Do hoạt động trong quá nhiều lĩnh vực, công ty gần 400 năm tuổi tại Nhật Bản là Mitsui đang băn khoăn trong việc trả lời câu hỏi: TÔI LÀ AI? Đây là tập đoàn kiếm được nhiều tiền hơn cả Coca Cola, hoạt động tại nhiều quốc gia bằng chuỗi Starbucks, bảng lương trả cho nhân viên hậu hĩnh "ngang ngửa" Google và có tuổi đời lâu hơn cả Philadelphia.
Tuy nhiên, rất nhiều người ở bên ngoài Nhật Bản chưa từng nghe và biết đến tên công ty này.
TÔI LÀ AI?
Đó là Mitsui & Co – nhà buôn lớn nhất Nhật Bản, có tuổi đời gần 400 năm do doanh nhân Hachirobei Mitsui khởi xướng. Ở thời điểm đó, ông chính là người đã biến cửa hàng nước sốt nhỏ của cha mình thành một công ty bán mọi thứ con người cần.
Trải qua nhiều thế kỷ, tập đoàn Mitsui đã dần phát triển và họ sản xuất ra mọi thứ từ những bộ kimono bằng lụa đến những tòa nhà cao tầng, trở thành nhà tiêu thụ cho những thương hiệu lớn như Toshiba và Sapporo Beer. Vài năm trước, họ cũng quyết định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô.
Hiện tại, rất khó để xác định được hình hài cụ thể của Mitsui. Thương hiệu của họ hầu như không được biết đến bên ngoài Nhật Bản và các nhà phân tích rất khó khăn trong việc nhận định loại hình hoạt động của công ty này. Thậm chí, chính bản thân Mitsui cũng đang băn khoăn trong việc trả lời câu hỏi: “TÔI LÀ AI?”
Dưới con mắt của một số nhà đầu tư, Mitsui là công ty giao dịch dầu mỏ và quặng sắt lớn nhất Nhật Bản với cổ phần trải dài từ các hãng gas tại Nga đến các mỏ than đá tại Mozambique. Vì vậy, họ đang gặp rắc rối khi cổ phiếu của những công ty dầu mỏ và kim loại sụt giảm. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra cơn đau đầu cho chủ tịch Mitsui là Masami Iijima.
Chủ tịch đương nhiệm của Mitsui là Masami Iijima.
“Chúng tôi không phải là công ty khai khoáng”, ông nói trong một bài phỏng vấn tại trụ sở chính ở Tokyo. Thậm chí, trong một số bài phỏng vấn khác, chính nhà lãnh đạo kỳ cựu với kinh nghiệm dẫn dắt công ty trong suốt 40 năm này cũng khó khăn trong việc trả lời câu hỏi: “Công ty của ông thực sự làm gì?”
Lời đáp của một Sogo Shosha
“Cần phải đưa ra một câu trả lời rõ ràng nhưng Mitsui đang điều hành nhiều doanh nghiệp khác nhau vì thế rất khó để giải thích cho người khác hiểu những nội tình bên trong”.
Đây chính là lý do vì sao Mitsui thuộc một trong những “Sogo Shosha” (tập đoàn thương mại tổng hợp) nổi tiếng tại Nhật Bản bao gồm Marubeni, Itochu, Sumitomo và Mitsubishi. Các công ty này hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, họ vừa là những thợ mỏ, nhân viên kinh doanh, nhân viên tư vấn, nhà môi giới, người vận chuyển, nhân viên ngân hàng...
Chính vì vậy, thay vì để thế giới tìm ra những gì bên trong “hộp đen” mô hình kinh doanh của Mitsui, đến giữa năm 2014, Iijima đã quyết định tiến hành phương thức xây dựng thương hiệu công ty đầu tiên.
Cụ thể, tập đoàn đã thành lập một nhóm gồm những lãnh đạo cấp trung khéo léo trong giao tiếp và ứng xử dưới sự quản lý của Kenichi Hori – giám đốc mảng chiến lược của tập đoàn. Họ đã dành 3 tháng để cố gắng nhận diện những gì Mitsui đang làm và sau đó trình bày một báo cáo dài 2 trang lên ban lãnh đạo.
Đến tháng 12, Mitsui đã công bố kết quả báo cáo với nhân viên trên website nội bộ và chủ trì cuộc hội thảo tại trụ sở chính với sự tham dự của rất nhiều nhân viên. Mitsui không công khai tài liệu nhưng Hori nói rằng điểm mấu chốt của báo cáo là miêu tả công ty như một nơi mà những con người thông minh phát hiện ra những xu hướng mới và tạo ra những lợi ích lớn thông qua các trải nghiệm nhỏ.
Bản thân Hori thừa nhận rằng “không có bất kỳ công ty nào như Mitsui với những mối quan tâm nhiều, khác biệt và đa dạng như vậy”. Chỉ có một hằng số duy nhất bất biến đó là sự “THAY ĐỔI”
Sự thay đổi có thể ảnh hưởng tới các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư nhưng nó đã giúp tập đoàn sống sót. Từ một cửa hàng địa phương được thành lập bởi vị quý tộc vào thế kỷ 17, đến nay Mitsui đã sống sót qua 2 cuộc chiến tranh thế giới, khủng hoảng tài chính và thậm chí sự tàn phá của quân Mỹ vào năm 1947.
Trong suốt giai đoạn phồn vinh của Nhật Bản, Mitsui đã làm mọi thứ rất tốt: Tìm ra những thứ mà con người cần và bán chúng, trong trường hợp này là dầu mỏ, năng lượng, kim loại và nguyên vật liệu. Ngay cả khi kinh tế Nhật Bản sụt giảm vào những năm 1990, mảng kinh doanh nguồn tài nguyên của Mitsui vẫn tiếp tục phát đạt.
Đến cuối những năm 2011, giá hàng hóa bắt đầu giảm và nhiều “sogo shosha” như Mitsui chuyển sang tập trung vào bán lẻ, thức ăn và dịch vụ. Vấn đề với Mitsui là qua 4 thập kỷ gắn liền với mảng kinh doanh nguyên vật liệu, họ có quá ít những khoản đầu tư chính vào những mảng khác.
Jiro Ikibe đến từ tập đoàn Saiwa Securites nói rằng Mitsui nên chấp nhận sự thật đó và tập trung vào việc phát triển như một công ty nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, ông Iijima thì khẳng định rằng đó không phải là Mitsui. “Nét đặc trưng của chúng tôi là làm trong rất nhiều mảng kinh doanh”, ông nói.
Dám chấp nhận rủi ro
Iijima nói: “Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều công ty đi theo mô hình sogo shosha” và ông chỉ ra GE là một ví dụ. “Họ bắt đầu bằng bóng đèn điện của Edison sau đó đến tàu hỏa, cơ sở hạ tầng, IT và tài chính”. Immelt nói rằng Mitsui là một đối tác lớn của GE. “Iijima-san rất cởi mở và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ông ấy có nhiều ý tưởng mới và tôi luôn thích thú khi gặp gỡ ông ấy”, chủ tịch GE chia sẻ về ông Iijima.
Tuy nhiên, sự thật là dù sao GE cũng đã xây dựng được phần nào thương hiệu toàn cầu của họ. Trong khi đó, “không có một điểm mũi nhọn nào để đánh giá giá trị thương hiệu của Mitsui. Tập đoàn này hoạt động trong quá nhiều lĩnh vực”, Yuki Wada đến từ công ty Interbrand nói.
Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu đang rất cần thiết và quan trọng với Mitsui nhất là trong việc thu hút nhân viên ở các chi nhánh nước ngoài. Vì vậy, Iijima đã liên lạc với Kashiwa Sato – người có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực này cho nhiều công ty nổi tiếng gồm cả Honda, Uniqilo...
Sau khi phân tích, Sato đã gợi ý đưa ra một slogan mới cho công ty là “360 degree business innovation” (Tạm dịch: Cải tiến kinh doanh 360 độ) để truyền tải thông điệp cho thấy Mitsui mong muốn mang mọi người ở những nơi khác nhau, với những kiến thức đa dạng khác nhau để kiến tạo những phương thức kinh doanh mới. Sologan này sau đó đã được giới thiệu vào tháng 10 năm ngoái, và được đưa lên website chính thức của công ty. Tuy nhiên, chuyên gia Wada của Interbrand lại tỏ ra không hài lòng: “Tôi khá thất vọng. Nó không có nhiều thay đổi”.
Iijima thì tranh luận rằng đây chỉ là bước đầu và quá trình xây dựng thương hiệu cần nhiều năm nữa. Trong khi đó, công ty cũng đang nỗ lực tìm ra những phương thức kinh doanh mới, mở rộng hợp tác ra nước ngoài để xây dưng doanh nghiệp thương mại điện tử. “Hiện tại Mitsui có khá ít các khoản đầu tư vì vậy chúng tôi cần tăng cường thêm”.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg