Tiếp nối thương vụ Kinh Đô bán 80% mảng kinh doanh bánh kẹo cho Mondelèz International (Mỹ) trị giá gần 8.000 tỉ đồng, mới đây Nguyễn Kim – thương hiệu điện máy tên tuổi hàng đầu của Việt Nam cũng đã được bán cho Power Buy (công ty con, chuyên về bán lẻ của Tập đoàn Central Group - Thái Lan) khi Power Buy nắm 49% cổ phần, giá 200 triệu USD. Câu chuyện về tương lai của thương hiệu Việt tiếp tục nóng thêm hơn.

450

Mua bán, sáp nhập và biến mất

Tại Việt Nam, câu chuyện thâu tóm chỉ xuất hiện vào giai đoạn 2010-2011 như là một nét mới của thị trường và nhanh chóng trở thành sự kiện trong 2011-2012. Từ đó, hàng loạt những cái tên thương hiệu Việt đang được người tiêu dùng, thị trường yêu chuộng trước đây như Dạ Lan (kem đánh răng), Mỹ Hảo và X-Men (hóa mỹ phẩm), rồi đến Tribeco (nước uống), Bibica (bánh kẹo), Phở 24 và Highlands Coffee... lần lượt vào tay Unilever, Uni-President (Đài Loan), Lotte (Hàn Quốc) và Jollibee (Philippines).

Dưới sự điều hành, quản lý của những ông chủ mới giàu có về mọi mặt, các thương hiệu Việt bị thâu tóm vì lý do chủ quan hay khách quan, cũng nhanh chóng thay đổi về cách thức kinh doanh theo chiến lược mới, bị đổi họ thay tên và đau lòng nhất là tên tuổi sẽ biến mất dạng hoàn toàn trên thị trường.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoại sau những vụ thâu tóm, từ người đứng ngoài cuộc trở thành người dẫn dắt thị trường cũng như các hoạt động kinh tế của Việt Nam. Hiện nay, thị trường Việt Nam tràn ngập những doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm những “con mồi” để thâu tóm, còn doanh nghiệp Việt thì đang loay hoay tìm kiếm con đường lợi nhất cho chính mình.

Câu chuyện chưa đến hồi kết

Tiếp nối những câu chuyện đau lòng về việc thương hiệu Việt bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang còn âm ỉ trong lòng người tiêu dùng Việt, mới đây rộ lên thông tin Vinacafe là cái tên tiếp theo được đưa vào tầm ngắm thâu tóm của một tên tuổi Trung Quốc.

Lật lại thông tin chính thức của thị trường chứng khoán, tháng 12.2013 Vinacafe đã bán 62 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 23,36% vốn điêu lệ công ty cho quỹ Gaoling - một quỹ của nhà đầu tư kín tiếng Trung Quốc. Ngày 25/12/2013, Gaoling trở thành cổ đông lớn của Vinacafe.

Không những thế, ngoài Gaoling, YHG Investment cũng mua 300.000 cổ phiếu Vinacafe, nâng tổng lượng cổ phiếu khối ngoại gom được lên 6,5 triệu đơn vị, bằng 24,46% vốn điều lệ. Như vậy, cùng với 53,2 % cổ phần đã được Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) thâu tóm trước đó, Vinacafe Biên hòa chỉ còn trong tay 12,8% mà thôi. Và theo thông tin hiện nay, Masan đang dần rút khỏi Vinacafe, bán lại cổ phần cho các đối tác khác và 30% cổ phần của Vinacafe đang bị nắm giữ bởi các đối tác nước ngoài mà ai cũng có thể đoán được là ai.

Từ câu chuyện Vinacafe có thể nhìn thấy việc mua bán, sáp nhập các thương hiệu Việt chưa đến hồi kết. Bởi bên cạnh những thương hiệu ọp ẹp buộc phải bán tháo đã đành, hầu hết các thương hiệu Việt “theo Tây” đều là những tên tuổi lớn. Hơn nữa, vụ thâu tóm Vinacafe ngay từ ban đầu không thông qua con đường “kinh điển” bị thua lỗ triền miên bởi chiêu của đối tác đến nỗi không đủ lực phải bán lại cổ phần, mà được thực hiện công khai thâu thông qua thị trường chứng khoán.

Đặc biệt, điều đáng nói ở đây, Vinacafe là một thương hiệu của quốc gia, một biểu tượng trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam. Một câu hỏi được đặt ra liệu những thương hiệu như Vinacafe phải chăng không đủ mạnh như những gì họ thể hiện, không đủ niềm tin để tham gia cuộc cạnh tranh trong sân chơi hội nhập đầy sóng gió hay lợi nhuận đã làm lu mờ tinh thần và ý chí của họ?

Thêm một điều đáng nói nữa, trong khi hàng hóa Trung Quốc ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc đang ráo riết săn lùng bất động sản Việt Nam, người lao động Trung Quốc nhan nhản trên khắp lãnh thổ Việt Nam và làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam đang âm thầm diễn ra, Vinacafe “mở mắt đưa chân” bán đi cổ phần cho quỹ Gaoling.

Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng từ phía lãnh đạo Vinacafe về quyết định “được” thâu tóm của mình. Chiêu bài “im lặng rồi mọi chuyện sẽ qua” được áp dụng triệt để như đợt giải quyết khủng hoảng Vinacafe bị người tiêu dùng bóc mẻ quảng cáo láo, lừa dối người tiêu dùng về chỉ dẫn địa lý cũng như khái niệm cà phê thật trong các mẫu quảng cáo hồi tháng 3.2013.

Và dù lãnh đạo Vinacafe có câu trả lời như thế nào đi nữa, với đường lối kinh doanh của các thương hiệu như Vinacafe, con đường tương lai của những thương hiệu Việt không biết sẽ đi về đâu?

PV

Theo Báo Pháp luật & Xã hội

Pin It
Charles C. Noble

"Để khỏi bị nhụt chí bởi những thất bại trước mắt, bạn cần phải có một mục tiêu lâu dài."

User Menu