Có lẽ ở Việt Nam thì chưa nhưng ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, các phần mềm miễn phí của Google đang thâm nhập lĩnh vực giáo dục với tốc độ chưa từng có.

Hơn 80 triệu thầy giáo và học sinh trên toàn thế giới đang sử dụng bộ ứng dụng G Suite for Education, cho phép cả lớp dễ dàng sử dụng e-mail, lịch học, thu phát video, soạn văn bản, bài thuyết trình, tạo trang web, và khả năng lưu trữ không giới hạn.

Riêng phần mềm Google Classroom cho phép thầy cô đưa trước bài tập lên mạng, vào giờ học, học sinh cứ đăng nhập rồi làm bài và tải lên cho thầy cô nhận xét, chấm điểm. Trên toàn thế giới hiện cũng đang có 30 triệu chiếc máy tính Chromebook dành cho trường học. Riêng ở Mỹ, 58% máy tính xách tay trang bị cho trường vào năm ngoái là máy Chromebook, được Google trợ giá, khởi điểm chỉ từ 149 đô la mỗi máy. Tỷ lệ này vào năm 2012 chỉ mới là 5%!

Các hãng khác cũng làm phần mềm giáo dục nhưng giá sử dụng chừng 5-8 đô la Mỹ cho một học sinh mỗi năm. Nghe thì thấp nhưng một học khu có hơn 113.000 học sinh như Baltimore, chi phí cũng lên đến cả triệu đô la nên ít học khu nào kham nổi. Vì thế chẳng lạ gì Google Classroom và G Suite for Education chiếm lĩnh vì hoàn toàn miễn phí.

L4

Trường học vẫn phải dựa vào Google và các sản phẩm của nó để “số hóa” chuyện dạy và học một cách hiệu quả nhất.

Thế nhưng theo tường thuật của Business Insider, các thầy cô được phỏng vấn dù rất thích sử dụng phần mềm miễn phí của Google vẫn bày tỏ sự hoài nghi. Có người lập luận Google cho trẻ làm quen với sản phẩm của Google từ nhỏ nên sau này khi lớn lên đương nhiên trở thành khách hàng trung thành với Google.

Hiện nay ngành giáo dục ở Mỹ đang chuyển nhanh từ các phương tiện giảng dạy, học tập truyền thống sang ứng dụng công nghệ ở mọi phương diện. Các chiến dịch tìm nguồn kinh phí hay tài trợ để đưa máy tính xách tay vào trường học đã thực hiện được phương châm mỗi học sinh một máy máy tính xách tay tại 20-30% học khu. Sách giáo khoa điện tử không còn chỉ là các file PDF nặng nề khó sử dụng nữa. Các ứng dụng đã có thể giúp giáo viên theo dõi sự tiến bộ của từng em theo thời gian thật, biết em nào cần hỗ trợ mặt gì. Sách giáo khoa đã được cá nhân hóa đến từng em. Sự chuyển dịch đó làm thị trường công nghệ giáo dục tăng trưởng mạnh, có thể đạt mốc 43 tỉ đô la vào năm 2019 lôi kéo sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ.

Thế nhưng từ khi Google xuất hiện trong lĩnh vực giáo dục, các phần mềm miễn phí của Google lan rộng như một vết dầu trên biển. Và dĩ nhiên thị phần của các hãng khác co cụm lại, như thị phần của Apple trong giáo dục giảm 33% từ năm 2012 đến 2017, còn Microsoft giảm 21%. Ứng dụng của Google không chỉ miễn phí mà còn dễ dùng, dễ truy cập ở bất cứ nơi đâu, dùng bất kỳ thiết bị nào.

Một thầy giáo kết luận: Động cơ của Google khá rõ. Họ không tìm cách bán sản phẩm đâu. Cái họ muốn bán là một hệ sinh thái Google, một môi trường làm việc dùng toàn ứng dụng Google. Sau khi đã quen trong trường học, người ta sẽ dễ dàng dùng sản phẩm khác của Google ngoài đời. Hoài nghi thì hoài nghi, trường học vẫn phải dựa vào Google và các sản phẩm của nó để “số hóa” chuyện dạy và học một cách hiệu quả nhất.

* Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Nếu không có đủ ngân sách thì một ý tưởng dù hay đến mấy cũng không thể cất cánh"

User Menu