộng, hiện có tổng 57.000 nhà thuốc trong khi các chuỗi hiện nay cộng lại chỉ có 3.000 cửa hàng.
“Nên ai vào cũng có cơ hội cả, việc cạnh tranh chưa phải là yếu tố bận tâm. Điểm hay là thị trường dược phẩm với hàng hoá hơi lộn xộn, bây giờ có nhiều chuỗi chuyên nghiệp vào sẽ giúp khách hàng sử dụng mặt hàng chính hãng, sẽ tốt cho xã hội nói chung”, bà Điệp nói.
Mặt khác, thị trường cũng đang mở rộng do hàng lậu đang giảm mạnh, theo đó dư địa cho hàng chính hãng nhiều hơn hơn cũng là một tín hiệu tốt của mảng dược.
Điểm qua về An Khang, 2022 được xem là năm MWG chính thức gia nhập sâu vào mảng dược sau nhiều năm bỏ ngỏ. Trong chia sẻ mới đây, đại diện là ông Nguyễn Đức Tài cho biết muốn kiếm lợi nhuận trong ngành dược thì thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc.
“Ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi có những bước phát triển tốt. Trước đây, ngành thuốc cơ bản chỉ có thuốc chữa bệnh là chính, nhưng sau đợt dịch vừa rồi thì thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng có những tăng trưởng rất ngon lành. Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành thuốc Việt Nam bắt đầu có những dịch chuyển từ trạng thái chữa bệnh, đau đâu chữa đó, sang trạng thái bảo vệ sức khoẻ. Bước chuyển dịch này giống như những nước phát triển. Tại các nước này, thực phẩm chức năng, vitamin, các loại thuốc làm cho cơ thể khoẻ mạnh phát triển rất tốt”, ông nhấn mạnh.
Trở lại với Long Châu, xác định dược là một trong những mảng chủ lực cho tương lai, FRT miệt mài theo đuổi từ năm 2018 đến nay. Dù rằng, nhiều đối thủ bán lẻ hiện hữu cùng gia nhập vào cùng thời điểm, song hầu hết sớm tạm dừng cuộc chơi.
Sang năm 2021, nhu cầu lớn giữa đại dịch mang lại “quả ngọt” cho những nỗ lực của Long Châu. Ghi nhận, doanh thu chuỗi đạt 3.977 tỷ đồng và lần đầu tiên báo lãi 4,9 tỷ đồng sau khi lỗ khoảng 158 tỷ đồng hai năm 2019-2020. Long Châu hiện đã sở hữu 400 nhà thuốc tại thời điểm cuối năm 2021, tăng thêm 200 nhà thuốc so với đầu năm.
Tính riêng trong quý 4, gần 100 nhà thuốc mới của Long Châu đi vào hoạt động. Với những tín hiệu đáng mừng trên, bà Điệp nhấn mạnh đang nỗ lực để Long Châu năm nay có thể mang về 50-100 tỷ lợi nhuận cho toàn Tập đoàn.
Theo kế hoạch, Long Châu sẽ mở rộng sang các tỉnh thành phố loại 2-3, với mục tiêu 700-800 cửa hàng tính đến cuối năm 2022. Hiện, Long Châu có tất cả các dãy sản phẩm cho từng phân khúc khách hàng, và tất cả các dãy sản phẩm đều đang lãi như nhau. Do đó, việc đưa chuỗi về các tỉnh sẽ không ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp hiện tại.
Song song, FRT cho biết cũng tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics phục vụ cho việc tăng trưởng nhanh số lượng cửa hàng và tối ưu hàng hóa. Cũng như phát triển mở rộng các sản phẩm nhãn riêng nhằm mang đến cho khách hàng nhiều sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh. Kỳ vọng, Công ty sẽ có khoảng 50 sản phẩm nhãn riêng trong năm nay.
Tương lai xa hơn, theo “nữ tướng” FRT không chỉ mở nhà thuốc, mà còn nhắm tới thị trường healthcare – đây là mảng rất rộng gồm nhiều lĩnh vực. Đó cũng là những thị trường FRT quan tâm để làm cái gối đầu thời gian tới.
Nhìn lại hành trình có thể nói hy sinh lợi nhuận để dốc sức cho Long Châu, bà Điệp tự hào cho biết công thức thành công tính đến hiện tại của chuỗi bao gồm rất nhiều yếu tố. Bởi, “làm bán lẻ đòi hỏi một sự tổng hoà rất lớn. Chẳng hạn tốt về nguồn hàng, bán ra giá tốt nhưng dược sĩ tư vấn kém cũng không được. Hay trải nghiệm mua hàng lâu, chậm, vị trí cửa hàng tắc xe vào cũng không được…. Nhìn chung lại thì có thể nói khách hàng sẽ chỉ ủng hộ cửa hàng mang lại trải nghiệm tốt nhất cho họ”.
Thị trường dược phẩm còn rất rộng, cả thị trường Việt Nam có 57.000 nhà thuốc. Trong đó, các chuỗi nhà thuốc chỉ có khoảng 3.000 cửa hàng, vì vậy không quá ảnh hưởng. Điểm hay là thị trường dược phẩm với hàng hoá hơi lộn xộn, bây giờ có nhiều chuỗi chuyên nghiệp vào sẽ giúp khách hàng sử dụng mặt hàng chính hãng, sẽ tốt cho xã hội nói chung.
Nguồn CafeF