Việc liên doanh với Saigon Ve Wong xây nhà máy 30 triệu USD là bước đi tiếp theo của Kinh Đô để sớm hiện thực hóa mục tiêu nằm trong top 3 ngành thực phẩm thiết yếu.

Công ty cổ phần Kinh Đô vừa ký hợp tác liên doanh với Công ty TNHH Saigon Ve Wong, nhằm đầu tư xây nhà máy sản xuất mì ăn liền, gia vị, cháo, nui, phở, nước chấm... tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Theo đó, Kinh Đô sở hữu 49% và Saigon Ve Wong chiếm 51% cổ phần. Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kinh Đô chia sẻ hoạt động kinh doanh hiện tại và định hướng sắp tới của doanh nghiệp.

- Kinh Đô từng tuyên bố kinh doanh mì gói sẽ hòa vốn sau 6 tháng tung sản phẩm ra thị trường. Tình hình tiêu thụ hiện thế nào, thưa ông?

Mì Đại Gia Đình ra mắt gần cuối năm ngoái. Sau hơn một tháng có mặt, lượng tiêu thụ vượt kỳ vọng. Dây chuyền sản xuất của Saigon Ve Wong (400.000 thùng một tháng) không kham nổi nên hai bên quyết định hợp tác xây nhà máy công suất lớn.

Nhà máy đang xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh sẽ phục vụ cho thị trường miền Bắc. Ngoài ra, từ tháng 8, Saigon Vewong đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất mới cho nhà máy ở TP HCM với công suất 500.000 thùng một tháng để cung ứng cho miền Nam. Kinh Đô và Saigon Ve Wong dự kiến xây thêm song song các nhà máy tại miền Trung, miền Nam, miền Tây ngay khi tìm được địa điểm thích hợp.

Các số liệu chi tiết về mảng kinh doanh mì ăn liền, bức tranh tổng thể quý I sẽ sớm công bố trong vài ngày tới, nhưng nhìn chung đều đi theo đúng lộ trình đã dự tính trước.

chiến lược kinh đô

Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô.

Sắp tới, công ty sản xuất cả những sản phẩm cao cấp, thay vì nhắm vào phân khúc bình dân như hiện tại. Vì sao Kinh Đô điều chỉnh nhóm khách hàng mục tiêu?

Việc tung ra sản phẩm cao cấp và mới (cháo, phở, nui, gia vị, nước chấm...) đều theo đúng kế hoạch đề ra.

Kinh Đô tham gia thị trường thực phẩm thiết yếu với mặt hàng đầu tiên là mì Đại Gia Đình phân khúc phổ thông. Sau thành công bước đầu, đây là giai đoạn cần phát triển và mở rộng danh mục.

Những mặt hàng thuộc phân khúc cao cấp của Kinh Đô sẽ cạnh tranh trực tiếp với đối thủ lớn. Lý do, khi nhà máy 30 triệu USD với công suất ban đầu 6 triệu thùng sản phẩm một năm đi vào hoạt động giúp hạ giá thành. Sản phẩm của Kinh Đô (phân khúc bình dân đến cao cấp) khi đó có giá hấp dẫn so với sản phẩm cùng phân khúc.

Việc phát triển thêm hàng cao cấp cũng phù hợp với xu hướng tiêu dùng và bối cảnh thị trường hiện tại. Công ty có nguồn tài chính dồi dào, độ nhạy về khẩu vị người Việt, hệ thống phân phối lớn, thương hiệu được nhiều người biết đến. Trong khi đó, Saigon Ve Wong có ưu thế về công nghệ, thâm niên trong ngành mì ăn liền. Những lợi thế này sẽ được phát huy triệt để khi liên doanh ra đời. Nhờ vậy, danh mục sản phẩm của công ty sẽ đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng, có thể phục vụ người tiêu dùng suốt ngày (bữa ăn sáng, trưa, chiều, tối, ăn vặt). Do đó, doanh nghiệp sẽ tiến nhanh hơn vào top 3 ngành hàng, chiếm 10% thị phần, đạt doanh số 1.900-2.500 tỷ đồng trong vài năm nữa.

Sản phẩm của liên doanh có thể cạnh tranh trực tiếp với chính mặt hàng mà hai bên hiện có. Ông giải thích sao về điều này?

Chúng tôi không cạnh tranh trực tiếp hay lấy thị phần của nhau mà kỳ vọng chiếm thị phần của những đối thủ mạnh. Liên doanh ra đời để gia tăng lượng cung ứng, bởi hiện tại công suất của Saigon Vewong không đáp ứng đủ.

Sắp tới, Vewong Đài Bắc sẽ đưa sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm ăn liền tiện dụng thâm nhập thị trường Việt qua kênh phân phối của Kinh Đô. Nếu tiêu thụ tốt, đạt quy mô doanh số, sản lượng, chúng tôi sẽ xem xét sản xuất tại Việt Nam, sau khi đã điều chỉnh phù hợp thị hiếu và khẩu vị người Việt.

chiến lược kinh đô

Kinh Đô bắt tay với Saigon Ve Wong lập liên doanh để tiến sâu hơn vào ngành thực phẩm thiết yếu.

Lĩnh vực mì ăn liền vốn cạnh tranh khốc liệt. Theo ông, đâu là cơ hội cho những công ty đến sau?

Một khi xác định theo đuổi lĩnh vực thực phẩm thiết yếu, theo tôi, nên chọn ngành hàng có tiềm năng và dư địa thị trường lớn. Áp lực cạnh tranh cao nhưng hiệu quả mang lại sẽ xứng đáng nếu thành công.

Bản thân tôi xác định mình phải cạnh tranh trực diện, ngang ngửa với các ông lớn trong ngành bằng chính những lợi thế mình có. Đó là quy mô sản xuất, giá thành, chất lượng sản phẩm, kinh nghiệm xây dựng và quảng bá thương hiệu, hệ thống phân phối...

Tỷ lệ trả cổ tức năm 2015 của công ty cao nhất từ trước đến nay (200%). Vì sao doanh nghiệp không dành tiền cho các hoạt động đầu tư chủ lực mà trích hơn 4.000 tỷ đồng để chia cổ tức?

Tỷ lệ chia cổ tức 2015 lên đến 200% đã được Hội đồng quản trị đã tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến dòng tiền hiện tại và tương lai. Đây cũng là cách ghi nhận sự ủng hộ của những cổ đông luôn đồng hành với doanh nghiệp trong suốt thời gian qua.

Ông sẽ thuyết phục nhà đầu tư tin tưởng vào chiến lược kinh doanh ngành thực phẩm thiết yếu như thế nào tại đại hội cổ đông sắp tới?

Công ty sẽ chú trọng mở rộng ngành hàng thiết yếu, phục vụ mọi nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng và chăm sóc bếp ăn gia đình Việt vốn còn nhiều tiềm năng phát triển. Đó là lý do Kinh Đô phát triển sản phẩm của nhà máy thuộc liên doanh theo 4 giai đoạn: giai đoạn một sản xuất mì ăn liền, gia vị; giai đoạn 2: cháo, nui, phở; giai đoạn 3: thực phẩm ăn liền tiện dụng; giai đoạn 4: nước chấm.

Đối với ngành thực phẩm thiết yếu, công ty đã có quá trình dài chuẩn bị nguồn lực, nền tảng, nhiều lần cân nhắc kỹ lưỡng và nhận được sự đồng thuận của cổ đông.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh hoạt động mua bán - sáp nhập với mục tiêu tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác vào những công ty phù hợp với chiến lược đã đề ra.

Thu Ngân

Theo Vnexpress

Freeman Dyson

"Đừng bao giờ hy sinh lợi thế kinh tế về thời gian để đổi lấy lợi thế kinh tế về qui mô."

User Menu