KR Asia, trang truyền thông công nghệ lớn nhất ở Trung Quốc, hôm 22.1 dẫn nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết, Grab đang đàm phán để thu nạp các hoạt động của Uber ở Đông Nam Á.

Động thái này là một phần trong nỗ lực của Grab nhằm thắt chặt sự quản lý của họ đối với ngành chia sẻ xe đang phát triển nhanh chóng tại khu vực.

Được biết, các cuộc đàm phán giữa hai bên được thúc đẩy mạnh mẽ hơn sau khi SoftBank, tập đoàn viễn thông lớn thứ hai Nhật Bản, đổ hàng tỉ USD vào Uber và trở thành cổ đông lớn nhất của hãng chia sẻ xe có trụ sở tại San Francisco (Mỹ). SoftBank cho rằng Uber nên tập trung nhiều hơn vào việc củng cố thị trường Mỹ và châu Âu, nơi công ty đang phải đối mặt với các cuộc chiến pháp lý cam go.

Năm 2016, Uber cũng đã chuyển hoạt động của mình tại Trung Quốc sang cho Didi Chuxing nhằm kết thúc cuộc chiến tốn kém với đối thủ và định vị lại nguồn lực chinh phục thị trường Đông Nam Á đang phát triển, với lực lượng người tiêu dùng trẻ tuổi và ngày càng giàu có hơn. Tuy nhiên, mọi chuyện dường như đã diễn ra không như những gì Uber mong muốn, ngay khi tấn công vào thị trường Đông Nam Á hãng chia sẻ xe này đã gặp thách thức mạnh mẽ từ những cái tên địa phương như Go - Jek (Indonexia) và Grab.

GG1

Lợi ích tài chính được cho là một trong những nguyên nhân thúc đẩy thương vụ này. Ảnh chụp màn hình KR Asia.

Cả Uber và Grab đều ra mắt hoạt động tại Singapore vào năm 2013. Trong khi Uber cho rằng mình có nhiều lợi thế kinh nghiệm hoạt động hơn nhờ vào sự hiện diện toàn cầu, Grab lại chọn cách tập trung mạnh việc địa phương hóa các dịch vụ. Ví dụ, nhận ra rằng phần lớn người dùng tại Đông Nam Á không có thẻ tín dụng, Grab đã chủ động cho phép thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng từ những ngày đầu.

Năm ngoái Grab tuyên bố đã có được 95% thị phần trong dịch vụ chia sẻ xe và 71% trong dịch vụ gọi xe riêng. Hãng này cũng đạt được 1 tỉ lượt đi ở khu vực Đông Nam Á. Uber không công bố thị phần ở khu vực này, nhưng trong một tuyên bố hồi tháng 6.2017, cho biết tổng số lượt sử dụng dịch vụ của khách hàng đã vượt qua mốc 5 tỉ.

Bắt đầu tại Malaysia, Grab hiện đã có mặt rộng khắp tại hơn 160 thành phố tại các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Singapore, Indonexia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia, trong khi Uber chỉ hoạt động trong khoảng 60 thành phố tại khu vực.

Một yếu tố khác thúc đẩy thương vụ này được cho là do vấn đề tài chính. Giám đốc điều hành mới của Uber, ông Dara Khosrowshahi, hồi tháng 11.2017 cho biết, mức vốn đầu tư vào Đông Nam Á đã vượt quá tiêu chuẩn ban đầu và ông “không lạc quan rằng thị trường này sẽ sớm đem lại lợi nhuận”. Việc chuyển lại các hoạt động tại Đông Nam Á cho Grab sẽ giúp Uber có thể cắt giảm thiệt hại và tập trung vào các thị trường đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn.

* Nguồn: Thanh Niên

Ẩn danh

"Mọi thành tựu đều bắt đầu từ một quyết định làm thử"

User Menu