Để xây dựng thương hiệu bền vững, cần phải có ý tưởng và câu chuyện tốt.

Việc xây dựng thương hiệu cho dù ở thời đại kỹ thuật số hay thời đại nào đi nữa, chính là xây dựng mối quan hệ với con người. Trong thời đại công nghệ ngày nay, mối quan hệ này ngày càng phải trở nên cá nhân hóa hơn. Để xây dựng thương hiệu bền vững, cần phải có ý tưởng và câu chuyện tốt.

Tại Hội nghị Forbes 2018 với chủ đề "Câu chuyện thương hiệu - Xây dựng thương hiệu trong thời đại kỹ thuật số", ông Alan Couldrey - Chủ tịch Ogilvy Vietnam đã chia sẻ góc nhìn liên quan đến việc các thương hiệu cần chuẩn bị sẵn sàng để có thể liên tục kết nối và phản ứng thích hợp trong thế giới kỹ thuật số, cũng như cách sắp xếp tiềm lực thương hiệu để tối đa hóa việc đầu tư của thương hiệu và tìm ra giải pháp tiếp cận khách hàng ở mọi thời điểm.

Alan Couldrey dẫn câu chuyện ông bị mắc kẹt trên một hòn đảo ở Hy Lạp để nói về việc xây dựng thương hiệu: 15 năm trước, Alan Couldrey đến thăm một hòn đảo ở Hy Lạp và đi tham quan bằng xe máy. Ông cùng người bạn đồng hành uống hơi nhiều bia và ngất ngây trước vẻ đẹp của hòn đảo hoang vắng này.

T1

Ông Alan Couldrey - Chủ tịch Ogilvy Vietnam trình bày tại Hội nghị Forbes 2018 với chủ đề "Câu chuyện thương hiệu - Xây dựng thương hiệu trong thời đại kỹ thuật số".

Trên đường về, xe máy hết xăng, trời đã tối và lạnh. Ông cùng bạn cứ đi mãi cho tới khi nhìn thấy logo hình mặt trời của hãng nhiên liệu BP, Alan biết mình đã được cứu. Từ đó, mối quan hệ của ông với Hãng BP trở nên tốt đẹp và ông đã không chọn thương hiệu nào khác ngoài BP.

Alan Couldrey cho rằng việc xây dựng thương hiệu cho dù ở thời đại kỹ thuật số hay thời đại nào đi nữa, chính là xây dựng mối quan hệ với con người. Thương hiệu là con người. Là một mối quan hệ, thương hiệu cũng có lúc làm cho bạn thất vọng, và cũng có lúc làm cho bạn yêu thích. Trong thời đại công nghệ ngày nay, mối quan hệ này ngày càng phải trở nên cá nhân hóa hơn. Để xây dựng thương hiệu bền vững, cần phải có ý tưởng và câu chuyện tốt.

Couldrey lấy ví dụ về hãng sản xuất thức uống Milo làm thương hiệu hướng đến việc vận động rèn luyện thể thao, trong khi các bà mẹ Việt Nam không tin chơi thể thao sẽ giúp ích cho việc học hành. Hơn một nửa các bà mẹ trả lời khảo sát cho biết không quan tâm tới thể thao, 20% cho rằng thể thao tốt và khoảng 30% nói rằng họ không chắc thể thao có tốt hay không. Đây là đối tượng Milo có thể hướng tới. Bài toán của Milo là làm sao để thay đổi tư duy đó của khách hàng.

Làm thương hiệu không chỉ cần hình ảnh tốt mà còn là kết quả kinh doanh đến từ việc tạo ra sự khác biệt cho từng nhóm khách hàng.

Trong quảng cáo của Milo, các bà mẹ cho con mình chơi thể thao và làm nổi bật điều quan trọng là con cái của họ cảm thấy thoải mái nhất khi được chơi thể thao. Các bà mẹ giờ đã quan tâm tới thể thao hơn. Việc Việt Nam thành công tại giải bóng đá U23 châu Á cũng là một cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu, ông Couldrey nhận định.

Ngoài ra, trong thời đại kỹ thuật số này, để duy trì mối quan hệ với khách hàng, các thương hiệu cũng đang sử dụng nguồn lực dữ liệu khổng lồ từ internet và các nền tảng truyền thông xã hội để nắm bắt vô số cơ hội có được nhờ sự thấu hiểu khách hàng.

Ông Nguyễn Hải Triều - CEO của YouNet Media cho rằng, làm thương hiệu không chỉ cần hình ảnh tốt mà còn là kết quả kinh doanh đến từ việc tạo ra sự khác biệt cho từng nhóm khách hàng, tức là cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng và nghĩ từng phương pháp cho khách hàng. Ứng dụng big data (dữ liệu lớn) giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động marketing, gửi thông điệp tới từng nhóm người, đưa ra lời gợi ý cho khách hàng dựa trên hành vi của họ, ông Triều nhấn mạnh.

* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

Pin It
Henry Chester

"Nhiệt tình là tài sản vĩ đại nhất trên thế giới. Nó đánh đổ cả tiền, quyền lực và tầm ảnh hưởng."

User Menu