Ông Ralf Matthaes, giám đốc điều hành TNS Việt Nam cho biết, nhận thức về thương hiệu Việt đang thay đổi. 71% sẵn lòng trả nhiều hơn để mua được sản phẩm chất lượng cao, 56% thích nhãn hiệu thể hiện sự thành công của bản thân và 50% cho rằng các nhãn hiệu Việt tốt như nhãn hiệu quốc tế sẽ được ưa chuộng.

Bên cạnh các tác động xấu khiến thị trường xuất khẩu suy giảm, khủng hoảng cũng đem đến cho doanh nghiệp Việt Nam một số lợi thế nhất định, theo kết quả các cuộc điều tra thị trường công bố trong tháng 10.

So sánh các chỉ số cơ bản của nền kinh tế nửa năm 2008 và nửa năm 2009, báo cáo về xu hướng tiêu dùng trong năm 2009 của công ty nghiên cứu thị trường (TNS) công bố ngày 28.10 cho thấy, các chỉ tiêu tăng trưởng nhìn chung nửa đầu năm 2009 giảm khoảng 25%, trong khi các chỉ số kinh tế suy giảm 50% trong tăng trưởng (xem bảng 1).

Tìm cơ hội trong khó khăn

Mức sống cá nhân của người Việt được dự báo trong vòng 12 tháng tới đã giảm từ 70% dự đoán một mức sống tốt hơn vào tháng 9 năm ngoái còn 36% vào tháng 1 năm nay. Nếu như năm 2008 Việt Nam tăng trưởng các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) là 19% nhanh nhất ở châu Á, thì trong quý 2/2009 chỉ tăng trưởng 8%.



Khảo sát của TNS cũng cho biết 52% người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu trong năm 2009. Giảm nhiều nhất trong các lĩnh vực giải trí, ăn ngoài (44%), mua hàng điện tử gia dụng, thiết bị cá nhân (29%).

Trong khi đó người dùng giảm rất ít cho thực phẩm , các sản phẩm chăm sóc gia đình, đi lại và các sản phẩm chăm sóc cá nhân… Đây là những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế. Đặc biệt dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và giáo dục vẫn giữ ổn định.

Nỗi lo sợ về thực phẩm kém an toàn đặc biệt là sự cố sữa nhiễm melamine nhập từ Trung Quốc có thể kéo dài nhiều năm, khiến người tiêu dùng trong nước thận trọng hơn về chất lượng và xuất xứ sản phẩm, tạo ra cơ hội lớn cho hàng Việt Nam, nhất là ở nông thôn nơi tiêu thụ chủ yếu của hàng nhập khẩu giá rẻ, chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Hàng Việt Nam chất lượng cao được tin cậy

Điều tra tiêu dùng thường xuyên do báo Sài Gòn Tiếp Thị thực hiện cho thấy, trong ba tháng qua tỷ trọng tiêu dùng hàng nội tại các hộ gia đình tại TP.HCM luôn trên mức 80%. Kết quả này cũng trùng khớp với nhận định trong báo cáo “Thái độ của người tiêu dùng về hàng Việt Nam” vừa công bố trong tháng 10.2009 do công ty FTA thực hiện tại bốn thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM.

Theo đó, người tiêu dùng chọn hàng nội vì giá cả vừa phải và chất lượng chấp nhận được. Hai nguyên nhân khiến người dùng chọn hàng nội là giá vừa phải và chất lượng chấp nhận được, với kết quả tương ứng là 82% và 68%.

Khi được hỏi về mức độ tin tưởng với sản phẩm có nhãn Hàng Việt Nam chất lượng cao, 71% cho biết họ rất tin tưởng nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Đáng lưu ý là người dân Hà Nội và TP.HCM có niềm tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao lớn hơn hai thành phố còn lại, với tỷ lệ tương ứng là 88% và 73%. Lý do hàng Việt Nam chất lượng cao được ưa chuộng là vì chất lượng chấp nhận được và giá cả phải chăng.

Người dùng kỳ vọng cũng đòi hỏi nhiều hơn ở hàng Việt Nam chất lượng cao: chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý, thiết kế sản phẩm đẹp hơn. Hàng Việt Nam cũng còn nhiều thách thức khi thương hiệu ngoại vẫn được chọn mua vì những lý do chất lượng cao (88%), thiết kế cao cấp (66%), độ tin cậy của thương hiệu (53%) và “đáng đồng tiền” (59%).



Ông Ralf Matthaes, giám đốc điều hành TNS Việt Nam cho biết, nhận thức về thương hiệu Việt đang thay đổi. 71% sẵn lòng trả nhiều hơn để mua được sản phẩm chất lượng cao, 56% thích nhãn hiệu thể hiện sự thành công của bản thân và 50% cho rằng các nhãn hiệu Việt tốt như nhãn hiệu quốc tế sẽ được ưa chuộng.

Nếu như năm 2007, chỉ có hai trong số các nhãn hiệu phát triển nhanh nhất là của Việt Nam, năm 2008 tăng lên bốn và năm 2009 tăng lên tám. Ông Ralf nhận định: “Người tiêu dùng Việt nam hiện nay rất hiểu biết về thương hiệu và ngày càng tự tin sử dụng các nhãn hiệu Việt nhiều hơn. Điều này có nghĩa là các nhãn hiệu Việt Nam với ưu thế về giá và chính sách ưu tiên dùng hàng nội địa của Chính phủ đang phát huy hiệu quả”.

Tuy nhiên, ông cũng đưa ra câu hỏi rất đáng suy nghĩ: “Các nhãn hiệu Việt có đủ chất lượng và tinh hoa để phát triển khi kinh tế hồi phục?”

Theo SGTT

P. F. Drucker

"Marketing ... bao phủ toàn bộ họat động kinh doanh. Là tất cả họat động kinh doanh nhìn từ kết quả cuối cùng, tức là từ quan điểm của người tiêu dùng."

User Menu