Central Group được biết đến là tập đoàn gia đình nổi tiếng tại Thái Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng.

Đại gia bán lẻ Thái Lan

Central Group được biết đến là tập đoàn gia đình nổi tiếng tại Thái Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng.

Khởi nghiệp kinh doanh từ một tạp hoá nhỏ nằm ở bờ tây sông Chao Phraya, nhà sáng lập Tiang Chirathivat đã dần phát triển Central Group thành một đế chế khổng lồ. Ngoài là 1 trong 5 tập đoàn kinh doanh lớn nhất Thái Lan, Central Group cũng được biết đến là một trong những tập đoàn sử dụng nhiều lao động nhất tại đất nước Chùa tháp.

central

Một số mảng kinh doanh lớn của tập đoàn gồm:

  • CPN (Central Pattana) - Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và trung tâm thương mại với những tên tuổi lớn gồm CentralPlaza, CentralFestival và CentralWorld. CPN hiện sở hữu 1 trung tâm thương mại ở nước ngoài và 31 trung tâm ở Thái Lan với tổng diện tích mặt bằng cho thuê bán lẻ lên tới 7 triệu m2. Đây cũng là đơn vị tạo ra tới 80% doanh thu cho cả tập đoàn Central Group.

Điểm nhấn của Central Group đó là thâu tóm khu phức hợp World Trade Center vào năm 2002. World Trade Center là khu phức hợp thương mại khổng lồ ở khu vực Ratchaprasong, trung tâm Thái Lan, với nhiều thương hiệu nổi tiếng thuê mặt bằng.

World Trade Center sau đó đã được đổi tên thành CentralWorld, và hiện được biết đến như biểu tượng của tập đoàn.

  • CDG (Central Department Store Group) - Hoạt động trong lĩnh vực cửa hàng, bán lẻ gồm: Central Department Store, Robinson Department Store...
  • CHR (Centara Hotel and Resort) - Đơn vị điều hành hơn 40 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Maldives và Sri Lanka.
  • CRG (Central Restaurant Group) - Chuỗi nhượng quyền trong lĩnh vực đồ ăn nhanh tại Thái Lan gồm các thương hiệu: Mister Donut , KFC (chỉ các cửa hàng trong trung tâm lớn), Auntie Anne's , Pepper Lunch , Chabuton, Coldstone, Ryu Shabu Shabu, The Terrace, Yoshinoya, Ootoya, Tenya và Katsuya.
  • CFG (Central Food Retail Group) - Điều hành các cửa hàng tiện lợi và hàng tiêu dùng gồm: Central Food Hall, Tops, EATHAI, FamilyMart và Central Wine Cellar.
  • CHG (Central Hardline Group) - Điều hành các cửa hàng điện máy và đồ gia dụng: Power Buy, Baan and Beyond, HomeWork và Thai Wassadu.

Theo thống kê của Forbes vào tháng 1/2016, gia đình Chirathivat sở hữu khối tài sản khoảng 11,7 tỷ USD - là gia tộc giàu có thứ 14 tại châu Á. So với năm 2013, khối tài sản này đã tăng khoảng 27% nhờ vào những thành công trong ngành bán lẻ.

Tính đến năm 2014, việc kinh doanh của Central Group vẫn rất trơn tru. Tổng tài sản của công ty này năm 2014 là khoảng 9,7 tỷ USD, với khoảng 70.000 nhân viên trải khắp ở nhiều quốc gia trên thế giới.

11 thành viên trong gia đình Chirathivat nắm giữ các vị trí quan trọng trong tập đoàn, cũng như sở hữu phần lớn nguồn vốn của công ty, và 70 thành viên khác trong gia đình không nắm giữ quá 15% lượng cổ phiếu của Central Group.

Thời gian gần đây Central Group đang tập trung đầu tư mở rộng tại Indonesia và Việt Nam. Ngoài ra, chia sẻ với tờ Forbes, lãnh đạo tập đoàn này cũng tiết lộ kế hoạch năm 2016 - 2017 của họ là mở rộng sang thị trường Malaysia và sau đó là Myanmar.

Central đang làm gì tại Việt Nam?

Thâu tóm Nguyễn Kim

Tháng 1/2015, truyền thông trong nước tiết lộ một thông tin vô cùng quan trọng trong báo cáo tài chính của Power Buy (mảng kinh doanh trực thuộc tập đoàn Central Group), đơn vị hiện do Robinson Department Store nắm 40% cổ phần – đã mua lại 49% cổ phần CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT.

Đáng chú ý Nguyễn Kim – hãng bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam được thành lập năm 1996 và sau gần 20 năm, chuỗi này đang có 23 siêu thị. Với thương vụ này trong 5 năm tới, Central Group tuyên bố sẽ mở thêm hơn gấp đôi con số trên.

Hiển nhiên có thể dễ dàng nhận thấy tham vọng mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam của Central Group thông qua việc sở hữu 49% cổ phần Nguyễn Kim. Hiện Nguyễn Kim có 21 siêu thị điện máy trên khắp cả nước.

Trên thực tế, ngoài thương vụ với Nguyễn Kim, Central Group VN cũng đã phát triển hệ thống trung tâm thương mại Robins ở TP.HCM và Hà Nội.

Dù mức giá 100 USD cho 49% cổ phần Nguyễn Kim được các chuyên gia đánh giá là "thuận mua, vừa bán" nhưng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại cho Central Group. Thương vụ diễn ra trong bối cảnh thị trường điện máy Việt Nam ảm đạm, doanh thu và lợi nhuận của Nguyễn Kim cũng đã sụt giảm so với giai đoạn trước đó.

Cuối cùng, đã gần 1 năm trôi qua kể từ ngày thương vụ được công bố, lộ trình cụ thể cho chiến lược phát triển Nguyễn Kim của Central Group như thế nào hiện vẫn còn là một ẩn số hoặc cũng có thể đã được triển khai nhưng chưa mang lại bất kể thành tựu nào đáng kể.

Đồn đoán mua BigC Việt Nam

Sau thông tin tập đoàn BigC của Pháp muốn chuyển nhượng mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam, một số nguồn tin rộ lên rằng một đại gia Thái sẽ thâu tóm BigC Việt Nam và cái tên được nhắc đến chính là Central Group.

central

Tos Chirathivat - người thừa kế đời thứ 3 của gia tộc Chirathivat

Cần phải lưu ý rằng, chính Tos Chirathivat - người thừa kế cơ nghiệp của gia tộc Chirathivat là nhân vật quan trọng đứng đằng sau việc mở BigC Bangkok và sau đó làm bùng nổ làn sóng đại siêu thị ở quốc gia này.

Đáng tiếc tới năm 1997, sau khủng hoảng tài chính, tập đoàn Casino của Pháp đã mua lại một lượng lớn cổ phần của BigC BangKok. Đây là cơ sở quan trọng cho phán đoán rất có thể Central Group có "hứng thú" với BigC Việt Nam.

Dù đến nay đại diện phía BigC và Central Group đều không lên tiếng xác nhận nhưng khả năng cao thương vụ này sẽ hoàn thành trong quý I năm 2016.

Vân Đàm

Theo Trí Thức Trẻ

Pin It
Daniel Boorstin

"Trở ngại lớn nhất của sự tiến bộ không phải là sự ngu dốt, mà là ảo ảnh của sự hiểu biết."

User Menu