Với sự gia tăng mạnh mẽ của chuỗi các nhà thuốc lớn, ngành bán lẻ dược phẩm có thể được ví von như 1 đại dương thu nhỏ. Trong đó bất chấp quy luật muôn đời "Cá lớn nuốt cá bé" vẫn sẽ có những chú cá nhanh nhẹn và tinh khôn kiếm ăn được no bụng.
Hai tháng gần đây, Pharmacity đã mở mới hơn 100 cửa hàng, An Khang mở mới hơn 80 cửa hàng và Long Châu hơn 60 cửa hàng.
Trong thời gian dịch bệnh Covid, khi nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa và thu hẹp kinh doanh thì 3 ông lớn là FPT, Thế giới di động và Pharmacity lại đang "tranh thủ" bành chướng quy mô, cấp tập mở thêm nhiều cửa hàng để chiếm lĩnh thị phần.
Theo số liệu cập nhật ngày 12.05 trên website của 3 công ty, Pharmacity hiện đang dẫn đầu số lượng nhà thuốc với 1.085 cơ sở. Tiếp theo đó là Long Châu với 579 nhà thuốc và cuối cùng là An Khang với 292 nhà thuốc.
Các ông lớn bắt đầu "tăng tốc" khi đại dịch Covid qua đi đã chứng tỏ cơ hội của thị trường dược phẩm bán lẻ qua những con số về doanh thu, sản lượng.
Đó chính là lý do tại sao đầu năm nay, Thế giới di động (TGDĐ) đã chuyển từ trạng thái "tìm hiểu" thành dồn "tổng lực" vào hệ thống nhà thuốc An Khang.
Còn nhớ, năm 2019 ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch TGDĐ nhận định: "Thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, Thế Giới Di Động vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần"
Đến 18/02 năm nay, trong cuộc họp với nhà đầu tư, vị chủ tịch phát biểu "Nhìn nhận chung, ngành thuốc sau đợt dịch vừa rồi có những bước phát triển tốt. Trước đây, ngành thuốc cơ bản chỉ có thuốc chữa bệnh là chính, nhưng sau đợt dịch vừa rồi thì thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ cũng có những tăng trưởng rất ngon lành.
Đây là những dấu hiệu cho thấy ngành thuốc Việt Nam bắt đầu có những dịch chuyển từ trạng thái chữa bệnh, đau đâu chữa đó, sang trạng thái "prevent", có nghĩa là bảo vệ sức khỏe. Bước chuyển dịch này giống như những nước phát triển. Tại các nước này, thực phẩm chức năng, vitamin, các loại thuốc làm cho cơ thể khỏe mạnh phát triển rất tốt", ông Tài nói.
Chưa dừng lại ở đó, TGDĐ đặt ra mục tiêu rất tham vọng là đến cuối năm nay An Khang có thể đứng vị trí top 3 của ngành dược cả về doanh thu lẫn số lượng cửa hàng còn Long Châu đặt ra mục tiêu 800 cửa hàng cuối năm nay cùng với độ phủ rộng ra khắp 63 tỉnh thành.
Trong khi đó, Pharmacity đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt mốc 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Doanh nghiệp này mong muốn có thể hỗ trợ 50% người dân Việt Nam tiếp cận với một nhà thuốc trong vòng 10 phút di chuyển.
Long Châu, An Khang hay Pharmacity đều có những tuyên bố mạnh mẽ với mục tiêu đánh chiếm thị trường.
Ông lớn tranh nhau miếng bánh, các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ phải làm gì để tồn tại với nghề?
Việt Nam hiện nay được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi ( Pharmerging - theo phân loại của tổ chức IQVIA Institute).
World Bank cảnh báo Việt Nam đang phải trải qua giai đoạn tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước tới nay, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên dự kiến đạt 21% vào năm 2050. Dân số đang già hóa nhanh chóng đồng nghĩa với nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên.
Mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế, thuốc men, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có xu hướng tăng lên do thu nhập bình quân đầu người và trình độ dân trí được cải thiện bên cạnh việc môi trường sống ngày càng ô nhiễm làm gia tăng nhiều loại bệnh tật.
"Hiện tại, thị trường dược phẩm vẫn còn rất nhiều dư địa cho tất cả các tay chơi tha hồ tung hoành. Cả nước Việt Nam có khoảng 57.000 nhà thuốc trong khi tính tổng tất cả các chuỗi lớn như Pharmacity, Long Châu hay An Khang cũng chỉ khoảng 3.000 cửa hàng – vẫn còn quá nhỏ.
Bây giờ, ai vào cũng có ‘miếng bánh’ cho riêng mình và không ai phải cạnh tranh với ai." Chủ tịch FPT Retail – Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ trong ĐHCĐ 2022.
Sự xuất hiện của các chuỗi dược phẩm hiện đại đã góp phần thay đổi đáng kể cuộc chơi trong ngành dược bán lẻ, góp phần cung cấp sản phẩm chất lượng và dịch vụ chuyên nghiệp. "Phần nào đó như đang ‘educate’ thị trường, tạo cho khách hàng thói quen sử dụng hàng chính hãng và trải nghiệm mua sắm tốt hơn" (Trích phần phát biểu của bà Bạch Điệp)
Ngoài sự đổ bộ mạnh mẽ của 3 ông lớn Pharmacity, An Khang và Long Châu, thị trường dược bán lẻ cũng ghi nhận thêm nhiều cái tên khác như Phano Pharmacy, Nhà thuốc 7, Nhà thuốc Mười... với số cửa hàng tỷ lệ thuận với thời gian hoạt động.
Điều này vô hình trung đang tạo ra thách thức cho những cá nhân nhỏ lẻ muốn gia nhập vào ngành ở thời điểm hiện tại. Trên diễn đàn Hội nhà thuốc và quầy thuốc Việt Nam, nhiều dược sỹ sau thời gian làm thuê, khi tính đến chuyện mở cửa hàng làm chủ, đã không khỏi đắn đo.
Hình ảnh trong diễn đàn Hội nhà thuốc và quầy thuốc Việt Nam
Tuy nhiên, dưới bài chia sẻ có rất nhiều ý kiến thể hiện quan điểm lạc quan :
"Càng nhiều người tham gia thị trường càng chứng tỏ tiềm năng của thị trường"
"Quầy nhỏ hay lớn do chính mình làm, nếu có chiến lược riêng và hướng đi chuẩn vẫn rất ok nhé"
"Cố lên chị ơi, quầy mới mở mất gần 1 năm kiếm khách, bán vì cái tâm khách sẽ quay lại, cố lên, chúc chị vững tin với nghề"
Bên cạnh đó, cũng có những người đã nhanh nhạy tìm được lối đi riêng cho mình:
"Bên cạnh bán ở tiệm, bạn mở quầy online á. Thị trường này đang phát triển mạnh nè"
"Mình Nhà Thuốc vừa mở thêm Spa Medical!! Không sợ chuỗi nào luôn .. vì có ngách riêng cho mình !!"
Một số dược sỹ - chủ cửa hàng lâu năm trong nghề tự tin cho rằng trong ngành bán lẻ dược phẩm, các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ cũng có lợi thế riêng và nếu biết khai thác, vẫn có thể tồn tại tốt.
Trước hết, các nhà thuốc tại địa phương thường có lợi thế về chi phí mặt bằng, chủ cửa hàng thường trực tiếp có mặt để giám sát, tư vấn và bán thuốc cho khách, nên tính linh hoạt sẽ cao hơn.
Thứ hai, là thương hiệu cá nhân của chủ cửa hàng. Khác với các ngành hàng như thời trang,... mặt hàng thuốc (thực phẩm chức năng) nặng về "tư vấn kiến thức" nên thông thường các khách hàng sẽ có xu hướng mua tại những địa chỉ họ cảm thấy "yên tâm" và quen thuộc. Nếu các dược sỹ học hành bài bản, có kiến thức tốt ra mở cửa hàng mà tư vấn tận tâm, nhiệt tình thì vẫn có lượng "khách ruột" nhất định.
Thứ ba, với khách hàng là những người nhiều tuổi, đối tượng có nhu cầu về thuốc men thường xuyên, khá khó để thay đổi thói quen tiêu dùng và họ cũng chẳng mặn mà với công nghệ, hiện đại hay thương hiệu doanh nghiệp lớn. "Có khi họ còn ngại đọc tiếng Tây, nghe đến "app" hay bảo đọc số điện thoại đã không thích" - Một dược sỹ có hơn 10 năm kinh nghiệm chia sẻ " Điều các ông bà cần là ghi nhớ thông tin của họ và phải đủ kiên nhẫn nghe họ kể mà không cắt ngang về chứng đau lưng hay khó ngủ"
Hình ảnh minh họa, nguồn: Sức khỏe và đời sống
Mô hình của các chuỗi nhà thuốc An Khang, Pharmacity hay Long Châu nếu so với các nhà thuốc tư nhân nhỏ lẻ giống như siêu thị với chợ truyền thống.
Khi mô hình siêu thị ngày càng trở nên phổ biến thì chợ truyền thống cũng "ế ẩm" hơn, tuy nhiên, nó chưa thể biến mất trong bối cảnh văn hóa, thu nhập bình quân đầu người và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.
Tương tự như vậy, các nhà thuốc tư nhân nhỏ lẻ sẽ vẫn có đất sống, dù sự cạnh tranh sẽ ngày càng ngày gay gắt, vấn đề là cá nhân mỗi người chủ cửa hàng sẽ giải bài toán năng lực cạnh tranh như thế nào?
Nhịp sống kinh tế