Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đức Tài cho rằng chìa khoá quan trọng để đạt mức này là mở rộng 2 chuỗi có nền tảng vững chắc, tăng tốc ở những chuỗi có tiềm năng và tiếp tục thử nghiệm các mảng kinh doanh mới.

Độ chững của Bách hoá Xanh đặt dấu hỏi cho khả năng tiếp tục mở rộng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đặt mục tiêu năm nay doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng 2 con số, lần lượt đạt 140.000 tỉ đồng và 6.350 tỉ đồng. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đức Tài cho rằng chìa khoá quan trọng để đạt mức này là mở rộng 2 chuỗi có nền tảng vững chắc, tăng tốc ở những chuỗi có tiềm năng và tiếp tục thử nghiệm các mảng kinh doanh mới.

Loạt thử nghiệm mới

Hai chuỗi có nền tảng vững chắc ở đây là chuỗi điện thoại và điện máy, năm ngoái mang về doanh thu gần 95.000 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ bất chấp việc phải đóng cửa nhiều tháng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại về mô hình kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu này khi tham gia làm quá nhiều lĩnh vực từ điện thoại, điện máy đến hàng hoá thiết yếu, dược phẩm, thời trang, trang sức lẫn đồ dùng cho mẹ và bé... “Rủi ro này không lớn đến mức làm rối loạn hoạt động và khiến kết quả kinh doanh lao dốc”, ông Tài trả lời các nhà đầu tư.

Một trong những chú ý khác khi đề cập hoạt động kinh doanh của Thế Giới Di Động là chuỗi bán lẻ Bách hoá Xanh. Chuỗi này mới thay đổi nhân sự lãnh đạo khi ông Trần Kinh Doanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị điều hành Bách hoá Xanh, sẽ rút khỏi hoạt động điều hành trực tiếp chuỗi này. Người tiếp quản công việc của ông Doanh sẽ là ông Nguyễn Đức Tài.

Nguồn tin của NCĐT cho biết Thế Giới Di Động thay “tướng” là do nguyện vọng cá nhân của ông Trần Kinh Doanh, ngoài ra không còn lý do nào khác về việc thay đổi nhân sự này. Nhìn lại 6 năm xây dựng, phát triển, ông Doanh đã đưa Bách hoá Xanh lọt vào Top 3 chuỗi bán lẻ chuyên về thực phẩm và hàng tiêu dùng có doanh thu lớn nhất Việt Nam với mạng lưới hơn 2.000 cửa hàng. Bách hoá Xanh trở thành kênh bán lẻ online chuyên về thực phẩm và hàng tiêu dùng duy nhất lọt vào Top 10 website thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam.

Để hiện thực hoá mục tiêu kinh doanh năm 2022, Thế Giới Di Động sẽ nâng cao thị phần điện thoại, điện máy trong năm 2022 bằng cách tiếp tục mở mới 200 cửa hàng Điện Máy Xanh mini/super mini, 40 cửa hàng TopZone và triển khai chuỗi điện máy tại thị trường nước ngoài. Trong khi đó, hệ thống Bách hoá Xanh sẽ tạm ngừng mở mới trong năm 2022 và chỉ nhân rộng vào năm 2023. Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang, hệ thống này sẽ được tập trung đầu tư tài chính và đội ngũ lãnh đạo trong năm 2022 để phát triển mạnh mẽ hơn.

Gia tăng hiệu suất

Việc chuỗi Bách hoá Xanh tạm ngừng mở mới trong năm 2022 cũng không quá bất ngờ. Tính đến cuối tháng 11/2021, Bách hoá Xanh có 2.026 cửa hàng, tăng 270 cửa hàng so với cuối tháng 2/2021, doanh thu lũy kế đạt 26.300 tỉ đồng, tăng 38% so với năm 2020. Tuy nhiên, tháng 11/2021, Bách hoá Xanh có doanh thu ở mức 1.800 tỉ đồng, tức mỗi cửa hàng chỉ đạt doanh thu trung bình hơn 880 triệu đồng/tháng. Đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ tháng 2/2021 (thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán). Trong khi đó, vào năm 2020, doanh thu trung bình đạt 1,25 tỉ đồng/cửa hàng/tháng.

Nhớ lại thời điểm nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội, các chợ truyền thống đóng cửa, doanh thu của Bách hoá Xanh đã có giai đoạn tăng nóng. Điển hình như vào tháng 7/2021, doanh thu của hệ thống này đạt hơn 4.000 tỉ đồng. Thế nhưng, những tháng sau đó, doanh thu lại liên tục giảm. Với doanh thu thể hiện trong báo cáo tài chính của Thế Giới Di Động thì Bách hoá Xanh khó có thể chạm ngưỡng doanh thu 30.000 tỉ đồng trong năm 2021 như kỳ vọng để “chung mâm” với Saigon Co.op và WinMart/WinMart+.

Hệ thống Bách hoá Xanh sẽ tạm ngừng mở mới trong năm 2022 và chỉ nhân rộng vào năm 2023
Ảnh: Quý Hoà

Các cổ đông của Thế Giới Di Động có lý do để vẫn đặt niềm tin vào Bách hoá Xanh trong bối cảnh thị trường bán lẻ đang phục hồi. “Báo cáo gần đây của chúng tôi cho thấy niềm tin của các nhà bán lẻ về tiềm năng tăng trưởng của ngành trong tương lai. Sự lạc quan này được củng cố bởi niềm tin rằng đại dịch sẽ được kiểm soát và cuộc sống sẽ dần trở lại bình thường”, ông Vivek Kaul, Giám đốc Ngành Bán lẻ của CBRE tại Châu Á, cho biết.

Về triển vọng ngành bán lẻ năm 2022, báo cáo của CBRE đã chỉ ra xu hướng đầu tiên định hình thị trường bán lẻ là các cửa hàng vật lý sẽ được duy trì, phát triển và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, dù đại dịch đẩy nhanh sự thâm nhập của thương mại điện tử.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư

Pin It
Henry Chester

"Nhiệt tình là tài sản vĩ đại nhất trên thế giới. Nó đánh đổ cả tiền, quyền lực và tầm ảnh hưởng."

User Menu