Cùng xem điều gì đã giúp sản phẩm của H&M được tiêu thụ mạnh và trở thành nhà bán lẻ lớn thứ 2 thế giới như hiện nay. Giống như ZARA, H&M hiện đang là một trong những hãng thời trang "hàng hiệu giá bình dân" được ưa chuộng trên thế giới. Nhưng điều gì đã giúp thương hiệu này trụ vững trước sự cạnh tranh của nhiều đối thủ cùng phân khúc như ZARA, Gap, Forever21?

Phải chăng đó là do quy trình sản xuất nghiêm ngặt để tạo ra những sản phẩm hợp thời trang, vừa túi tiền nhưng chất lượng của H&M.

h&m

Thương hiệu thời trang H&M khởi nguồn vào năm 1947. Khi đó, Erling Persson - nhà sáng lập H&M đã mở một cửa hàng quần áo dành cho phụ nữ, mang tên Hennes (tiếng Thụy Điển có nghĩa là “dành cho cô ấy”).

Đến năm 1968, Hennes mua lại chuỗi cửa hàng thời trang nam Mauritz Widforss, hợp nhất hai cái tên và cho ra đời thương hiệu Hennes & Mauritz – H&M.

h&m

Nhân viên sử dụng máy khâu để thiết kế tại văn phòng ý tưởng H&M

Cũng giống như các hãng thời trang cao cấp hay bình dân khác, điều đầu tiên giúp H&M gặt hái nhiều thành công như hôm nay là đội ngũ thiết kế hùng hậu luôn bắt kịp xu hướng.

Theo đó, H&M sở hữu một đội ngũ thiết kế đông đảo gồm hơn 100 người làm việc không ngừng nghỉ tại trụ sở chính thuộc thủ đô Stockholm của Thụy Điển.

h&m

Những show diễn thời trang truyền cảm hứng cho rất nhiều thiết kế của H&M

Cũng giống với ZARA, đội thiết kế của H&M có nhiệm vụ quan sát và phân tích những xu hướng thời trang mới trên thị trường, từ đó thay đổi và “thổi hồn” những sản phẩm thời trang tương ứng.

Những nhà phân tích thị trường tại H&M cho biết: “Cảm hứng có thể đến từ nhiều nguồn như các show thời trang của các nhà tạo mẫu nổi tiếng, truyền thông, hay thậm chí từ các đối thủ cạnh tranh... Tất cả đều đóng vai trò quan trọng để tạo nên một bộ sưu tập mới”.

h&m

Bên cạnh đó, có tới 400 nhà thiết kế khác góp phần tạo nên những phong cách thời trang đa dạng trong bộ sưu tập định kỳ của H&M như thời trang công sở, thời trang tiệc tùng hay thời trang đời thường.

h&m

Các sản phẩm H&M luôn có số lượng giới hạn.

Sau khâu thiết kế, đội ngũ sản xuất ngồi họp bàn và xác định số lượng sản phẩm trên mỗi thiết kế. Theo một chuyên gia thiết kế cho H&M: "Hạn mức sản phẩm được giới hạn theo khu vực và cả loại cửa hàng. Những sản phẩm cao cấp như các phiên bản giới hạn sẽ chỉ xuất hiện trong một số cửa hàng thuộc thị trường chính mà thôi”.

Những sản phẩm chất lượng sẽ được giới hạn số lượng trên từng mẫu thiết kế nhằm giảm thiểu rủi ro. Về điểm này H&M và ZARA là tương đồng.

Chiến thuật này giúp cho từng sản phẩm của hãng luôn ở trong tình trạng có thể “cháy hàng” bất kỳ lúc nào, đồng thời giới hạn được các chi phí phải gánh chịu khi hạ giá.

Về sản xuất, khác với ZARA hay một số thương hiệu khác, H&M không có nhà máy riêng, mà làm việc với hơn 900 nhà cung cấp độc lập tại châu Á và châu Âu. Những nhà cung cấp này sẽ thay H&M sản xuất sản phẩm dựa trên thiết kế và yêu cầu của công ty.

h&m

Đây được cho là một điểm khác biệt so với ZARA - thương hiệu hướng đến thỏa mãn nhanh chóng xu hướng người tiêu dùng - với tần suất hàng mới rơi vào 2 tuần/lần. H&M thay vào đó hướng đến các xu hướng thời trang trung hạn.

Theo các chuyên gia tại H&M: “Thời gian sản xuất một sản phẩm H&M tại châu Á (hơn 70% nguồn cung ứng) là 3 tháng, có lúc lên đến 6 tháng đối với một số sản phẩm; ở châu Âu là 2-3 tuần, dù mức thông thường là 6 tuần”.

h&m

Hình ảnh bên trong một trung tâm phân phối của H&M tại châu Âu.

Sau công đoạn sản xuất, các sản phẩm sẽ được chuyển đến một trong những trung tâm phân phối của H&M trên thế giới, trước khi xuất hiện tại cửa hàng.

h&m

Với mẫu mã đa dạng, doanh thu bán hàng của H&M trong một năm khoảng 20 tỉ USD (khoảng 420 nghìn tỷ VND).

Ngày nay, với hơn 3.000 cửa hàng trên toàn thế giới và mẫu mã đa dạng, hợp thời trang - H&M đã khẳng định vị thế của mình và trở thành công ty bán lẻ thời trang lớn thứ 2 chỉ sau ZARA.

Nguồn:H&M, Wikipedia, BusinessInsider
Theo J / Trí Thức Trẻ

Pin It
Vinnie Jones

"Thắng không phải lúc nào cũng thực sự quan trọng miễn sao là bạn thắng."

User Menu