Hãng thời trang Lee được sáng lập bởi Henri David Lee vào năm 1989 ở Salina, Kansas, Mỹ.

Người đàn ông này vốn là một thương nhân thành công trong lĩnh vực dầu lửa, trước khi chuyển tới sinh sống tại Kansas và thành lập ra công ty H.D Lee Mercantite với mục đích lấn sân sang mảng phân phối thực phẩm và đồ dùng giữa hai thành phố Kansas và Denver.

lee

Hoạt động làm ăn của ông trong lĩnh vực mới tiếp tục phát triển mạnh, nhưng giữa lúc đó thì vị thương gia nhận thấy đội ngũ nhân viên đông đảo của ông gặp phải không ít khó khăn với các trang phục lao động có chất lượng nghèo nàn, không đáp ứng được yêu cầu công việc, không những vậy nguồn cung từ các công ty phía Tây luôn chậm trễ nhỏ giọt. Thế là Henry Lee đi đến quyết định mở một nhà máy sản xuất trang phục lao động với mặt hàng đầu tiên là những chiếc quần vải thô và áo jacket.

Thương hiệu Lee ra đời từ đó, và chính cha đẻ của nhãn hiệu này có lẽ cũng không ngờ mình vừa mở ra một cuộc hành trình nhiều đam mê và sáng tạo cho một trong những thương hiệu quần Jeans nổi tiếng nhất thế giới, cho đến bây giờ vẫn không ngừng mê hoặc các tín đồ thời trang trên toàn thế giới.

Sản phẩm đầu tiên mang lại sự chú ý cho hãng H.D Lee chính là mẫu đồ bảo hộ lao động thường được gọi với cái tên Overall, có hình dáng như một chiếc quần yếm, được trình làng vào năm 1911. Mẫu Overall của Lee khá rộng, mang lại cảm giác thoải mái tuyệt đối cho người lao động, đồng thời khá tiện dụng với một chiếc túi đa dụng được may ở phần yếm trước ngực áo.

 

lee1
Một mẫu quảng cáo bắt mắt của thương hiệu Lee Jeans


Năm 1913, Henry Lee tiếp tục cải tiến mẫu áo Overall của mình với ý tưởng may chập chiếc jacket và chiếc quần lao động vào nhau để tạo thành một loại bảo hộ lao động có thể che chắn cho toàn bộ cơ thể của người công nhân. Ông gọi sản phẩm này là Lee Union All. Bộ trang phục tiện lợi này gây được tiếng vang trên toàn quốc, với các đơn đặt hàng ồ ạt đổ về từ nông dân, thợ máy, công nhân... khắp mọi miền.

Các năm sau đó, thương hiệu H.D.Lee lần lượt cho ra đời những sản phẩm được thiết kế riêng cho những ngành nghề nhất định, và nhanh chóng chứng tỏ chúng là những mẫu trang phục chuẩn mực. Tiêu biểu như chiếc Loco Jacket trình làng năm 1921 với những chiếc túi áo siêu rộng dành riêng cho thợ làm đường tàu, mẫu Lee Cowboy Pants ra đời năm 1924 nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của giới cao bồi và nài ngựa...

Năm 1926, David Lee giới thiệu chiếc quần Jeans khóa kéo huyền thoại mang tên 101Z, được cắt may sao cho thoải mái với người mặc cả khi di chuyển lẫn khi đứng ngồi. Năm 1929, chiếc áo jacket khóa kéo mang tên 91-B tiếp tục phát đi tuyên ngôn thời trang mới của hãng. Lúc này, Lee chính thức đặt chân vào lĩnh vực thời trang Jean ứng dụng và tiếp tục tạo dựng uy tín trong lĩnh vực này cho tới ngày nay.

Tiếp sau đó, rất nhiều dòng sản phẩm và các cải tiến trên chất liệu Jeans đã ra đời với một tôn chỉ nhất quán là hướng tới sự tiện dụng, bền bỉ và tính ứng dụng cao của sản phẩm, đồng thời luôn kịp thời nắm bắt những xu hướng mới của thời trang thế giới.

Tới năm 1970 thì hãng H.D.Lee hoàn tất quá trình chuyển đổi từ một công ty sản xuất trang phục bảo hộ lao động sang một hãng thời trang với chất liệu chủ đạo là Jean.

Những yếu tố làm nên thành công của Lee

Tôn thờ chất lượng

Thế mạnh của thương hiệu Lee trước hết đến từ sự trung thành với tôn chỉ về chất lượng sản phẩm. Xuất phát từ một nhà sản xuất trang phục bảo hộ lao động, Lee đã trải qua nhiều lần chuyển mình để trờ thành một thương hiệu thời trang cao cấp, nhưng hãng này chưa bao giờ đi chệch khỏi quan điểm tạo ra những sản phẩm chuẩn mực về chất lượng và tính tiện dụng.

Nhạy bén cập nhật xu hướng

Tiếp đến, đội ngũ thiết kế của hãng thời trang này có khả năng nắm bắt những biến động trong xu hướng rất nhạy bén, Lee không đóng đinh sản phẩm của mình trong những mẫu trang phục nhàm chán, khô khan mà thường xuyên cập nhật những chi tiết giàu tính thời trang qua các năm, trong khi vẫn đảm bảo được chất lượng và độ tiện dụng cho sản phẩm.

Không như Lee, rất nhiều hãng thời trang lâu đời khác đã tung hoành một thời gian dài, nhưng rồi lại phải ngậm ngùi chết yểu do chỉ nhắm vào một phân khúc khách hàng ngày càng thu hẹp và không chịu cải tiến sản phẩm đề phù hợp với thị hiếu mới.

Cần nói thêm rằng chất liệu Jeans vốn rất đa dụng nhưng lại tương đối khó biến tấu, do đã có quá nhiều hãng sản xuất sử dụng chất liệu này làm chủ đạo, nhưng Lee vẫn duy trì được sự mới mẻ và nét cá tính riêng đậm chất thị thành cho thương hiệu của mình.

Marketing phá cách

Năm 1922, công ty Lee Mercantile lần đầu giới thiệu ra công chúng một chú búp bê nhỏ với tên gọi "Buddy Lee", được mặc một bộ đồ bảo hộ lao động loại Overall. Với nụ cười tươi tắn và đôi tay đưa về phía trước như một cử chỉ thân thiện, mẫu búp bê Buddy Lee thu hút được sự yêu thích của rất nhiều người, giúp doanh số bán ra của các sản phẩm mang thương hiệu này tăng lên chóng mặt.

lee2

Một dẫn chứng về marketing phá cách của Lee


Việc sử dụng búp bê Buddy Lee để tăng cường sự kết nối giữa Công ty và khách hàng của H.D Lee Mercantile có thể coi là một trong những trường hợp tiên phong áp dụng phương pháp marketing bằng "Biểu tượng Doanh nghiệp" (Company Character) rất hiệu quả ở Mỹ ngày nay.

Tiếp đó, trên những sản phẩm Jean của Lee luôn có những chi tiết rất riêng làm nên biểu tượng cho hãng, tiêu biểu như miếng da dập chìm Logo Lee được treo ở hông quần mang tên Hair on Hide, đường chỉ may ở túi sau quần jean mang tên "Lazy S"...

Các mẫu quảng cáo của Lee Jeans cũng thường xuyên khiến người ta ngỡ ngàng về sự phá cách và sáng tạo. Tất cả những chi tiết tỉ mỉ này giúp đóng đinh cái tên Lee trong tâm trí người tiêu dùng, toát lên nét cá tính riêng khó trộn lẫn với vô số hãng thời trang Jeans khác.
HẢI HÀ/TTVN

Pin It
Mr. Tut-Tut

"Kẻ khôn thì thường hay lo, tớ trung thì thường hay chăm chỉ"

User Menu