Với doanh thu 2,35 tỷ USD trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng 25-30%/năm, thị trường mỹ phẩm Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, vì thế luôn hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Tăng trưởng nhanh nhất ASEAN

Theo Viện nghiên cứu Yano (Nhật Bản), năm 2018, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đạt giá trị 2,35 tỷ USD. Dự kiến, trong 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng của thị trường mỹ phẩm dưỡng da và trang điểm Việt Nam sẽ vào khoảng 15-20%/năm.

Năm 2018, có 16,3% dân số thuộc tầng lớp trung lưu và dự kiến sẽ tăng lên 33 triệu người vào năm 2020 là một trong những nguyên nhân giúp ngành công nghiệp mỹ phẩm tăng trưởng nhanh. Những phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi từ 25-45 có thu nhập hằng tháng từ 20 triệu đồng trở lên chi trung bình 450.000-500.000 đồng/tháng cho sản phẩm trang điểm. Không chỉ thế, mỹ phẩm và các sản phẩm, dịch vụ làm đẹp phát triển tốt còn nhờ vào 60% dân số là người trẻ rất quan tâm đến sức khỏe và sắc đẹp.

M1

Năm 2018, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đạt giá trị 2,35 tỷ USD.

Sự tăng trưởng của ngành này còn có sự đóng góp rất lớn từ sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử. Theo khảo sát của Q&Me, có đến 57% số người sử dụng mỹ phẩm từng mua mỹ phẩm trực tuyến và 72% từng mua mỹ phẩm qua mạng xã hội. Ông Nguyễn Mạnh Tấn - Giám đốc Marketing Haravan dẫn thông tin cho rằng, ở Việt Nam, doanh số mỹ phẩm trên thương mại điện tử chỉ thua ngành hàng thời trang. Xu hướng thương mại điện tử không chỉ thay đổi trong ngành bán lẻ mà còn ở ngành làm đẹp, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ tại TP.HCM và Hà Nội.

Sức hấp dẫn của thị trường mỹ phẩm Việt Nam còn đến từ những ưu đãi về thuế. Việt Nam đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhờ đó, đã đưa thuế nhập khẩu mặt hàng này xuống thấp. Riêng với Hàn Quốc, kể từ năm 2015, khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, thuế quan giữa hai nước đã cắt giảm xuống từ 0-5%, giúp cho mặt hàng này càng thuận lợi hơn khi vào Việt Nam.

57% số người sử dụng mỹ phẩm từng mua mỹ phẩm trực tuyến và 72% từng mua mỹ phẩm qua mạng xã hội.

Đánh giá về thị trường mỹ phẩm Việt Nam, ông Dominic OH - Giám đốc INTEX - một doanh nghiệp chuyên tổ chức triển lãm về mỹ phẩm và làm đẹp đến từ Hàn Quốc cho rằng, có nhiều “bệ đỡ” giúp thị trường mỹ phẩm Việt Nam phát triển, nhưng quan trọng nhất là xu hướng làm đẹp phát triển không ngừng.

Hút nhà đầu tư ngoại

Số liệu của Hiệp hội Mỹ phẩm - Hương liệu và Tinh dầu Việt Nam cho thấy, hiện có 400 doanh nghiệp (DN) mỹ phẩm, trong đó có 100 DN nước ngoài. Hầu hết thương hiệu mỹ phẩm toàn cầu từ trung đến cao cấp như L’Oreal, Kanebo, Ohui, Whoo, Theo Body Shop, The Faceshop, L’Occitane, Dior, Chanel, M.A.C... đều đã tham gia vào thị trường Việt Nam. Tính về độ phủ và sự ưa thích của người tiêu dùng, mỹ phẩm Hàn Quốc chiếm 30% thị phần, EU đứng vị trí thứ hai với 23%, tiếp theo là Nhật Bản 17%, Thái Lan 13%, Mỹ 10% và 7% còn lại thuộc các quốc gia khác.

Hiện nay, các thương hiệu mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc như The Face Shop, Ohui, Laneige rất được khách hàng trẻ tìm mua vì có chất lượng tốt, giá phù hợp. Và không chỉ phát triển ở các thành phố lớn, những thương hiệu này đã mở chuỗi cửa hàng tại nhiều tỉnh. Trong khi đó, các thương hiệu đến từ châu Âu như Vichy, Lancome, L’Oreal không ngừng ra mắt sản phẩm mới song song với các chương trình “o bế” khách hàng. Hằng năm, những thương hiệu này đều dùng nguồn kinh phí khá lớn kết hợp với các siêu thị giảm giá sản phẩm. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Lotte, mỗi năm đều có các “lễ hội làm đẹp” mà ngoài giảm giá sản phẩm, khách hàng còn được tư vấn, chăm sóc da, tặng quà...

M2

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2001, đến nay Medicare đã xây dựng được 85 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng làm đẹp và chăm sóc sức khỏe.

Không chỉ có những thương hiệu mỹ phẩm, các chuỗi bán lẻ về chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp của nước ngoài cũng mở rộng kinh doanh. Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2001, đến nay Medicare đã xây dựng được 85 cửa hàng kinh doanh các mặt hàng làm đẹp và chăm sóc sức khỏe; Guardian đã mở hơn 90 điểm bán dù mới có mặt tại Việt Nam chưa đầy 9 năm. Đầu năm nay, thị trường đón thêm một thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm đến từ Hồng Kông là Watson. Ông Bart Verheyen - Giám đốc Thương mại Medicare cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm thêm những thương hiệu mới muốn thâm nhập và tìm đối tác độc quyền tại thị trường Việt Nam. Không chỉ thế, chúng tôi còn tìm nhà sản xuất gia công nhãn hàng riêng tại đây”.

Song song với chuỗi cửa hàng trực tiếp, nhiều thương hiệu mỹ phẩm ngoại đã bán hàng trực tuyến. Cụ thể, hồi tháng 6/2019, Clinique mở cửa hàng chính hãng trên Lazada sau khi đã có 11 cửa hàng trực tiếp tại TP.HCM và Hà Nội. Trong tháng 3/2019, M.A.C đã có mặt trên nền tảng này.

Thị trường dù đã có đủ các thương hiệu lớn nhỏ trên thế giới nhưng không ngăn bước được các DN mới. Ông M. Gandhi - Tổng giám đốc Khu vực Đông Nam Á và Phó chủ tịch Công ty Informa Markets, đơn vị tổ chức Mekong Beauty Show và VietBeauty tại TP.HCM tuần trước, cho biết có rất nhiều DN đến từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc mong muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam thông qua triển lãm này.

* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

Pin It
Ẩn danh

"Nếu bạn chỉ luôn luôn làm những gì bạn vẫn thường làm, bạn sẽ luôn luôn nhận được những kết quả mà bạn đã luôn nhận được... nếu bạn MAY MẮN."

User Menu