Người Việt tiêu thụ 4,2 tỷ lít bia trong năm 2018, mức tiêu thụ này đã tăng 5% so với sản lượng thực tế 4 tỷ lít năm 2017. Thu nhập thấp hơn các nước Thái Lan, Singapore nhưng người Việt uống bia nhiều hơn và sản lượgn tiêu thụ tiếp tục tăng mạnh từng năm.

Theo Euromonitor, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 5%/năm cho đến năm 2022.

Bia là đồ uống chiếm hơn 90% lượng đồ uống có cồn tiêu thụ tại Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có thêm khoảng 1 triệu người đạt độ tuổi hợp pháp để uống đồ uống có cồn (18 tuổi). Đó là cơ sở để Euromonitor tin rằng còn nhiều dư địa để thị trường này tăng trưởng trong những năm tới.

Theo chỉ số niềm tin tiêu dùng của Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam nằm trong nhóm top 5 lạc quan nhất trên toàn cầu. Trong khi theo Heineken Việt Nam, tính theo cơ sở đầu người, người tiêu dùng thành thị tiêu thụ lượng bia cao hơn 1,6 lần so với người tiêu dùng nông thôn. Trong khi đó, cư dân thành thị vẫn đang chiếm chỉ 36% tổng dân số tại Việt Nam, tỷ lệ này hiện đang gia tăng ổn định khoảng 50 điểm cơ bản mỗi năm.

Bia1

Tổng lượng bia tiêu thụ (triệu lít) và tính theo đầu người (lít) tại Việt Nam.

4 “ông lớn” phân chia thị phần

Thị trường bia Việt Nam có quy mô 4,2 tỷ lít tiêu thụ trong năm 2018, theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Mức tiêu thụ này tăng 5% trong năm 2018 so với sản lượng thực tế năm 2017 là 4 tỷ lít theo công bố của Hiệp hội Bia-Rượu-NGK Việt Nam (VBA).

Con số này đưa lượng tiêu thụ bia theo đầu người của Việt Nam đạt 43 lít, cao hơn nhiều so với các quốc gia lân cận có thu nhập cao hơn như Thái Lan, Đài Loan, Singapore. Ngành bia Việt Nam ghi nhận CAGR sản lượng 5,7% trong 5 năm qua nhờ CAGR 4,7% đối với lượng tiêu thụ đầu người.

Bia2

Lượng bia tiêu thụ đầu người theo từng quốc gia (lít).

Thị trường bia của Việt Nam được thống trị bởi nhóm “big 4”, bao gồm các thương hiệu Sabeco, Habeco, Carlsberg Việt Nam (chủ yếu đến từ Nhà máy Bia Huế, nằm ở miền Trung) và Công ty TNHH Bia Heineken Việt Nam.

Với Sabeco, Habeco và Carlsberg là các công ty hàng đầu lần lượt tại các khu vực miền Nam, miền Bắc và miền Trung. Trong khi đó, Heineken có sự hiện diện mạnh mẽ tại miền Nam.

Dựa theo thông tin công bố từ các công ty này, ước tính rằng nhóm 4 ông lớn chiếm khoảng 90% tổng sản lượng bia trong năm 2018. Phần còn lại của thị trường thuộc về các công ty nước ngoài như Sapporo và AB InBev, cũng như các công ty bia nhỏ trong nước như Masan (bia Sư tử trắng).

Sabeco và Habeco với xuất phát điểm ban đầu là DNNN, trong khi nhà máy bia Huế gốc là một công ty liên doanh (cơ cấu 50- 50%) giữa chính quyền địa phương và Carlsberg.

Thị trường miền Nam tiêu thụ lương bia lớn nhất, tiếp đến là thị trường miền Bắc và miền Trung. Diễn biến này giải thích cho thị phần trên toàn quốc giữa 3 công ty trên. Trong khi đó, Heineken có thị phần lớn thứ hai trên toàn quốc nhờ sự thống trị trong phân khúc cao cấp/cận cao cấp với sự hiện diện mạnh mẽ ở miền Nam.

Bia3

Cơ cấu thị phần sản lượng của ngành bia Việt Nam (2018).

Ngoài nhóm “big 4”, thị phần trong phân khúc phổ thông và bình dân được chia sẻ bởi nhiều công ty khác, như San Miguel, Sab Miller (thương hiệu Zorok), Masan Brewery (thương hiệu Sư Tử Trắng) và Đại Việt.

Biến động thị phần giữa các “ông lớn”

Heineken liên tục ghi nhận tăng trưởng doanh thu 2 chữ số mỗi năm tại Việt Nam kể từ năm 2012. Theo công bố từ Heineken, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam ghi nhận CAGR doanh thu 14% trong giai đoạn 2012-2015. Kể từ thời điểm đó, Heineken tiếp tục ghi nhận tăng trưởng sản lượng bán 2 con số tại Việt Nam mỗi năm, so với tốc độ tăng trưởng 1 chữ số của thị trường chung.

Bia4

Tổng hợp các thị trường và phân khúc chính của các công ty lớn.

Sabeco ghi nhận CAGR sản lượng 6% trong giai đoạn 2012-2018, tương đương với tăng trưởng chung của ngành; diễn biến tích cực trong quý 4/2018. Thị phần của Sabeco đạt đỉnh năm 2015 khoảng 45% và giảm còn 43% trong năm 2018.

Tuy nhiên, theo ban lãnh đạo công ty, thị phần của công ty, sau khi đã tiếp tục giảm trong 6 tháng 2018, đã phục hồi trong quý 4/2018 với tăng trưởng 1,9 điểm % so với quý 3/2018 nhờ các hoạt động marketing hiệu quả hơn.

Trong khi đó, Habeco đã liên tục mất thị phần kể từ năm 2015 với mức giảm từ khoảng 21% năm 2015 còn gần 15% trong năm 2018. Nguyên nhân chính được cho là Habeco thiếu đi sự đột phá trong danh mục sản phẩm, công ty gần như không có thị phần trong phân khúc cận cao cấp/cao cấp; việc xây dựng thương hiệu kém hiệu quả và cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Sabeco và Heineken cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng miền Bắc giảm tiêu thụ bia Hà Nội.

Với Carlsberg, công ty công bố sản lượng ở Việt Nam đi ngang trong năm 2015, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự thay đổi trong ban lãnh đạo cũng như yếu tố mùa vụ trong năm 2017, và giảm trong năm 2018. Có vẻ như Carlsberg đang gặp nhiều khó khăn để mở rộng thị trường ra khỏi khu vực miền Trung, nơi công ty đang đối mặt với áp lực cạnh tranh đang gia tăng, đặc biệt từ Heineken.

* Nguồn: Infonet

Pin It
David Packard

"Nguyên tắc đầu tiên trong quản lý: động lực phát triển sản phẩm mới không phải là công nghệ, không phải là tiền, mà là trí tưởng tượng của con người."

User Menu