“Hàng nghìn doanh nghiệp đang phóng đại lợi ích của sản phẩm hay thuê người nói tốt cho sản phẩm, doanh nghiệp. Không thể điều khiến khách hàng bằng cách đó”. “Quan trọng trong việc làm thương hiệu là để khách hàng nói, không phải để doanh nghiệp nói. Nhưng hiện rất nhiều doanh nghiệp đang thuê người viết bình luận trên các kênh Internet”, PGS.TS Trương Đình Chiến – Trưởng khoa Marketing ĐH Kinh tế Quốc dân – cho biết.
“Việt Nam còn làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc chất lượng không đồng đều... thì mãi không thể có thương hiệu”.
Ông Chiến lấy ví dụ: Ngành du lịch Việt Nam xây dựng với slogan trước kia là The Hidden Charm (Vẻ đẹp tiềm ẩn), vậy khách quốc tế nói gì về Việt Nam?
“Việt Nam cho rằng đây là nơi giá sinh hoạt, chi tiêu du lịch thấp nhất thế giới, nhưng lại đang thể hiện sự kém cỏi nhất”, ông Chiến nói.
Khách quốc tế đến Việt Nam, nếu đến thăm Vịnh Hạ Long thì chỉ lên tàu nghỉ 1 – 2 đêm rồi về. Ngành du lịch phải làm sao để khi khách quốc tế nói về mình thì không chỉ nói về cảnh đẹp, giá rẻ, mà phải là dịch vụ khách sạn, lữ hành, hệ thống hạ tầng giao thông... tốt.
Trong ngành nông nghiệp, sản phẩm chất lượng còn thấp, không đồng đều.
Theo ông Chiến, một thương hiệu mạnh = Sản phẩm hiệu quả x Khác biệt x Giá trị tăng thêm
“Tuy nhiên, 70% bà con nông dân không nhận ra được sự khác biệt của sản phẩm”, ông Chiến nói.
Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài khi nấu mẻ bia chất lượng cao hơn chất lượng cam kết thì cả mẻ bia đó đổ đi hết. Vì sao? Vì chất lượng không đồng nhất. Nếu vẫn đóng chai và bán cho người tiêu dùng, người dùng sẽ đánh giá ngay chất lượng mẻ này có vấn đề và không mua nữa.
“Vì vậy, để làm thương hiệu cho gạo hay rau quả, phải có doanh nghiệp đứng ra với đầu óc tư duy quản trị kiểm soát từ giống, cây trồng và đưa sản phẩm ra nước ngoài, lúc đó mới có thương hiệu Việt bán ra thị trường quốc tế”, ông Chiến khuyên nhủ.
Hàng nghìn doanh nghiệp Việt đang lừa dối khách hàng
Trong câu chuyện làm thương hiệu, cái doanh nghiệp muốn và cái khách hàng cảm nhận hoàn toàn khác nhau.
“Hàng nghìn doanh nghiệp đang phóng đại lợi ích của sản phẩm hay thuê người nói tốt cho sản phẩm/doanh nghiệp. Không thể điều khiến khách hàng bằng cách đó”, ông Chiến khẳng định.
“Không bao giờ được lừa dối khách hàng. Chúng ta có thể lừa dối một người một lần, nhưng không thể lừa dối nhiều người nhiều lần”.
Theo một khảo sát gần đây, 30% người mua hàng sẽ vào Internet để tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm trước khi ra quyết định mua/đầu tư. Đây là lý do rất nhiều doanh nghiệp thuê người viết comment để nói tốt về mình.
“Cách này có làm thương hiệu được không? Có, nhưng không lâu dài. Chúng ta có thể lừa được một số ít người, nhưng lâu dài sẽ bị lộ. Chúng ta có thể thuê vài nghìn người, viết vài trăm nghìn comment, nhưng khi dùng sản phẩm thấy không đúng như lời comment, khách hàng sẽ không mua nữa”, ông Chiến nói.
“Việt Nam còn làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì mãi không thể có thương hiệu được. Nếu chất lượng kém, không đồng đều thì đừng bao giờ nghĩ đến làm thương hiệu. Khi gạo còn “5 cha 3 mẹ” thì đừng bao giờ nghĩ đến việc có thương hiệu. Còn nếu đã có sản phẩm tốt mà chưa thâm nhập được vào thị trường, cần xem lại cách làm truyền thông và quản trị của doanh nghiệp”.
PR – Hãy nói SỰ THẬT
“Hãy nói sự thât, bởi vì sớm hay muộn, công chúng cũng biết mà thôi”, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest Corporation dẫn lời “cha đẻ của ngành PR” Ivy Lee cho biết.
Theo ông Vinh, PR thời đại ngày nay là dùng sự thật để xây dựng uy tín cho thương hiệu.
Tuy nhiên, ngay trong cách xử lý khủng hoảng truyền thông, doanh nghiệp Việt hiện nay cũng thường sử dụng biện pháp tiêu cực nhất: Che đậy thông tin, bằng biện pháp hành chính hoặc tài chính, nhằm xóa hoặc thay đổi thông tin bất lợi cho doanh nghiệp.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ