Việc quảng bá cá kho trên Internet trong các dịp lễ hội, Tết cổ truyền đã giúp lượng sản phẩm bán ra của “Cá kho Trần Luận” đạt 350 niêu vào năm 2009, một mức tăng đáng kể so với 100 niêu bán trực tiếp những năm trước đó.

Tiến thêm một bước, năm 2010, cùng với việc mở trang web www.cakhotranluan.com, nhãn hiệu “Cá kho Trần Luận” cũng chính thức được bảo hộ. Nhưng theo Trần Bá Nghiệp - con trai của ông Trần Bá Luận - chủ Cơ sở chế biến cá kho Trần Luận thì những yếu tố này “cần song chưa đủ” làm tăng doanh thu của doanh nghiệp, vốn chỉ kinh doanh một sản phẩm duy nhất là cá kho, sản xuất theo phương thức truyền thống tại xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam.

dnngho

“Mọi chuyện đã thay đổi khi chúng tôi ứng dụng Adwords” - Bá Nghiệp chia sẻ tại hội thảo “Help Small Business think Big” (tạm dịch: Giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ - Tư duy lớn) tổ chức tại Singapore hồi cuối năm 2014. Anh cho biết, năm 2010 của Cá kho Trần Luận bán được 1.100 niêu cá, gấp hơn ba lần so với năm 2009. Và theo đà này, số niêu cá liên tục tăng, năm 2011 bán được 3.600 niêu, 2014 là 8.700 niêu, và năm 2015 đạt 9.500 niêu.

Đã có cơ sở để tin rằng mức độ nhận biết và nhận thức về lợi thế của công nghệ thông tin trong kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đang có chuyển biến tích cực.

Thêm một bằng chứng nữa về hiệu quả của tiếp thị trực tuyến: Việc chạy quảng cáo trên công cụ tìm kiếm Search và Google Display Network đã mang lại kết quả vượt mong đợi cho ông Phạm Đình Hà - Tổng giám đốc Vietnam Unique Tours, người bắt đầu với việc làm nhà điều hành tour thuê ngoài cho một công ty quốc tế.

Công cụ quảng cáo giúp Unique Tours tiếp cận được với du khách quốc tế muốn du lịch tới khu vực Đông Dương ngay tại thời điểm họ đang nghĩ đến việc sẽ đi đâu, làm gì cho kỳ nghỉ. Đến giờ, “80-90% lợi nhuận của công ty có được là từ quảng cáo AdWords”, ông Hà tiết lộ.

>> 3 chiến thuật tiếp thị kỹ thuật số

Thành công của ông Hà phần lớn là nhờ việc tiếp cận khách hàng trên nền tảng điện thoại di động. Unique Tours đã khai thác xu hướng di động toàn cầu bằng cách phát triển một trang web có định dạng dùng riêng cho điện thoại di động (ĐTDĐ), và sử dụng các tùy chọn tập trung đến mục tiêu di động trong các quảng cáo của mình trên Google. Sự đầu tư này đã được đền đáp. Unique Tours nhận được 40% yêu cầu thông tin qua các trang web trên ĐTD và một phần tư đơn hàng đến từ ĐTD, theo ông Hà.

Chiến lược tiếp thị đúng đắn giúp hoạt động kinh doanh của ông Hà đang đơm hoa kết trái. Từ một văn phòng nhỏ tại Hà Nội, ông Hà đang có những kế hoạch lớn cho việc mở rộng các văn phòng mới tại Thái Lan và Myanmar.

Các khách hàng ngày nay đều kỳ vọng vào sự hiện diện của các DNNVV trong môi trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, các DN như Vietnam Unique Tours hay Cá kho Trần Luận mới chỉ chiếm 10%, còn tới 90% DN của VN chưa thể cung cấp các trải nghiệm thương mại di động tốt, thậm chí còn chưa triển khai thương mại điện tử. Điều này khiến các DN gần như “vô hình” với hơn một nửa dân số Việt Nam, cũng như phần còn lại của thế giới đang kết nối trực tuyến.

Ông Kevin O'Kane - Giám đốc điều hành khối DNVVN của Google Châu Á - Thái Bình Dương đã đến Việt Nam hồi cuối tháng 5, để thực hiện cam kết dài hạn của Google trong việc hỗ trợ DN Việt Nam phát triển kinh doanh số. Ông cho rằng Việt Nam có tỷ lệ kết nối di động cao, tới 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh cho nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có quản lý danh sách mua hàng. Song ông Kevin O'Kane khẳng định, vấn đề “quan trọng nhất là các DN phải lập tức thực hiện việc số hóa kinh doanh, đẩy mạnh sự hiện diện trực tuyến của mình, bắt đầu ngay với nền tảng công nghệ dành cho di động”.

Internet đã giúp chuyển biến cách thức người tiêu dùng tương tác với DN. Hiện, 43% người tiêu dùng Việt chia sẻ rằng họ lần đầu biết đến sản phẩm họ mua là thông qua quảng cáo trực tuyến, theo thống kê của Google Customer Barometer. Chìa khóa thành công cho thương mại điện tử nằm ở nền tảng kết nối di động.

“Để kinh doanh số thành công, DN phải xây dựng được cổng kết nối và hiểu về khách hàng, chỉ như vậy một lượng rất lớn người tiêu dùng mới có thể tiếp cận, kết nối và tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ cũng như doanh nghiệp”, ông Kevin O'Kane nhấn mạnh.

>> 9 bí quyết kinh doanh ẩm thực thời kỹ thuật số

Hơn một nửa (54%) người Việt đã kết nối trực tuyến, với khoảng 52 triệu người dùng internet, và Việt Nam là quốc gia có dân số kết nối trực tuyến đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Duơng, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì các DN tại Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu của quá trình tiếp cận và sử dụng công nghệ số.

Điều tra của VCCI cho thấy công nghệ số có vai trò và tác động to lớn đối với hoạt động của các DN Việt Nam. Riêng năm 2015, có tới 95% DN Việt Nam đã sử dụng Internet, tuy nhiên con số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng CNTT lên tới gần 60%.

Ông Kevin O'Kane nhận định, “Việc số hóa kinh doanh của các DNVVN chậm bởi 5 thách thức: Thiếu nhận thức về lợi ích của kết nối trực tuyến, tốn nhiều chi phí và thiếu cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, thiếu chuyên môn kỹ thuật nội bộ, xã hội có thói quen dùng tiền mặt và lo lắng về vấn đề bảo mật”.

Còn theo TS. Đậu Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI thì: “Những chính sách, định hướng lớn của Nhà nước hiện tại chưa thực sự ủng hộ xu hướng kinh doanh công nghệ số của DNNVV, mà thuế là ví dụ”. Ông Tuấn cho rằng, DN công nghệ thông tin đang chịu mức thuế tương tự DN trong các lĩnh vực khác, và điều này là chưa khuyến khích. Chính sách thuế hiện nay chưa có tác dụng thúc đẩy những nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số làm việc tại VN, hoặc trở về VN làm việc.

Để phát triển kinh doanh số, nước ta phải giải quyết nhiều vấn đề về hạ tầng, nhân lực, khuôn khổ pháp luật... - ông Đậu Tuấn, người có hơn 10 năm lăn lộn với vấn đề chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia nhấn mạnh.
HẢI VÂN
Theo DNSG

Pin It
Ẩn danh

"Mọi thành tựu đều bắt đầu từ một quyết định làm thử"

User Menu