Chới với trong vũng lầy lợi nhuận, các chủ cửa hàng bất mãn cáo buộc sếp McDonald's vẫn đang "bồng bềnh trên mây", chưa hiểu biết thực tế khốc liệt trên thị trường hiện nay. Hiện giờ, các chủ cửa hàng này chịu sức ép phải tăng lương cho nhân viên, trong bối cảnh doanh số thì giảm sút.

mcdonalds

Khi Steve Easterbrook lên ngồi ghế Giám đốc điều hành McDonald's vào tháng Ba, ông biết sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các mô hình tương tự. Có thể kể đến Burger King, Shake Shack hay cả Chipotle Mexican Grill – "đứa con" từng bị McDonald's ghẻ lạnh vứt bỏ.

Nhưng có vẻ chuỗi cửa tiệm mà ông phải giải quyết trước tiên lại chính là "người nhà": Các cửa hàng nhượng quyền của McDonald's.

Bồng bềnh trên mây

Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh đang xung đột với khoảng 3.000 người chủ của hầu hết trong số hơn 14.000 cửa tiệm tại Mỹ.

Theo một khảo sát gần đây, sự mâu thuẫn giữa chủ cửa hàng và lãnh đạo McDonald's đang lên đến đỉnh điểm trong 12 năm nhượng quyền kinh doanh.

Chới với trong vũng lầy lợi nhuận, các chủ cửa hàng bất mãn cáo buộc trụ sở công ty vẫn đang "bồng bềnh trên mây", chưa hiểu biết thực tế khốc liệt trên thị trường hiện nay.

mcdonalds

Doanh số sụt giảm của McDonald's.

Ngoài ra, họ cũng phàn nàn McDonald's ngó lơ các quan ngại họ giãi bày, từ thực đơn "ôm đồm" nhiều món tới các trang thiết bị bổ sung đắt tiền, hay lương nhân viên.

"Mối quan hệ giữa McDonald's Corporation và các nhà điều hành xuống cấp tồi tệ chưa từng thấy trong lịch sử. Chúng tôi cảm thấy bị phản bội. Vật lộn với lợi nhuận o ép trong năm ngoái, chúng tôi nghĩ đối tác thấu hiểu, nhưng không hề", một chủ cửa hàng cho biết.

Quá tải

Thực đơn của McDonald's mở rộng theo từng năm, khiến đội ngũ nhà bếp bị quá tải, làm giảm thời gian phục vụ.

Yếu tố này ảnh hưởng tới mức hiệu quả công nghiệp – niềm tự hào của McDonald's trong những năm đầu. Sự chờ đợi cũng khiến những thực khách thiếu kiên nhẫn quay lưng với cửa hàng.

Gần đây, lãnh đạo công ty đã quyết định bỏ 7 loại bánh mỳ kẹp khỏi thực đơn, nhưng thực đơn hiện tại vẫn nhiều hơn 40 món so với năm 2007.

"Nếu lãnh đạo công ty cũng vào bếp, nấu nướng và phục vụ để nếm trải thực tế, chúng tôi đã không lâm vào tình trạng này ngày hôm nay. Họ liên tục thêm món mới vào thực đơn, mà không biết rằng nó chỉ làm xấu thêm tình hình", một chủ cửa hàng McDonald's cho biết.

Thêm dầu vào lửa

Gần đây, chuyện tăng lương cho nhân viên McDonald's càng đổ thêm dầu vào lửa. Công ty không hề thông báo trước cho các chủ cửa hàng mà đột ngột đưa ra thông báo vào tháng Tư.

mcdonalds

Bảng thực đơn "khổng lồ" của McDonald's.

Theo đó, McDonald's quyết định sẽ trả thêm cho nhân viên thêm ít nhất 1USD/giờ so với mức lương tối thiểu theo quy định, áp dụng tại 1.500 nhà hàng ở Mỹ bắt đầu từ 1/7 tới.

Hiện giờ, các chủ cửa hàng này chịu sức ép phải tăng lương cho nhân viên, trong bối cảnh doanh số thì giảm sút, còn McDonald's làm thâm hụt thu chi của họ bằng các chiến dịch quảng cáo và nâng cấp nhà hàng tốn kém.

Các cửa hàng nhượng quyền phải trả rất nhiều tiền cho công ty để trang trải chi phí quảng cáo, thuê địa điểm... Công ty có thể tính phí dịch vụ ngang bằng 4% tổng doanh số, còn tiền thuê cửa hàng có thể tiêu tốn tới 12%.

"McDonald's đâm sau lưng chúng tôi. Họ đã gây chiến", một chủ cửa hàng bức xúc trả lời khảo sát.

Thấp cổ bé họng

Mặc dù bị giới nhà hàng la ó, giá trị nhượng quyền của McDonald's vẫn cao hơn nhiều so với Burger King và Wendy's tính theo số tiền. Doanh số trung bình của McDonald's tại mỗi cửa tiệm ở Mỹ vẫn cao hơn 66% so với Wendy's và nhiều gấp đôi Burger King's.

Ngay từ ban đầu, McDonald's đã chi phối cửa hàng nhượng quyền mạnh hơi so với đối thủ. Burger King và Wendy's bán quyền kinh doanh cho cả một thị trường, còn McDonald's chỉ bán quyền cho từng cửa hàng riêng lẻ.

Trung bình, mỗi người chủ sở hữu 4 đến 5 cửa hàng. Điều này khiến McDonald's duy trì chất lượng dịch vụ tương đương tại mọi cửa hàng nhượng quyền. Nhưng ngược lại, nó đẩy người chủ vào thế "thấp cổ bé họng" so với công ty đầu não.

mcdonalds

Gần đây McDonald's đưa vào thí điểm món bánh kẹp cho phép khách tự lựa chọn mùi vị.

Với quy mô khổng lồ, mọi quyết định của McDonald's, dù nhỏ nhất, cũng gây nên một sự xáo trộn. Ví dụ khi công ty bổ sung món táo thái lát vào thực đơn, McDonald's lập tức trở thành cửa hàng thu mua táo lớn nhất nước Mỹ.

Gần đây McDonald's đưa vào thí điểm món bánh kẹp cho phép khách tự lựa chọn mùi vị. Nếu được áp dụng rộng rãi, mỗi cửa hàng sẽ phải chi tới 100.000USD tiền mua thiết bị nâng cấp.

Không phải nhân viên

Bất mãn tích tụ khi ông Easterbrook tìm cách vực dậy McDonald's từ 6 quý liên tiếp doanh số sụt giảm.

Tuy nhiên trước khi vị CEO tìm ra hướng đi mới cho công ty, việc ông cần làm đầu tiên là cải thiện mối quan hệ với các chủ cửa hàng. Suy cho cùng, họ mới là người tiếp xúc với khách hàng, các chuyên gia nhận xét.

"Họ không phải là cấp dưới của ông ấy, không nhận lệnh từ ông ấy. Muốn xong việc, ông cần sự hợp tác từ các chủ cửa hàng", Richard Adams, chuyên gia tư vấn giới chủ cửa hàng nhượng quyền của McDonald's, chỉ ra.

Trong kế hoạch tái thiết, Easterbrook nhắm tới tăng tỷ lệ cửa hàng nhượng quyền trên khắp thế giới lên 90% tổng cửa hàng McDonald's từ 81% hiện tại.

Điều này sẽ làm Phố Wall hài lòng vì nó giảm chi phí đầu tư của công ty. Nhưng chưa thể nói trước tăng trưởng doanh số có được cải thiện không.

LỀ PHƯƠNG

Theo BIZLIVE

Pin It
Nguyên tắc tấn công số 4:

"Quá trình theo đuổi cũng không kém phần quan trọng chính cuộc tấn công"

User Menu