3 ông lớn ngành viễn thông vẫn đem về cả ngàn tỉ đồng trong nửa đầu năm dù bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

VNPT, Viettel vẫn giữ vững đà

Đứng đầu bảng xếp hạng là “anh cả” Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT). Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này, doanh thu đạt 24.200 tỉ đồng, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, VNPT đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.600 tỉ đồng, tăng nhẹ so với nửa đầu năm 2019.

Mặt khác, doanh thu thuần riêng lẻ của VNPT mặc dù giảm 5,7%, đạt trên 19.800 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ vẫn tăng 2,1% lên 2.450 tỉ đồng.

F10

Ảnh: baodautu

Được biết, hoạt động chính của VNPT trong những năm gần đây là kinh doanh dịch vụ và sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin; kinh doanh dịch vụ và sản phẩm truyền thông; kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức sự kiện; sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu cung ứng vật tư, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông...

Trong giai đoạn 2020-2025, Tập đoàn VNPT đề ra chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu bình quân 5-7%/năm, tăng trưởng lợi nhuận 6-8%/năm, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng 5%/năm.

Tính đến hết ngày 30/6/2020, tổng tài sản hợp nhất của VNPT đạt gần 95.400 tỉ đồng, giảm nhẹ 3,6% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm gần 54%, còn lại là tài sản dài hạn. Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu hợp nhất đến hết ngày 30/6 của VNPT là trên 68.300 tỉ đồng, nợ phải trả là trên 27.000 tỉ đồng.

Tập đoàn Viettel báo cáo sau 6 tháng đầu năm 2020 vẫn hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra. Cụ thể, doanh thu của Tập đoàn Viettel đạt 120.000 tỉ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 19.850 tỉ đồng, đạt 110,2% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm. Trong đó doanh thu từ các dịch vụ mới trên nền tảng số tăng trưởng 57% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, tăng trưởng doanh thu từ thị trường nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào kết quả sản xuất kinh doanh của Viettel.

F11

Ảnh: Viettel

Để đạt được những kết quả trên, Viettel cho biết đã đẩy mạnh các dịch vụ phục vụ khách hàng trong xu thế chuyển đổi số. Chỉ tính riêng các dịch vụ dành cho khách hàng cá nhân trên nền tảng số đã đem về doanh thu 2.400 tỉ đồng, tăng trưởng 60% cho tập đoàn này.

Để khách hàng có thể đảm bảo sinh hoạt, chi tiêu trong mùa dịch, Viettel đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán số trên hệ sinh thái ViettelPay như: gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng, bảo hiểm số và đầu tư số; xây dựng giải pháp thẻ du lịch, hệ thống bán vé và kiểm soát vé điện tử. Tổng số lượng giao dịch trên ViettelPay trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 186% so với cùng kỳ năm ngoài.

Diễn biến phức tạp của COVID-19 khiến Viettel cũng đẩy mạnh tương tác khách hàng trên kênh số thay cho kênh truyền thống. Viettel đẩy mạnh hoàn thiện và đưa vào kinh doanh các dịch vụ điện toán đám mây như dịch vụ giám sát và xử lý an toàn thông tin mạng; hệ sinh thái các sản phẩm trên nền tảng điện toán đám mây (máy chủ, máy trạm, camera...).

MobiFone giảm doanh thu nhưng vẫn “không lỗ”

Trong khi VNPT và Viettel vẫn giữ đà tăng thì MobiFone lại sụt giảm mạnh. Theo báo cáo 2 quý đầu năm, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đạt doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt khoảng 12.000 tỉ đồng, giảm hơn 3.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng của nhà mạng này chỉ giảm được khoảng 1.000 tỉ đồng, còn gần 9.100 tỉ đồng.

F12

Ảnh: dautu.vn

Do giá vốn bán hàng giảm không theo kịp đà giảm doanh thu, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của MobiFone chỉ đạt gần 2.970 tỉ đồng, giảm hơn 1.600 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, MobiFone ghi nhận lợi nhuận trước thuế 1.636 tỉ đồng nửa đầu năm nay, giảm 38%, tương đương hơn 1.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của MobiFone đạt gần 30.900 tỉ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn khoảng 10.300 tỉ đồng, chiếm 33%. So với đầu năm, tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng của MobiFone tại các ngân hàng trong nước giảm 32,6%, còn 6.800 tỉ đồng. Ở chiều ngược lại, các khoản đầu tư tài chính dài hạn (chủ yếu là tiền gửi dài hạn) tăng hơn 2.200 tỉ đồng, lên gần 6.040 tỉ đồng.

Đến hết quý II, vốn chủ sở hữu của MobiFone tăng nhẹ so với đầu năm lên khoảng 21.450 tỉ đồng, chiếm khoảng 70% tổng nguồn vốn. Theo kế hoạch năm 2020 được công bố hồi đầu tháng 2, thời điểm chưa bị COVID-19 ảnh hưởng, MobiFone dự kiến doanh thu công ty mẹ đạt hơn 33.200 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 6.360 tỉ đồng. Đến đầu tháng 4, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, so với kế hoạch năm 2020, MobiFone có thể giảm doanh thu, lợi nhuận lần lượt 6.684 tỉ và 1.526 tỉ đồng vì tác động của COVID-19.

F13

Theo báo cáo của Bộ Thông tin Truyền thông, tính đến tháng 6/2020, doanh thu dịch vụ viễn thông có xu hướng giảm nhẹ, đạt xấp xỉ 63.000 tỉ đồng, giảm 1,21% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, doanh thu dịch vụ viễn thông tháng 6/2020 đạt 10.260 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 là 10.320 tỉ đồng.

Trong khi doanh thu dịch vụ di động có xu hướng giảm nhẹ thì doanh thu dịch vụ cố định lại tăng cao. Cụ thể, doanh thu di động tháng 6/2020 đạt 7.390 tỉ đồng, giảm không đáng kể so với tháng 5/2020 là 7.410 tỉ đồng và giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2019 là 8.100 tỉ đồng, trong khi doanh thu dịch vụ cố định đạt 2.870 tỉ đồng, tăng nhẹ so với tháng 5/2020 là 2.850 tỉ đồng và tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019 là 2.200 tỉ đồng.

Theo ước tính của các mạng di động, doanh thu từ dịch vụ thoại đang giảm mạnh ở mức khoảng 16% mỗi năm. Dù số lượng thuê bao băng thông di động tăng nhanh vẫn không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của dịch vụ thoại.

Minh Anh
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Pin It
Norman MacEwan

"Có người không bao giờ thất bại, vì anh ta không bao giờ chịu thử làm điều gì."

User Menu