Sự bùng nổ của dịch vụ car-sharing (chia sẻ xe hơi) tại Moscow đang khiến nhiều nhà sản xuất ô tô đau đầu, khi người dân ngày một ưa chuộng sử dụng dịch vụ xe cho thuê theo giờ và thậm chí còn không muốn sở hữu xe hơi nữa.

Evgeny Barkov, nhân viên kinh doanh phần mềm 31 tuổi sống ở Moscow, là một ví dụ điển hình. Nhận thấy chiếc Peugeot của mình chỉ nằm ngốn tiền đậu xe trong hơn 90% thời gian, Barkov đã bán nó để chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ xe cho thuê theo giờ (car-sharing).

Lái chiếc sedan thuê từ Yandex.Drive quanh Moscow, anh nói: “Khoản đầu tư đó (chiếc xe cũ) chẳng mang đến cho tôi bất cứ thứ gì khác ngoài rắc rối cả. Giờ, tôi chỉ trả tiền cho những gì cần dùng mà thôi”.

Theo Bloomberg, dịch vụ car-sharing bất ngờ bùng nổ tại Moscow vào năm ngoái, với số phương tiện tăng hơn 3 lần. Hiện, thủ đô này là khu vực có lượng xe cho thuê lớn nhất châu Âu và lớn thứ nhì thế giới.

Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của car-sharing còn cho thấy cách các công ty công nghệ nhanh chóng thay đổi thói quen của người tiêu dùng ra sao. Từ việc lựa chọn sở hữu cũng như di chuyển bằng ô tô như từ trước đến nay, người tiêu dùng đang ngày một ưa chuộng car-sharing và thậm chí không còn muốn mua xe hơi nữa.

Shwetha Surender - một chuyên viên phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan - cho biết: “Chúng ta đang tiến đến cột mốc có thể thay đổi toàn bộ thị trường xe hơi. Các nhà sản xuất đang có nguy cơ trở thành nhà cung cấp thuần túy cho những công ty kinh doanh car-sharing và đánh mất mối quan hệ với người tiêu dùng. Đó là một viễn cảnh không mấy khả quan”.

Xehoi 1550133562

 

Đương đầu với rủi ro này, các nhà sản xuất ô tô đang ráo riết tìm kiếm giải pháp cho mình: Daimler và BMW đã sáp nhập mảng kinh doanh car-sharing của cả hai để mở rộng quy mô; trong khi Volkswagen thử nghiệm dịch vụ mới tại Hamburg; còn General Motors lại quyết định rót vốn vào ứng dụng gọi xe Lyft.

Dù vậy, không cách này thì cách khác, dường như tất cả các “ông lớn” ngành sản xuất ô tô nói trên đều đang lỗi nhịp với thị trường hơn 12 triệu dân của Moscow. Từ Car2Go của Daimler, Zipcar của Avis Budget Group Inc. cho đến DriveNow của BMW đều không thể chen chân vào thị trường đông đúc nhất xứ sở bạch dương, bất chấp việc nó vốn đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các thành phố có tình trạng kẹt xe tệ nhất thế giới.

Ấy là chưa kể đến các quy định hỗ trợ không khác gì “van nài” đầu tư dành cho các công ty kinh doanh car-sharing từ chính quyền. Được biết, quy định đậu xe có thu phí bắt đầu được áp dụng tại trung tâm Moscow từ năm 2013, và những người dân có nhu cầu sẽ đặt chỗ cho mình thông qua ứng dụng di động. Phí đậu xe một ngày có thể lên đến 30 USD, biến nó thành mức chi cao nhất mỗi ngày với các tài xế Nga. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ car-sharing sẽ được hưởng mức ưu đãi đặc biệt, xấp xỉ 400 USD phí đậu xe cho cả năm.

Tận dụng lợi thế này, Yandex.Drive đã chính thức tấn công thị trường Moscow vào tháng 2/2018, với đội xe hơn 7.000 chiếc cùng phí thuê vỏn vẹn 5 RUB/phút (khoảng 8 cents), trong đó đã bao gồm tiền nhiên liệu, bảo dưỡng và bãi đậu. So với Car2Go của Daimler tại New York, đây là mức giá rẻ hơn gấp 5 lần và là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý với dân số ngày một tăng tại Moscow.

Không chỉ sở hữu mức giá cạnh tranh, Yandex còn thu hút người dùng bởi các mẫu xe cho thuê thuộc đa dạng thương hiệu, từ Renault Captur, BMW 5-Series cho đến Porsche 911. Khoản đầu tư mạnh tay đã giúp công ty này trở thành người dẫn đầu thị trường ở thời điểm hiện tại, bên cạnh một số đối thủ nội địa khác như Delimobil và BelkaCar. Đồng thời, nó cũng sở hữu cả mảng kinh doanh của Uber tại Nga.

Xehoi2 1550133963

Ô tô cho thuê của Yandex. Ảnh: Russia-IC.

Đến cuối năm 2018, đã có hơn 16.500 chiếc ô tô cho thuê trong thành phố. Sở Giao thông Vận tải Moscow ước tính, con số này sẽ tăng thêm 5.000 chiếc mỗi năm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, số xe cho thuê bùng nổ cũng góp phần thúc đẩy lượt sử dụng car-sharing - con số đã tăng hơn 4 lần, chạm mức 23 triệu lượt.

“Car-sharing ở Nga xuất phát chậm hơn so với các quốc gia khác, nhưng nhờ vậy, chúng tôi có thể tận dụng những công nghệ mới nhất. Giờ đây, các công ty nội địa đang chiếm lĩnh thị trường tại Nga, và cánh cửa dành cho những đối thủ quốc tế là khá hẹp”, ông Anton Ryazanov - trưởng bộ phận phụ trách Yandex.Drive - cho biết.

Theo Bloomberg, car-sharing là bước đi tiếp theo trong kế hoạch hướng đến dịch vụ taxi tự lái. Khởi đầu với dịch vụ này, Yandex kỳ vọng xây dựng được lượng khách hàng trung thành, dễ dàng chuyển từ việc thuê xe của công ty sang di chuyển bằng xe tự lái trong tương lai.

Ông Ryazanov nói: “Hiện tại, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng taxi và car-sharing còn khác nhau. Nhưng có thể thấy rõ trong vài năm tới, khi công nghệ xe tự lái trở nên phổ biến, hai dịch vụ này sẽ trở nên một. Lúc đó, bạn sẽ lựa chọn, hoặc là ngồi ghế sau để robot tự lái, hoặc tự mình cầm vô-lăng”.

* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

Nguyên tắc vàng:

"Yếu tố hiệu nghiệm trong marketing cũng hiệu nghiệm trong quân đội: yếu tố bất ngờ."

User Menu