Tại sự kiện “Passport to Marketing #2: The World of Agency” của Brands Vietnam, câu hỏi mà tôi nhận nhiều nhất là: “Làm sao để biết bản thân phù hợp với Branding & Design agency?” Do đó, tôi muốn tóm lược lại các yếu tố chính như sau 

Xây dựng thương hiệu là gì?

Xây dựng thương hiệu là các giải pháp sáng tạo gồm chiến lược thương hiệu, hệ thống nhận diện thương hiệu, trải nghiệm khách hàng, truyền thông… nhằm đạt được 4 mục đích chính: (1) Giúp doanh nghiệp trở nên xác thực, đáng tin cậy, và có sự phù hợp với khách hàng mục tiêu; (2) tạo sự khác biệt, nổi bật cả bên trong lẫn bên ngoài cho doanh nghiệp; (3) tạo ra lợi nhuận đầu tư lâu dài cho doanh nghiệp; (4) thiết lập nền tảng vững chắc để vượt qua thử thách trong tương lai khi doanh nghiệp tiếp tục phát triển.

Nguồn: DeType

Công việc Branding & Design đóng một vai trò quan trọng xuyên suốt quá trình phát triển của thương hiệu. Chất lượng sản phẩm tốt thì logo, thiết kế bao bì, cửa hàng… cũng phải được thiết kế chỉn chu, chuyên nghiệp sao cho thể hiện rõ định vị và chiến lược phát triển của thương hiệu. Dù chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hay kế hoạch kinh doanh tuyệt vời, mà thiết kế kém thu hút, khác biệt, thì khách hàng cũng không quan tâm rồi dẫn đến “thương” hiệu.

Những dịch vụ nào sẽ giúp khách hàng đạt được những mục đích trên?

Tuỳ vào yêu cầu, quy mô doanh nghiệp mà sẽ có thêm những dịch vụ khác. Còn ở đây, tôi chia sẻ 4 dịch vụ mà REFORMN đang cung cấp. Theo tôi biết, những dịch vụ này hầu như có mặt trong các agency chuyên về Branding & Design.

Brand Strategy (Chiến lược thương hiệu)

Chiến lược thương hiệu là kim chỉ nam cho sự phát triển và mở rộng của doanh nghiệp. Một chiến lược hiệu quả sẽ khai thác cơ hội tiềm năng trong một thị trường mới mà doanh nghiệp muốn hướng đến, hay tái định vị thương hiệu trong một thị trường đầy cạnh tranh và gia tăng sức ảnh hưởng thương hiệu trong nhận thức của khách hàng. Chiến lược thương hiệu được hoạch định và thực thi tốt sẽ giúp doanh nghiệp trở nên khác biệt và trường tồn.

Design & Experience (Thiết kế & Trải nghiệm)

Thiết kế tốt giúp làm rõ câu chuyện thương hiệu và tạo nên sự khác biệt trong trải nghiệm của khách hàng. Sử dụng các giải pháp thiết kế để giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu chiến lược kinh doanh, hiện thực hoá sứ mệnh và tầm nhìn của thương hiệu, giúp thay đổi nhận thức của khách hàng theo hướng tích cực và ý nghĩa.

Verbal Identity (Bản sắc ngôn ngữ của thương hiệu)

Thương hiệu mạnh cần có tiếng nói và bản sắc ngôn ngữ riêng để thể hiện mình trong quá trình giao tiếp, kết nối mật thiết với khách hàng. Một hệ thống Verbal Indentity mang tính chiến lược, phù hợp và sáng tạo, bao gồm từ ngữ, ngữ điệu của câu chuyện gần gũi, dễ thấu cảm. Có như vậy, thương hiệu mới có thể tạo ra những tác động mạnh mẽ và nhanh chóng đến cảm xúc của khách hàng.

Communications (Truyền thông)

Truyền thông giúp thương hiệu kết nối và tương tác với khách hàng bằng cách tìm ra tiếng nói độc đáo trên thị trường. Truyền thông thương hiệu chuyên nghiệp và hiệu quả hỗ trợ tối đa cho việc xây dựng uy tín và đẩy cao doanh số bán hàng cho doanh nghiệp. Đây là kết quả từ quá trình phân tích từ Chiến lược đến Thiết kế và Ngôn ngữ nhận dạng, kết hợp cùng các giải pháp sáng tạo.

Mô hình của một công ty tư vấn Branding & Design

Vòng ngoài cùng là Account – bộ phận được xem là cầu nối giữa khách hàng và agency. Công việc của Account là làm việc trực tiếp với khách hàng, đảm bảo mối quan hệ tốt đẹp giữa khách hàng với agency, chăm sóc khách hàng và mang đến sự hài lòng cao nhất cho họ. Theo đó, account cần đảm bảo nắm rõ những phản hồi, yêu cầu của khách hàng để truyền đạt lại cho team; phối hợp với các bên liên quan để tối ưu hiệu quả dự án.

Tiếp đến là phòng ban chuyên về Chiến lược (Strategy) với công việc chính là nghiên cứu, nắm bắt các xu hướng, và quản lý tổng thể chất lượng công việc. Những bạn trẻ muốn gia nhập bộ phần này cần xây dựng và phát triển tầm nhìn của mình. Nghĩa là khi bắt đầu một dự án, bạn cần phải thấy được mục tiêu, kết quả muốn đạt được.

Sau cùng, bộ phận cốt lõi của các Branding & Design agency gồm Creative & Design, Copy & Content và Production. Trong đó, bộ phận Creative & Design sẽ đảm nhiệm sáng tạo ra các giải pháp hình ảnh, âm thanh, nội dung…; và tìm cách tối ưu các giải pháp đó sao cho khác biệt và hiệu quả hơn mỗi ngày. Còn Social & Content có vai trò quản lý và sáng tạo nên những giải pháp nội dung cho các sản phẩm truyền thông như website, bao bì sản phẩm, tài liệu tư vấn bán hàng, video quảng cáo…

Dù bạn làm việc ở bất kỳ bộ phận nào cũng cần có kiến thức về kinh doanh, Marketing, Branding và tâm lý con người. Vì sao lại là tâm lý con người? Bởi mấu chốt công việc của agency là phục vụ con người nên việc thấu hiểu tâm lý con người là cần thiết để đảm bảo tính thực tế, khả thi cho các giải pháp sáng tạo. Bên cạnh những kỹ năng thuộc về chuyên môn Branding & Design, bạn cũng phải chú trọng rèn luyện những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả, xử lý tình huống… Hơn nữa, để làm việc trong môi trường năng động như agency, bạn trẻ cần tinh thần nhiệt huyết, khả năng chịu áp lực cao, ham học hỏi… Hơn nữa là không bao giờ hài lòng với kết quả của ngày hôm qua.

Quy trình làm việc tại Branding & Design Agency


Trên đây quy trình làm việc thường thấy tại agency và hiện đang được áp dụng tại REFORMN. Theo đó, agency sẽ bắt đầu nhận bảng brief từ khách hàng rồi làm rõ, nghiên cứu những yêu cầu được nêu trong đó. Sau khi hoàn thành khâu phân tích brief, agency đưa ra yêu cầu sáng tạo (Creative Brief), lên chiến lược và truyền đạt lại thông tin cho đội ngũ. Trong đó, tôi lưu ý một bước quan trọng là truyền cảm hứng, đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính yếu của các Leader. Bởi đôi khi, chúng ta sẽ làm nhiều dự án không liên quan với nhau trong cùng khoảng thời gian. Nên nhờ có cảm tình với thương hiệu, dự án đó, chúng ta mới có thể làm việc say mê, tạo ra được các ý tưởng sáng tạo và khác biệt.

Ba giai đoạn tiếp theo sẽ xoay quanh việc đưa ý kiến và phê duyệt ý tưởng. Và hai bước cuối cùng là triển khai thực tế rồi đánh giá bằng cách theo dõi báo cáo sát sao. Từ đó biết cách tối ưu kế hoạch, công việc của mình để giúp khách hàng đạt được kết quả tốt nhất có thể.

Tương ứng với mỗi giai đoạn sẽ có một bộ phận phụ trách. Như biểu đồ trên có thể thấy, bộ phận Strategy sẽ chịu trách nhiệm các công việc từ khâu nhận Brief cho đến lúc hoàn thiện ý tưởng. Còn Creative sẽ tham gia dự án từ lúc phát triển ý tưởng đến khi sản phẩm sáng tạo được hoàn thiện và ra mắt. Ba giai đoạn cuối sẽ do bộ phận Production chuyên trách. Trong khi đó, với nhiệm vụ quản lý dự án, Account sẽ sát cánh cùng khách hàng xuyên suốt quá trình triển khai dự án cho đến khi làm nghiệm thu.

Cơ hội và thử thách của Branding & Design Agency tại Việt Nam

Cơ hội
Số lượng lớn doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt nhưng xây dựng thương hiệu còn yếu, dẫn đến khó khăn trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Doanh nghiệp Việt thường cần các đơn vị tư vấn chiến lược và thiết kế am hiểu văn hoá, chất lượng tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng một nền tảng phát triển vững chắc cho doanh nghiệp. Thế nhưng, số lượng các agency thoả mãn những tiêu chí này lại rất ít. Bởi Branding & Design chỉ mới phát triển tại Việt Nam trong khoảng 15 năm trở lại đây. Những yếu tố trên sẽ tạo cơ hội phát triển cho Branding & Design Agency tại Việt Nam.

Ngoài ra, các lĩnh vực kinh doanh như nông nghiệp, thuỷ hải sản – thế mạnh của Việt Nam, đang rất cần chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu lâu dài và tăng giá trị sản phẩm trên thương trường quốc tế. Như tôi đang làm với một doanh nghiệp cà phê, chất lượng sản phẩm của họ không hề thua kém thương hiệu nước ngoài. Không những vậy, Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới nhưng giá bán ra lại thua Indonesia, như nước bạn bán được 10 đồng/kg thì Việt Nam chỉ bán được 4 đồng/kg. Do đó, mục đích của tôi khi xây dựng thương hiệu cà phê này làm sao tăng được giá trị về mặt sản phẩm khi bán ra nước ngoài.

Thử thách
Có 3 thử thách chính mà các Branding & Design Agency Việt đang phải đối mặt.

Thứ nhất là mức giá phải cạnh tranh hơn so với các agency quốc tế tại Việt Nam để doanh nghiệp SME có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ.

Thứ hai, chất lượng nhân sự, chương trình đào tạo nhân sự và chiến lược phát triển nhân sự cần phát triển mạnh hơn. Vì công việc sáng tạo hoàn toàn do con người thực hiện nên đội ngũ nhân sự cần có năng lực, chuyên môn cao. Đồng thời, các chương trình đào tạo hiệu quả để tăng chất lượng đầu ra là các sản phẩm, giải pháp sáng tạo.

Sau cùng là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia cao cấp cần có tầm nhìn và sự quyết tâm.

Tôi mong những chia sẻ trên đây phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về cuộc sống agency nói chung và tại Branding & Design agency nói riêng.

Phạm Đình Nguyện
Founder @ REFORMN

Winston Churchill

"Nếu bạn dẹp một thị trường tự do, bạn tạo ra một thị trường chợ đen."

User Menu