Những thương hiệu start-up lại càng cần phải đẹp. Bởi vì nếu không đẹp, họ sẽ không được ai để ý, không ai biết, không ai mua, không ai dùng. Sau tuần lễ đầu tiên ra mắt iPhone 6 đã bán được 10 triệu chiếc. Kỷ lục cao nhất so với tất cả phiên bản iPhone trước đó. Như thường lệ, đây lại là một con số làm choáng váng các đối thủ như Samsung hay BlackBerry.

thương hiệu start up

Điều khá nghịch lý là iPhone 6 vượt trội những phiên bản trước là... thiết kế xấu hơn. Nhiều tín đồ về thiết kế của iPhone đã ngạc nhiên về sự xấu bất thường này.

Nhưng iPhone 6 là của Apple. Apple vốn gắn với cái đẹp. Đẹp nhất trong số những người đẹp. Khách hàng vẫn chen chúc mua bằng được chiếc iPhone 6 đã có cảnh báo là “xấu hơn thường lệ” vì họ đã quá kết bởi hình ảnh về cái đẹp do Apple tạo ra.

Khi con tim đã rung thì sự logic cũng loạng choạng theo. Khách hàng chẳng còn đủ sáng suốt để nhận ra cái camera lồi ra kia nó cũng xấu tương tự như... Samsung.

Hãy biết làm cho khách hàng “cảm nắng” ngay từ cái nhìn đầu tiên và làm tê liệt lý trí của họ. Theo quy luật của tâm lý học, khi cảm xúc là người đến trước, lý trí không có cơ hội tồn tại. Khách hàng đã cảm rồi họ sẽ không kịp dùng đến logic để săm soi bới lông tìm vết nữa.

Không có thương hiệu nào không có điểm yếu. Và các điểm yếu này dễ dàng bị bỏ qua bởi tình yêu thường thường khá mù quáng.

Ông bà ta đã có câu nói tôn vinh vẻ đẹp bên trong thế này: Cái nết đánh chết cái đẹp. “Cái nết” là vẻ đẹp bên trong. “Cái đẹp” là vẻ đẹp bề ngoài. Đồng ý rằng cái đẹp bên trong là cái đẹp bền vững nhất.

Chúng ta làm bạn với ai đó vì qua trải nghiệm giao tiếp ta thấy họ là người trung thực và đáng tin cậy. Chúng ta yêu thích và trung thành với một thương hiệu nào đó vì qua trải nghiệm sử dụng ta thấy nó thực sự tốt và mang lại cảm giác thoải mái.

Cơ duyên nào khiến ta có trải nghiệm tương tác với một người lạ để sau đó họ trở thành bạn thân? Lý do nào ta chọn một sản phẩm và dịch vụ lạ hoắc để sau đó nó trở nên không thể thiếu? Có lẽ để “cái nết” phải nhờ cậy “cái đẹp” thôi chứ biết làm sao.

“Cái đẹp” của một thương hiệu nào đó có nhiều hình thức thể hiện: một cái tên đẹp, một thông điệp quyến rũ hay một câu chuyện kể hấp dẫn. Gần đây có một thương hiệu start-up Việt Nam đã xuất hiện với vẻ bề ngoài có thể nói là rất “đẹp” - cà phê PhinDeli.

Bản thân PhinDeli là một cái tên đẹp. Phát âm dễ, tròn âm, dứt khoát. Nó gợi lên cảm giác hiện đại và gợi ý tốt về ngành nghề của thương hiệu. Màu sắc logo nhận diện cũng “hoà âm” rất tốt với tên thương hiệu.

Hai màu đỏ và trắng đơn giản khá nổi trên nền màu xanh đen. “Cái đẹp” của PhinDeli sau đó được tô điểm thêm bằng một nốt son nổi bật: một câu chuyện thương hiệu rất quyến rũ.

“Ai sinh ra cũng đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho ta những quyền bất khả xâm phạm. Đó là quyền được sống, quyền được hưởng thụ và quyền được... thưởng thức cà phê.

Hôm nay, chúng tôi chính thức giới thiệu “Tuyên ngôn cà phê Việt” ngay trên thị trấn Mỹ Buford - do chính người Việt sở hữu. Và hôm nay, chúng tôi cũng chính thức đổi tên thị trấn Buford với 147 năm lịch sử thành Thị trấn PhinDeli”.

Câu chuyện thương hiệu của PhinDeli được bắt đầu bằng “Tuyên ngôn cà phê Việt trên đất Mỹ” mang màu sắc rất Mỹ như vậy. Tham vọng ngang ngửa Trung Nguyên. Nhưng cách thể hiện có nét gì đó hỏm hỉnh hơn, sáng tạo hơn và tất nhiên “đẹp” hơn.

Nhất là ý tưởng bắt chước cách đặt vấn đề trong tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ “ai sinh ra cũng có quyền bình đẳng”. PhinDeli đã biết phát huy một câu chuyện thương hiệu rất hay: doanh nhân Việt Phạm Đình Nguyên chiến thắng ngẹt thở trong cuộc đấu giá giành quyền sở hữu thị trấn Buford cách đó chưa lâu.

Nay ông đổi tên thành thị trấn PhinDeli với tham vọng đưa cà phê Việt vào đất Mỹ. Reuters đã có bình luận: “Tái sinh thị trấn một công dân ở Wyoming thành trung tâm cà phê Việt”.

Những thương hiệu start-up lại càng cần phải đẹp. Bởi vì, nếu không đẹp, họ sẽ không được ai để ý, không ai biết, không ai mua, không ai dùng. Và dĩ nhiên họ khó có có hội chứng minh được cái “nết” họ hay đến mức nào.

Ở Việt Nam đã mấy người được uống cà phê tại quán của PhinDeli đâu. Họ đâu có biết cái “nết” của thương hiệu này hay ho chỗ nào đâu. Nhưng nhiều người đã “cảm nắng” với cái đẹp của PhinDeli rồi.

Thông điệp “không gì là không thể” của PhinDeli rất phù hợp với tuyên ngôn cà phê Việt trên đất Mỹ. Nó là chất xúc tác rất tốt cho câu chuyện thương hiệu của một doanh nhân Việt đầu tiên trở thành thị trưởng một thị trấn trên đất Mỹ.

Nghe ưng cái tai rồi. Và con mắt nhìn cũng vừa lắm với hình ảnh anh Trần Đình Nguyên xuất hiện liên tục trong trang phục mũ phớt khá bụi bặm và mạnh mẽ.

Đúng là trước khi động não để kịp tìm hiểu xem PhinDeli là cái gì, nhiều người Việt đã bị chinh phục bởi vẻ hào hoa phong nhã bên ngoài của PhinDeli. Cái đẹp đã hoàn thành sứ mệnh. Việc còn lại của PhinDeli là hãy chứng minh rằng “cái nết” của họ cũng rất tuyệt vời.

Họ có rất nhiều cơ hội. Vì khái niệm ngon đối với một ly cà phê khá trừu tượng. Đa số không sinh ra với cái lưỡi nhạy cảm để biết cái ngon đích thực. Và phần lớn sẽ gật gù khen PhinDeli ngon nhờ trước đó họ đã trót phải lòng “vẻ đẹp bề ngoài” của họ mất rồi. “Cái nết” sẽ được tạo ra nhờ “cái đẹp”.

Ngạn ngữ Nga có câu “Đón tiếp dựa vào áo quần. Tiễn đưa dựa vào trí tuệ”. Cái đẹp bề ngoài có sứ mệnh cao cả đưa cái đẹp bên trong đến với thế giới bên ngoài.

Quan điểm “cái nết đánh chết cái đẹp” thể hiện đúng thực trạng xã hội cũng như môi trường văn hoá kinh doanh xã hội Việt Nam trước đây. Con người ngại ngùng thể hiện cái tôi bề ngoài.

Doanh nghiệp chỉ chăm chăm vào sản phẩm và bỏ đói khâu làm thương hiệu. Cái nết không đánh chết cái đẹp. Cái đẹp có tội tình chi mà đánh chết nó?

Ngược lại, cái nết cần cảm ơn cái đẹp. Nếu không có cái đẹp, cái nết nhiều khi rất tuyệt nhưng có thể chẳng ai biết, nhiều khi để quên mốc meo chẳng mang lại lợi ích cho ai cả.

Đối với việc xây dựng thương hiệu ngày nay, cái nết không hề thoái và cái đẹp cũng chẳng có ý định lên ngôi một mình. Cả hai đều cần cho nhau. Cái đẹp giúp khách hàng biết mà đến với thương hiệu. Còn cái nết giúp khách hàng ở lại với thương hiệu.

Một cuộc hôn nhân đẹp. Nếu ly hôn xảy ra, cả hai đều thiệt. Và người thiệt nhất chính là khách hàng.
Nguyễn Đức Sơn

Theo DNSG

Pin It
Norman MacEwan

"Có người không bao giờ thất bại, vì anh ta không bao giờ chịu thử làm điều gì."

User Menu