Tiêu chí chất lượng đồ ăn uống cùng không gian sạch sẽ lần lượt xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 trong khảo sát cho thấy mối quan tâm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong tâm trí người tiêu dùng.
Chia sẻ sau sự kiện kỷ niệm 1 năm thành lập của Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới ở Việt Nam (WAMC VN) vào ngày 31/3, ông Trần Lê Thanh Thiện – Phó Chủ tịch Hiệp hội bày tỏ sự lạc quan và mong chờ đối với sự phát triển của ngành bếp nói riêng và ngành F&B Việt nói chung.
Là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19, ngành F&B Việt đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng chưa từng thấy với sự đóng cửa của hàng loạt thương hiệu lớn nhỏ. Người tiêu dùng có xu hướng tăng cường chế biến tại gia nhiều hơn.
Theo nghiên cứu, 75% người tiêu dùng sẵn sàng tăng phần chi tiêu cho thực phẩm chế biến tại nhà và 46% trong số đó sẽ tiếp tục duy trì xu hướng này trong tương lai. Những thay đổi về hành vi này đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của người đầu bếp cũng như tương lai của các nhà hàng fine dining.
Tiêu chí chất lượng đồ ăn uống cùng không gian sạch sẽ lần lượt xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 trong khảo sát cho thấy mối quan tâm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong tâm trí người tiêu dùng.
Tiêu chí lựa chọn nhà hàng quán ăn
Nguồn: Vietnam Report
Vai trò của người làm bếp cũng cần phải thay đổi
Việc chuyển hướng từ phục vụ tại chỗ sang các món chế biến sẵn, đóng gói mang về hoặc thực phẩm sơ chế đang trở thành xu thế của thời điểm hiện tại. Vai trò của người đầu bếp cũng thay đổi từ tập trung chế biến sang nghiên cứu và cho ra đời những công thức mới phù hợp thời đại.
Thay vì chế biến nóng và dùng tại chỗ, người tiêu dùng chuộng những nguyên liệu sơ chế sẵn cho bữa ăn tại nhà. Thay vì 1 ngày 3 bữa túc trực gian bếp, thì bây giờ họ chế biến và sẵn sàng phục vụ chỉ trong 1 buổi. Những thay đổi này đang góp phần duy trì và tạo đà trở lại cho những thương hiệu F&B bất kể lớn nhỏ.
Mô hình Kitchen Center – Bếp trung tâm ra đời cũng đem lại nhiều tiện ích và cải thiện hơn nữa vị thế của người đầu bếp. Vận dụng tốt các dụng cụ kỹ thuật, công nghệ cao trên thế giới để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng đồng bộ, đồng thời giảm thiểu đáng kể các vấn đề về hao hụt nguyên liệu, nhân công… đã là một phần nhiệm vụ quan trọng của người làm bếp.
Giờ đây, người làm bếp giỏi không cần phải cặm cụi đảm bảo 100% chất lượng món ăn hay giữ bí mật về công thức riêng, mà là người sáng tạo các món mới phù hợp xu thế, ứng dụng được những công nghệ kỹ thuật cao vào món ăn, hiểu và quản lý được các quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm của khu bếp mình.
Theo ông Thiện: “Đây là thời điểm phù hợp để nâng cao vai trò và lợi thế của người đầu bếp, khi mà chúng ta là trọng tâm của sự chuyển đổi của ngành F&B và nhà hàng khách sạn. ‘Thời đại mới’ mở ra những ‘Đầu bếp mới’ phù hợp hơn, giỏi hơn, chịu khó tìm tòi và phát triển bản thân nhiều hơn nữa”.
Ông Trần Lê Thanh Thiện – Phó Chủ tịch Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới ở Việt Nam
Vai trò của các thương hiệu và đơn vị trong ngành
Khi đại dịch COVID-19 đã góp phần thay đổi nhanh chóng suy nghĩ của người Việt về các tiêu chí sức khoẻ, an toàn thực phẩm, các thương hiệu phải làm và kinh doanh bằng cái tâm, đặt các tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu. Cùng với đó là đầu tư về hạ tầng công nghệ và dịch vụ để tạo dựng niềm tin nơi khách hàng và xã hội.
Trong buổi lễ ký kết hợp tác giữa các đơn vị ngành F&B của Tập đoàn Nova (Nova F&B, Nova Education) với Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam, cả hai bên đã đặt mục tiêu đẩy mạnh chất lượng các thương hiệu F&B và nâng tầm chứng chỉ giáo dục ngành bếp lên tầm thế giới.
Với mục tiêu đóng góp cho ngành F&B Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực ẩm thực, món ăn... Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam cũng chú trọng đến công tác đào tạo, giảng dạy, nâng cao tay nghề cho lứa kế cận với những buổi workshop món ăn, đào tạo nghề miễn phí, các cuộc thi... kết hợp cùng đa dạng các nhãn hàng.
Hình ảnh Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam
Ngành bếp nói riêng và ngành F&B đang thực sự trở lại và thị trường chỉ dành cho những đơn vị dám thay đổi, đầu tư về chất lượng dịch vụ, công nghệ cùng với yếu tố quan trọng nhất là con người.
Theo Vietnam Report, ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam có thể nhanh chóng trở lại và bứt phá nếu bám sát 3 xu hướng hành vi của người dùng như sau:
- Ưu tiên thực phẩm hữu cơ (organic food): Thực phẩm hữu cơ đang nhận được nhiều sự quan tâm nhờ nguồn gốc sạch, tuy nhiên để phát triển hơn thì sẽ cần sự tham gia của đông đảo các chuyên gia dinh dưỡng, đầu bếp và nhãn hàng để nhận biết và hướng dẫn người tiêu dùng cách sử dụng, cũng như giới thiệu các nguồn cung cấp đáng tin cậy.
- Tái định nghĩa thực phẩm tiện lợi: Đây là thách thức không nhỏ đối với các thương hiệu, nhãn hàng cũng như bản thân người đầu bếp để đưa ra được sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường hiện tại. “Tiện lợi” và “tươi ngon” sẽ là hai chìa khoá chính cho xu hướng này.
- Ứng dụng công nghệ: Đầu tư về công nghệ chế biến là chưa đủ, các bữa ăn phải được đưa đến người dùng một cách thuận lợi nhất. Đó là lý do dẫn tới sự bùng nổ của các ứng dụng giao thức ăn nhanh, các ứng dụng thanh toán online hiện tại.
Có thể thấy được trong thời gian sắp tới, sự ra đời và phát triển của các thương hiệu F&B sẽ thật sự mạnh mẽ khi đã chính thức thích nghi được với đại dịch, cơ hội lớn luôn đi kèm nhiều thách thức.
*Nguồn: Brandsvietnam