Riêng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 5 là hơn 3.000 doanh nghiệp, tăng 42% so với tháng trước và tăng 47% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tháng 5 đã chứng kiến sự khởi sắc của số doanh nghiệp thành lập mới sau những chính sách hỗ trợ của Chính phủ - cả nước có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36% so với tháng 4...
Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với tác động tích cực từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đăng ký doanh nghiệp trong tháng 5 có sự khởi sắc, cả nước có 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4/2020, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết.
Số vốn đăng ký doanh nghiệp là 112,7 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 91,5 nghìn lao động, tăng 20,1% về vốn đăng ký và tăng 27% về số lao động so với tháng trước.
Một tín hiệu vui khác của nền kinh tế là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt hơn 5.000, tăng 32,7% so với tháng trước và tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, hơn 3.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 18,9% so với tháng trước và tăng 43,7% so với cùng kỳ; hơn 3.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 42,3% và tăng 47,6%; 962 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 1,8% và giảm 9,8%; 3.473 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 21,3% và tăng 44,5%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 48,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 21,7 nghìn, tăng 10,5%, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng lên 70 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 14 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động, ngoài ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn có ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới tăng với 928 doanh nghiệp, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước, đây là những ngành thiết yếu nên ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 16.335 doanh nghiệp, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019; kinh doanh bất động sản 2.231 doanh nghiệp, giảm 29,7%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 1.920 doanh nghiệp, giảm 24,1%; nghệ thuật, vui chơi, giải trí 328 doanh nghiệp, giảm 38,5%.
Trong 5 tháng đầu năm, 48,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể. Cụ thể, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 26 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước; 16,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 14,5%; gần 6,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,8%, trong đó có 5,4 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 5,7%; 87 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, tăng 6,1%.
* Nguồn: CafeBiz