“Từ năm sau, việc tăng doanh thu, ổn định chi phí trung tâm phân phối, tăng lợi nhuận gộp thì tin tưởng ngày Bách hoá Xanh có lãi sẽ sớm diễn ra”, Chủ tịch TGDĐ nhận định.

Điểm hoà vốn của Bách hóa Xanh là một trong những câu hỏi được cổ đông CTCP Thế Giới Di Động (TGDĐ, mã MWG) đặt ra với lãnh đạo doanh nghiêp này tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức cuối tuần qua.

Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc công ty cho biết, tháng 3 vừa qua là tháng đột biến mà Bách hóa Xanh báo lời, tuy nhiên công ty không công bố vì đó là “lời may mắn”.

“Doanh thu một cửa hàng là 1,6 tỷ đồng. Các tháng sau, biên lãi gộp 24-25%. Với lãi gộp này, chi phí cửa hàng khoảng 19-20%, chi phí của trung tâm phân phối 5-6%, thì thẳng thắn chia sẻ tiền kiếm được đang vừa vặn trang trải cho shop và trung tâm phân phối. Còn khi nào có lời, doanh thu của shop phải đẩy lên và gia tăng lãi gộp chút nữa mới lời”, CEO TGDĐ chia sẻ.

Theo lãnh đạo công ty, Bách hóa Xanh trải qua 2 giai đoạn lớn, giai đoạn một từ quý I đến quý IV/2018, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhanh, doanh thu trung bình cửa hàng tăng mạnh (600-700 triệu đồng, đến cuối năm khoảng 1-1,2 tỷ đồng) và giảm tốc độ mở rộng để tinh chỉnh mô hình cửa hàng chuẩn. Giai đoạn hai từ quý I đến quý IV/2019, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh, doanh thu trung bình cửa hàng tiếp tục cải thiện và tăng tốc mở mới hơn 100 cửa hàng mỗi quý, mở rộng đi thị trường tỉnh từ quý III, đầu tư mạnh cho hệ thống kho và trung tâm phân phối mới.

T5

Ông Trần Kinh Doanh, CEO TGDĐ

“Có 2 định hướng chính của Bách hoá Xanh, nếu muốn bắt đầu tiệm cận điểm hoà vốn và sinh lời thì phải giảm tốc độ mở rộng cửa hàng, vì mức sinh lời mỗi cửa hàng chưa đủ để ‘cover’ chi phí trung tâm phân phối, đặc biệt ở các tỉnh nhỏ. Còn nếu đi theo định hướng thứ 2 thì MWG sẽ đẩy mạnh việc tăng tốc mở rộng cửa hàng để lấy thêm thị phần, đặc biệt mở rộng tỉnh mới phải đầu tư nhiều cho trung tâm phân phối. Và như vậy, kịch bản 2020 MWG sẽ tiếp tục mở nhiều cửa hàng và trung tâm phân phối nhỏ hơn, để các cụm tỉnh có 50-100 cửa hàng”, lãnh đạo công ty cho biết.

Ông Trần Kinh Doanh nói thêm, việc tăng cường mở mới cửa hàng có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Có 2 vấn đề, mở vài ngàn shop, ban đầu trung tâm phân phối phục vụ cho 5 shop, tháng sau phục vụ cho 10 shop, tháng sau nữa vài chục shop nhưng đã phải chịu toàn bộ chi phí. Yếu tố thứ 2 là khu vực mở shop của Bách hóa Xanh thành 2 vùng lớn, gồm các tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, thậm chí xuống đến Bến Tre, Tiền Giang thì phải tính đến câu chuyện, thay vì shop lớn 3 tỷ đồng chỉ chiếm 10-15% thì phải đẩy lên 30-40% shop có doanh thu 3 tỷ đồng. Ở TP.HCM, công ty cố gắng đẩy số shop có doanh số 4-5 tỷ đồng/tháng với 4.000-5.000 mặt hàng cho shop đó.

“Còn mở ở tỉnh thành mới như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Khánh Hoà… thì doanh thu trung bình 1 cửa hàng chỉ 1-1,3 tỷ đồng và chúng ta phải chấp nhận giai đoạn đầu khách hàng lạ lẫm với Bách hóa Xanh. Nhưng chắc chắn doanh thu sẽ được cải thiện vì công ty đã nhìn thấy xu hướng này khá rõ ở Bến Tre, Long An…”, ông Doanh chia sẻ.

Đề cập tới vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ cho biết, hiện tại lãi gộp bán điện máy cao hơn điện thoại.

“Đây là điều vô lý vì điện thoại có sử dụng bao nhiêu kim loại, nhựa đâu, tivi cần chi phí nguyên vật liệu nhiều hơn. Nhưng sự thật là bán điện máy lời hơn điện thoại. Vậy vì sao? Khi mình đạt được quy mô nào đó và nhà cung cấp tin rằng TGDĐ sẽ lớn lên trong tương lai thì điều này xảy ra. Họ sẽ tăng hỗ trợ và tăng được lãi gộp”, Chủ tịch MWG cho biết.

T6

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch TGDĐ.

Và theo ông Tài, với quy mô năm nay Bách hoá Xanh đạt doanh thu gần 20.000 tỷ đồng. Tức với quy mô hiện nay, doanh thu của Bách hoá Xanh hơn 50% doanh thu của Co.opmart (doanh thu 2019 là 33.000 tỷ đồng), đủ để xây dựng niềm tin với các nhà cung cấp rằng Bách hoá Xanh sẽ lớn trong tương lai.

“Từ năm sau, việc tăng doanh thu, ổn định chi phí trung tâm phân phối, tăng lợi nhuận gộp thì ngày Bách hoá Xanh có lãi sẽ sớm diễn ra”, Chủ tịch TGDĐ nhận định.

Về kế hoạch phát triển ở thị trường nước ngoài, lãnh đạo công ty cho biết có ý định mở rộng chuỗi Bigphone Plus ở thị trường Campuchia.

Tại thị trường Campuchia, khai trương cửa hàng đầu tiên đến nay là 3 năm và mới mở được 17 cửa hàng. Trước đây tại thị trường này chủ yếu bán là sản phẩm điện thoại.

“Thị trường Campuchia khá phức tạp, chưa rõ ràng về thuế má. Mặt khác, ở thị trường Việt Nam, công ty có quá nhiều việc phải làm nên thị trưởng Campuchia thì xem như thời gian qua là học việc. Hiện công ty đã mở shop Điện máy Xanh đầu tiên ở đây”, lãnh đạo TGDĐ chia sẻ.

Phía công ty cho biết, cơ hội với shop Điện máy Xanh bán được nhiều sản phẩm hơn, doanh số tạo ra trên cùng 1m2 cũng lớn hơn so với shop điện thoại. Ở Campuchia, công ty tạm ngưng mở thêm các shop chỉ bán điện thoại, mà sẽ mở shop bán điện máy. Mục tiêu năm 2020 có 30 cửa hàng ở thị trường Campuchia là chuỗi có số lượng lớn nhất ở thị trường này.

“Doanh thu shop khoảng 1,2-1,5 tỷ đồng. Hiện shop đang mua qua các nhà phân phối, nhưng hướng đến mua trực tiếp từ các nhà cung cấp. Một shop có doanh thu như vậy so với shop ở Việt Nam là 5-7 tỷ đồng thì cơ hội gia tăng doanh thu tại thị trường Campuchia rất sáng. Sau Campuchia sẽ là các nước khác”, lãnh đạo TGDĐ cho biết.

* Nguồn: BizLive

Pin It
P. F. Drucker

"Marketing ... bao phủ toàn bộ họat động kinh doanh. Là tất cả họat động kinh doanh nhìn từ kết quả cuối cùng, tức là từ quan điểm của người tiêu dùng."

User Menu