Amazon đã đề ra chiến lược hai bước khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Trước đó, Alibaba của tỷ phú Jack Ma coi Việt Nam là thị trường quan trọng. Thương mại điện tử trong nước đang “nóng” hơn bao giờ hết.
Hai bước chiến lược của Amazon
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã có buổi làm việc với đại diện của tập đoàn Amazon vào tuần trước. Theo đó, Việt Nam đang là thị trường nhận được sự quan tâm của Amazon. Đại diện Amazon cũng chia sẻ 2 bước chiến lược khi hoạt động tại Việt Nam.
“Chiến lược của Amazon gồm có 2 bước: Bước thứ nhất, họ muốn xuất khẩu hàng hóa qua biên giới; Bước thứ hai, họ muốn nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Người tiêu dùng muốn mua hàng trên Amazon, nhưng thực ra Amazon cũng quan tâm chiều ngược lại. Họ muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất khẩu trên Amazon” – ông Nguyễn Thanh Hưng nói.
Ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, việc Amazon thâm nhập thị trường Việt Nam nên được nhìn ở hai góc độ. Bên cạnh nhập khẩu hàng hóa, việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nên được coi là “điều tuyệt vời” và cần khai thác.
Tỷ phú Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba chia sẻ tại Hà Nội, ngày 06/11/2017.
Trước đó, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma đã coi Việt Nam là thị trường quan trọng. Chỉ sau nửa năm, số đại lý tại Việt Nam của Alibaba đã đạt mức hàng chục nghìn doanh nghiệp, từ chỗ chỉ có 1 đơn vị duy nhất. Không dừng lại ở đó, Alibaba đã tiến hành mua lại Lazada để tham dự sâu hơn vào thương mại điện tử Việt Nam và trực tiếp mang sản phẩm đến người tiêu dùng (mô hình B2C).
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Lazada, đang khiến thị trường thương mại điện tử “nóng” hơn bao giờ hết. Lazada (cùng với Alibaba) có cơ hội rất lớn để trở thành sàn thương mại điện tử số 1 ở Việt Nam với sức mạnh về nhiều mặt: nguồn hàng, tài chính, kinh nghiệm,...
Doanh nghiệp trong nước chưa lo ngại?
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc trung tâm người bán – Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ cho biết, công ty không xem ai là đối thủ vì thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn rất rộng lớn. Hiện tại, doanh số thương mại điện tử bán lẻ giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2016 mới chỉ đạt 5 tỷ USD, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa. Các doanh nghiệp thương mại điện tử phải cố gắng phát triển mạnh mẽ mới có thể đưa con số trên đạt cao hơn nữa.
Hiện tại, doanh số thương mại điện tử bán lẻ giữa các công ty và người tiêu dùng (B2C) của Việt Nam năm 2016 mới chỉ đạt 5 tỷ USD, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa.
“Mỗi doanh nghiệp đều phải phấn đấu để tỷ lệ đó tăng lên 5% hay 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa. Tôi nghĩ dùng từ “đối thủ” cũng không đúng. Các doanh nghiệp đang làm sao để tối ưu hóa, để mọi người mua hàng nhiều hơn, các doanh nghiệp bán hàng trên online nhiều hơn. Đúng là đến một ngưỡng nào đấy sẽ có sự cạnh tranh. Ở nước ngoài đâu đó khoảng 10-20%. Nhưng Việt Nam cũng còn xa mới đạt được ngưỡng đấy” – bà Nguyễn Thị Hạnh nói.
Trả lời báo chí, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki cũng không tỏ ra lo lắng về những đối thủ tầm cỡ thế giới trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Theo ông, chính sự xuất hiện của những đối thủ khổng lồ đã khiến các quỹ đầu tư lớn vào Việt Nam đầu tư và rót vốn cho doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước. Tiki cũng đang phát triển rất tốt trong thời điểm Alibaba mua lại Lazada.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn và thách thức rất lớn khi cạnh tranh trên thị trường. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ phải tích cực, sáng tạo và nhìn ra thế giới đang thay đổi. “Thế giới mới, người tiêu dùng cũng mới. Họ yêu cầu cao và ngành bán lẻ không thể giậm chân tại chỗ mà không có những chuẩn bị cho mình” – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định.
Nguồn: Trí Thức Trẻ
* Nguồn: Trí thức trẻ