Dù tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ lên đến 65% vốn điều lệ, nhưng trong đợt IPO mới đây cổ phiếu Vissan vẫn hút hàng với mức giá khá cao. Đây là một tín hiệu hấp dẫn nhà đầu tư trong năm 2016. Trước những thành công sau suốt 46 năm thành lập và phát triển, đặc biệt là thắng lợi của đợt đấu giá cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) vừa qua, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, có những chia sẻ về sự đổi mới, chiến lược và bước đường phát triển của Vissan.

vissan

  • Dưới góc nhìn của người đứng đầu doanh nghiệp, ông lý giải thế nào về sự thành công này?

Có được thành công này là nhờ sự chuẩn bị chu đáo, cẩn trọng trong công bố thông tin, cũng như việc tiếp xúc các nhà đầu tư để giới thiệu về doanh nghiệp. Điều cốt lõi nhất trong IPO chính là phải nói thật, bộc lộ được giá trị cốt lõi của chính mình và tiềm năng phát triển những năm kế tiếp. Doanh nghiệp phải chứng minh được mình, có thực lực, có thương hiệu và tiềm năng phát triển trong tương lai, đặc biệt trong môi trường kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Bằng những phương thức này, doanh nghiệp sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

  • Ngoài điều đó ra, Vissan có một chiến lược nào để thuyết phục nhà đầu tư?

Với bề dày 46 năm hình thành và phát triển, trải bao thăng trầm cùng với các bước chuyển mình của nền kinh tế từ bao cấp đến kinh tế thị trường, đến nay Vissan đã trở thành một thương hiệu thân quen với người tiêu dùng Việt Nam. Văn Đức MườiChiếm tới 65% thị phần xúc xích hay 75% thị phần lạp xường, sở hữu hệ thống phân phối đa dạng phong phú với hơn 130.000 điểm bán trên toàn quốc là thế mạnh của Vissan. Chúng tôi luôn giữ vững nguyên tắc 3M làm cốt lõi cho hoạt động kinh doanh. Đó là Tiền (Money), Ý nghĩa (Meaning) và Sứ mệnh (Mission).

Ban đầu là một đơn vị kinh doanh, Vissan hướng đến hoạt động hiệu quả, tạo ra tiền, tạo ra lợi nhuận, đảm bảo thu nhập cho gần 4.000 con người tại Vissan; bình quân hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước 300 tỷ đồng; nhiều năm liền nằm trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế cao nhất Việt Nam; doanh thu hàng năm là 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 150 tỷ đồng. Đó là M1 (Tiền).

Thứ 2, theo tháp nhu cầu của Maslow, công nghiệp thực phẩm là ngành thiết yếu, phục vụ nhu cầu cơ bản của mọi người. Hàng năm, Vissan cung cấp ra thị trường 30.000 tấn thực phẩm tươi sống và 20.000 tấn thực phẩm chế biến. Đó là M2 (Ý nghĩa).

Và, 46 năm hoạt động Vissan gắn liền một sứ mệnh: mang đến nguồn dinh dưỡng, sức khỏe và an toàn về thực phẩm cho thế hệ hiện tại và tương lai, cũng như mang đến tiện ích cho mọi gia đình. Đó là M3 (Sứ mệnh).

  • Mục tiêu của nhà đầu tư đều hướng đến lợi nhuận và cổ tức, trong khi Nhà nước nắm giữ 65% vốn tại Vissan, chưa kể doanh nghiệp còn thực hiện nhiều trách nhiệm xã hội với cộng đồng, chẳng hạn chương trình bình ổn thị trường, liệu nhà đầu tư có chấp nhận đồng hành lâu dài cùng Vissan?

Đây đúng là những nút thắt cần gỡ. Bình ổn thị trường mang tính chất nghĩa vụ xã hội, nói cách khác, doanh nghiệp không chỉ biết đến mỗi việc kiếm tiền mà còn có trách nhiệm gánh vác các sự mệnh đầy ý nghĩa với cộng đồng. Nhà nước nắm giữ vai trò chi phối thì quản trị khó chuyển đổi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta sẽ hội nhập nhanh và sâu vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do, chắc chắn ngành hàng chăn nuôi, thực phẩm cũng sẽ phải được cải tổ một cách nhanh chóng, do đó Nhà nước sẽ phải có giải pháp để nhanh chóng thoái bớt vốn, chuyển đổi cơ cấu sở hữu của Vissan và đưa cổ phiếu vào niêm yết. Lúc đó, vốn hóa sẽ tạo sức mạnh hơn nữa cho Vissan. Tôi nghĩ rằng, mặc dù tiêu chí chiến lược của Vissan đề ra vẫn là tham gia bình ổn thị trường sau cổ phần hóa, nhưng phải thấy rằng, yếu tố này cũng đồng thời xây dựng thương hiệu Vissan với khách hàng. Chính vì vậy, nhà đầu tư sẽ đồng hành cùng Vissan.

Vì sao cổ phiếu Vissan hấp dẫn?

- Vissan hiện chiếm 65% thị phần xúc xích, 75% thị phần lạp xường.

- Hệ thống phân phối rộng khắp với hơn 130.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.

- Doanh thu hằng năm khoảng 4.500 tỷ đồng. Lợi nhuận hơn 150 tỷ đồng.

  • Thông thường, khi một doanh nghiệp nhà nước IPO thì các nhà đầu tư chủ yếu nhìn vào tài sản là đất đai, nhưng sức hấp dẫn của Vissan trong mắt nhà đầu tư lại không phải là yếu tố này. Theo ông, đâu là lý do?

Vào năm 2011, chúng tôi nhận thức rằng, thị trường đòi hỏi cần có sự thay đổi về nhận thức và tư duy.

Trong thị trường cạnh tranh, kênh phân phối mới là giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, chúng tôi tái cấu trúc doanh nghiệp bằng cách chuyển đổi 1.000 đại lý thành 116 nhà phân phối trên toàn quốc. Từ 116 nhà phân phối này đã tạo dựng được 130.000 điểm bán. Điều đó có nghĩa rằng, sản phẩm của Vissan có thể lan tỏa và đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng.

Có thể nói, kênh phân phối là yếu tố quyết định trong thị trường cạnh tranh, có giá trị lớn và tiềm năng tạo sức bật cho doanh nghiệp trong tương lai. Chúng ta có thể đầu tư thay đổi công nghệ, mua các công thức chế biến, sản xuất, nhưng xây dựng, điều hành kênh phân phối vừa là nghệ thuật quản trị, vừa là cái tinh tế nhất trong thị trường, đó là sự đổi mới trong nhận thức.

  • Có thể thấy kênh phân phối và thương hiệu Vissan là một giá trị vô hình, vậy việc xác định giá trị doanh nghiệp theo yếu tố này ra sao?

Theo các quy định hiện hành để tính toán giá trị doanh nghiệp thì Nhà nước thiên về tính toán giá trị hữu hình, yếu tố giá trị vô hình chưa tính đầy đủ. Và chính thị trường đã làm thay điều đó, bằng chứng là họ trả giá Vissan rất cao. Nói cách khác, người mua cổ phiếu của Vissan trong đợt IPO vừa qua đã nhìn vào tiềm năng phát triển và các giá trị về mặt thương hiệu và hệ thống phân phối của Vissan.

  • Tầm nhìn chiến lược của Vissan trong tương lai là xây dựng chuỗi khép kín “Từ trang trại đến bàn ăn”. Vậy Vissan hiện đã đạt được mục tiêu này đến đâu?

Vào cuối năm 2015, Vissan đã công bố bán hàng VietGAP trên toàn hệ thống và đến năm 2016 sẽ hoàn thành mục tiêu này. Đến cuối tháng 4 này, chúng tôi có thể tự tin công bố bán 100% sản phẩm VietGAP. Điều này cũng nói lên sự cam kết với cộng đồng và sứ mệnh của Vissan đối với xã hội.

Tuy VietGAP là thực hành sản xuất tốt sau thu hoạch, nhưng cũng là một phần của sản xuất theo chuỗi giá trị, mang tính chất truy xuất nguồn gốc. Đây không những là điều kiện để xây dựng những giá trị chuẩn mực của nguồn nguyên liệu mà còn định hình cho đơn vị sản xuất thực hiện theo yêu cầu thị trường.

Khép kín quy trình không có nghĩa là làm tất cả. Chúng tôi đầu tư xây dựng khá nhiều trang trại tại Bình Thuận, Bình Dương... theo chuẩn VietGAP, nhưng cũng chỉ đủ khả năng đáp ứng 10% nhu cầu nguyên liệu. Như vậy 90% còn lại sẽ liên kết với những người chăn nuôi thực hiện theo đúng chuẩn VietGAP. Điều này có nghĩa là chúng tôi giúp tác động tích cực đến các vùng chăn nuôi như gia tăng năng suất và đạt chuẩn an toàn vệ sinh.

  • Tuy nhiên, bài toán cạnh tranh cũng không phải là đơn giản với Vissan nếu thử so sánh với CP, một đối thủ trong ngành chăn nuôi. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?

Tôi lại nghĩ khác. CP không phải là một đối thủ mà là đồng nghiệp trên thị trường, cần phải giúp nhau để phát triển. Vì CP phát triển thì chúng tôi cũng lớn mạnh để đem lại lợi ích cho xã hội. Chúng ta thấy CP tận dụng rất tốt các chính sách thu hút nhà đầu tư để phát huy và lớn mạnh, đem lại cho xã hội nhiều sản phẩm có giá trị. Chúng ta cần học hỏi nhiều điều từ những người làm thị trường giỏi.

Mặc dù, một số điều chỉnh ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài cần phải xem xét lại, nhưng chúng ta cần phải tự hỏi, họ phát triển được trên đất Việt Nam, tại sao chúng ta lại không làm được? Phải thấy rằng, những gì CP đang làm là động lực để chúng tôi vươn đến tầm phát triển như họ. Do vậy, nếu gọi họ là đối thủ thì đó là đối thủ tốt, chứ không phải là nhân tố để đối kháng.

  • Cảm ơn ông!

Sức hấp dẫn của cổ phiếu Vissan

Ngày 24/3, Vissan chào bán 14% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Công ty CJ (Hàn Quốc) chào giá 120.600 đồng/cổ phần; Proconco 125.000 đồng còn Anco 126.000 đồng. Kết quả là Anco đã thắng thầu và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Vissan. Trước đó, trong phiên IPO của Vissan diễn ra vào ngày 7/3, 142 nhà đầu tư đã mua hết số cổ phần đưa ra đấu giá với giá bình quân 80.053 đồng/cổ phần, cao gấp 4,7 lần giá khởi điểm là 17.000 đồng/cổ phần.

Theo: Đăng Lãm
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Ngay cả khi mọi thứ đều thuận lợi, doanh nghiệp có kế họach marketing thường tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn doanh nghiệp không có"

User Menu