Thị trường bất động sản thương mại, nghỉ dưỡng, nhà ở, công nghiệp tại Việt Nam đều đang chịu ảnh hưởng lớn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Trong báo cáo mới của CBRE, đơn vị này nhận định đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, gần như toàn bộ các loại hình bất động sản chính đều đang chịu thiệt hại đáng kể do dịch bệnh trong hơn 2 tháng qua.
Do đó, CBRE đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của khu vực châu Á Thái Bình Dương xuống còn 4% trong năm 2020, giảm 0,2%.
Khách thuê bán lẻ trả mặt bằng, chủ nhà giảm giá thuê
Thị trường bán lẻ là một trong những nơi chịu tổn thương lớn nhất từ dịch bệnh, đặc biệt là các ngành thực phẩm, đồ uống, giải trí. Tại Việt Nam, một số nhà bán lẻ đang đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ, cắt giảm đến 50% giá thuê, thậm chí là không thu tiền trong suốt thời gian dịch bệnh bùng phát.
Nhiều thành phố lớn trong khu vực có ngành bán lẻ phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Do vậy, việc sụt giảm khách du lịch sẽ trở thành gánh nặng đối với thị trường này.
Trong trường hợp COVID-19 lan rộng mạnh hơn dự kiến ban đầu, việc người dân địa phương tránh đến những nơi cộng cộng, đông đúc có thể làm rối loạn thị trường tiêu dùng trong nước.
Thị trường mặt bằng bán lẻ đang chứng kiến tình cảnh khách thuê trả mặt bằng hàng loạt. Ảnh: Quỳnh Danh
Tình hình này sẽ tăng thêm áp lực đối với bán lẻ truyền thống vốn đã chịu tác động trước sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.
Bất động sản nghỉ dưỡng thiệt hại nặng nề
Nguyên nhân là thiếu hụt lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc, vốn chiếm đến 56% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2019. Chỉ riêng thị trường Nha Trang, Sở Du lịch Khánh Hòa ghi nhận so với cùng kỳ năm trước đã sụt giảm 75% khách du lịch quốc tế và 82% khách nội địa trong tháng 2/2020
Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp và các sự kiện, cuộc họp, hội nghị... có xu hướng bị tạm dừng bởi COVID-19 vì các tổ chức, công ty lớn đang có thái độ cẩn trọng đối với các chuyến công tác không quá quan trọng.
Mặc dù 2 tháng đầu năm được coi là mùa cao điểm của thị trường khách sạn, năm nay một vài khách sạn cao cấp tại TP.HCM ghi nhận tỷ lệ lấp đầy sụt giảm xuống chỉ còn khoảng 30-40% trong tháng 2 vừa qua.
Hoãn các sự kiện quảng bá, mở bán căn hộ
Trong phân khúc nhà ở bán, thị trường ghi nhận các chủ đầu tư cũng như phía sàn môi giới trong thời điểm này buộc phải tạm hoãn các hoạt động quảng cáo, mở bán vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát.
Các sự kiện quảng bá, mở bán dự án mới tạm hoãn do tâm lý tránh tụ tập đông người. Ảnh: Quỳnh Danh
Các chương trình này dự kiến được tổ chức vào các quý cuối năm. Thông thường, quý đầu của năm là giai đoạn không mấy sôi động đối với các chủ đầu tư do ảnh hưởng của Tết Nguyên Đán. Chính vì vậy, thị trường mong đợi sẽ có một đợt tung hàng số lượng lớn vào nửa cuối năm 2020.
Hơn nữa, các nhà đầu tư vào thị trường này cũng đang có tâm lý chờ đợi và dè chừng hơn trong các quyết định đầu tư của mình khiến không khí thị trường thêm ảm đạm.
Giảm nhu cầu thuê BĐS công nghiệp
Đối với thị trường BĐS công nghiệp, báo cáo của CBRE cho thấy sự bùng phát của dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam do sụt giảm về nhu cầu từ các khách thuê Trung Quốc.
Ở mức độ khu vực, hiện 40% hàng hóa trung gian trong chuỗi cung ứng của khu vực châu Á đều được sản xuất tại Trung Quốc, vì vậy sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng sẽ gây ra ảnh hướng dây chuyền đến các quốc gia lân cận.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra khi nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào từ Trung Quốc chiếm đến 35% tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của Việt Nam.
Các nhà kinh tế dự báo Việt Nam, Malaysia, Campuchia sẽ là những thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hơn 6% tỷ lệ đầu tư so với tổng giá trị tăng thêm (GVA) của các nền kinh tế này phụ thuộc vào Trung Quốc.
* Nguồn: Zing News