Việc tái khôi phục, nắm được xu hướng thị trường và duy trì động lực cộng đồng là điều quan trọng đối với quá trình hồi sinh của F&B, đặc biệt là trong giai đoạn sớm mở cửa trở lại như hiện nay.
Đại dịch xảy đến, nhu cầu sống lành mạnh tiếp tục tăng mạnh.
Hai năm diễn ra đại dịch Covid-19 đã gây những tác động nặng nề đến các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực F&B. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp với năng lực thích ứng linh hoạt đã nhanh chóng nắm bắt được xu thế, cơ hội trong nguy nan và chuyển mình nhanh chóng để trụ vững qua sóng gió và phục hồi, phát triển sau đại dịch.
Nhiều xu hướng trong đó được các chuyên gia ngành F&B như ông Yosuke Masuko (Pizza 4P's), ông Vincent Mourou (Marou Chocolate), ông Công Ông (Good Food), ông Taiki Mori (Capichi Vietnam), ông Taku Tanaka (Kamereo), ông Timen Swijtink (Lacàph)... trong sự kiện “Ẩm thực và đồ uống Việt Nam 2022” dự báo vẫn sẽ tiếp tục.
Trân trọng sức sáng tạo và năng lượng của người trẻ
Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, Việt Nam hiện có gần 25% dân số trong độ tuổi từ 16 đến 30. Đây được xem là nguồn tài nguyên đáng giá hứa hẹn đem đến sự độc nhất và sáng tạo cho ngành F&B.
Thế hệ trẻ là những người thiết lập nên xu hướng mới trong ngành thực phẩm và cũng là những cá nhân có lượng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ F&B nhiều nhất. Đáng chú ý, theo báo cáo của của Decision Lab, thế hệ Z (sinh năm 1997-2012) là thế hệ mà ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống cần phải tập trung và chú ý.
Dù thu nhập không quá cao nhưng thế hệ Z vẫn sẵn sàng chi một khoản tiền lớn cho việc đi ăn ngoài, với tổng số tiền gần 900 nghìn đồng mỗi tháng. Luôn sẵn sàng chào đón những điều mới mẻ và thú vị, thế hệ Z được xem là nhóm đối tượng mục tiêu hàng đầu của các tụ điểm ẩm thực quốc tế.
Nhu cầu sống lành mạnh tiếp tục tăng mạnh
Với áp lực từ đại dịch, người tiêu dùng càng có thêm động lực để chi trả cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính kích thích sự gia tăng của xu hướng ăn kiêng mới, tiêu biểu là chế độ ăn gluten-free hay keto.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành F&B có thể tận dụng thói quen ăn uống của người Việt như thích rau xanh, yêu các món ăn vặt lành mạnh hay “không đi ăn một mình”.
Bên cạnh sức khỏe của bản thân, người tiêu dùng giờ đây cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về môi trường xung quanh để từ đó đưa ra những lựa chọn thương hiệu F&B phù hợp với các giá trị mà mình theo đuổi.
Sự thay đổi này đã khuyến khích ngành F&B cần phải tập trung hướng đến các giá trị mang tính tốt đẹp và bền vững hơn. Đồng thời đây là cơ hội mở ra hướng đi mới cho những người trong ngành. Họ cần phải cẩn trọng hơn trong quá trình xây dựng dấu ấn cho thương hiệu - từ việc tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, cho đến quy cách đóng gói sản phẩm.
Các chuyên gia chia sẻ trong sự kiện “Ẩm thực và đồ uống Việt Nam 2022”.
Chuyển dịch trong thói quen thanh toán của người tiêu dùng
Trước tác động của đại dịch, người tiêu dùng trên toàn thế giới đã áp dụng các phương thức kỹ thuật số vào trong công việc cũng như đời sống hằng ngày. Nhiều người đã bắt đầu xây dựng thói quen thanh toán qua mã QR, điện thoại di động hoặc công nghệ thẻ không tiếp xúc thay vì sử dụng tiền mặt như trước.
Theo khảo sát “Chỉ số thanh toán mới 2021" của Mastercard, 84% người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận thấy việc tiếp cận các hình thức thanh toán mới nổi của họ đã tăng lên đáng kể. Trong khi đó, có đến 88% đã sử dụng ít nhất một loại hình thanh toán mới nổi trong năm ngoái.
Có tới 2/3 số người được khảo sát, trong đó có 75% thuộc thế hệ Y (những người sinh năm 1981 - 1996), chia sẻ rằng họ đã thử các phương thức thanh toán mới mà họ nghĩ rằng mình sẽ không sử dụng nếu không có đại dịch. Ngoài ra, có đến 60% người tiêu dùng cho biết họ sẽ “sẵn sàng nói lời tạm biệt” đối với những địa điểm không chấp nhận các hình thức thanh toán điện tử.
Bà Winnie Wong, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Campuchia và Lào của Mastercard, cho biết, đại dịch đã thúc đẩy ‘thói quen số’ tại Việt Nam và thói quen này sẽ còn tồn tại lâu dài. Đây chính là lý do khiến người tiêu dùng hiện nay đang kỳ vọng có nhiều trải nghiệm số đa kênh và liền mạch hơn trong quá trình tương tác với các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực F&B.
“Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần phải số hoá và đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu. Đây là điều vô cùng cấp thiết để doanh nghiệp giảm thiểu tác động của đại dịch và đi trước các đối thủ”, bà Winnie Wong nói.
Theo The Leader