"Số phận" của chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam và Thái Lan có thể được định đoạt bởi 2 tập đoàn lớn của Thái Lan sau vòng đấu giá đầu tiên vào ngày 5/2.

bigcdaugia

Người tiêu dùng mua sắm trong siêu thị Big C Miền Đông - Ảnh: Khả Hòa

Thông tin Big C tại Việt Nam và Thái Lan sẽ đổi chủ đã râm ran từ cuối năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chuỗi siêu thị hàng đầu khu vực này sẽ vào tay ai. Hiện đang diễn ra cuộc đua tranh quyết liệt giữa 2 tên tuổi lớn nhất nhì ở Thái Lan là Tập đoàn TCC Holding của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi và Central Group thuộc sở hữu gia tộc Chirathivat.

Thương vụ béo bở

Thương hiệu Big C tại Thái và Việt Nam hiện thuộc về Tập đoàn bán lẻ Casino Group (Pháp). Tại Thái, Big C là hệ thống siêu thị lớn thứ hai sau Tesco với khoảng 125 siêu thị lớn và 450 cửa hàng tiện lợi có giá trị trên thị trường khoảng hơn 4,5 tỷ USD. Tuy nhiên, ngày 15/12/2015, Casino Group bất ngờ thông báo kế hoạch “giảm gánh nặng tài chính” trong năm 2016 và sẽ bán đi một số tài sản để giảm khoản nợ gần 2,2 tỷ USD cũng như cắt lỗ khoảng gần 4,3 tỷ euro.
Theo Bloomberg, cổ phiếu của tập đoàn Pháp vừa hạ xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua sau khi giảm hơn 50% trong 12 tháng vừa rồi. Ước tính, chuỗi Big C tại Thái có thể đem về hơn 3 tỷ USD, còn tại Việt Nam có thể được 800 triệu USD. Tùy vào mức nhận được trong lần chốt giá đầu tiên ngày 5/2 mà Casino sẽ quyết định bán gộp chuỗi Big C ở cả hai nước hoặc tách ra bán riêng.

Theo nghiên cứu của Hãng phân tích Barclays, Big C là một tài sản có giá trị cao với tỷ suất lợi nhuận dự báo trong năm 2016 là 6,7% trong khi đó công ty mẹ Casino chỉ đạt 3,4%. Mặt khác, đại diện Big C tại Thái Lan khẳng định hoạt động của họ sẽ không chựng lại mà vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống kinh doanh bán lẻ của mình. “Trong năm 2016, Big C sẽ mở thêm hơn 80 trung tâm lớn nhỏ”, Giám đốc tiếp thị truyền thông của Big C Thái Lan Warunee Kitjaroenpoonsin cho biết. Đại diện Big C Việt Nam cũng đã ra tuyên bố tương tự.

Người lạ mà quen

Big C tại Việt Nam đang là mục tiêu của Berli Jucker, công ty hàng đầu khu vực về kinh doanh tiêu dùng thuộc Tập đoàn TCC Holding. “Chúng tôi đang tích trữ đầu tư nước ngoài và mở rộng tại các thị trường đang phát triển mạnh trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam để bù đắp phần thiếu hụt do nhu cầu thấp tại nội địa”, Giám đốc quản lý đầu tư của Berli Nutt Hathai cho biết.

Người sở hữu TCC Holding là tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ nhì Thái Lan với tài sản ròng ước tính 10,2 tỷ USD, theo số liệu tới ngày 26.1 của tạp chí Forbes. Tập đoàn này đã mua lại trung tâm thương mại cao cấp Rinascente của Ý năm 2011 và trung tâm thương mại Illum của Đan Mạch năm 2013. Ngoài ra, TCC còn thâu tóm công ty chế biến thực phẩm Fraser&Neave (Singapore) vào năm 2013. Đặc biệt, vào đầu tháng 1.2016, Tập đoàn Metro (Đức) thông báo đã bán mọi tài sản của hệ thống Metro Việt Nam cho TCC Holding với giá 704,1 triệu USD.

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp với TCC Holding trong thương vụ Big C là “ông trùm” bán lẻ Central Group. Thật ra, Central chẳng xa lạ gì vì Big C chính là “con đẻ” của tập đoàn này từ năm 1993. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 1997, Central phải bán lại Big C cho Casino Group nhưng luôn nuôi ý định “châu về Hợp Phố” để thống lĩnh thị trường bán lẻ khu vực. “Central có tham vọng xây dựng hệ thống đại siêu thị (hypermarket).

Nếu mua lại được Big C, đế chế của Central càng hùng mạnh hơn rất nhiều”, một nguồn tin trong ngành tiết lộ. Đối với thị trường Việt Nam, Central Group cũng “lên kế hoạch tấn công” từ lâu. Trung tâm thương mại Robinson thuộc tập đoàn này đã có mặt tại Việt Nam và năm 2015, Central Group mua lại 49% cổ phần của hệ thống bán lẻ hàng điện tử Nguyễn Kim.
Ngoài ra, còn có một “ông lớn” khác tuy không quyết liệt tham gia nhưng vẫn âm thầm “quan chiến”. Đó là Aeon Thái Lan thuộc Tập đoàn Aeon (Nhật Bản). Một nhà điều hành của Aeon Thái Lan cho biết họ đang có kế hoạch đầu tư lớn để mở rộng kinh doanh bán lẻ trong 5 năm tới. Vì vậy, Big C cũng là một mục tiêu hấp dẫn. “Chúng tôi sẽ mua nếu giá cả hợp lý”, ông này cho biết.

“Chúng tôi cũng chỉ biết qua báo chí” Big C vào Việt Nam năm 1998 và đến nay đã có 32 siêu thị cùng 10 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Năm 2015, Big C có 3 siêu thị lọt vào danh sách V1.000 - Top 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất Việt Nam năm 2015 là Big C Thăng Long (hạng 5), Big C An Lạc (7) và Big C Đồng Nai (8). Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp, Big C Thăng Long và Big C An Lạc có mặt trong bảng xếp hạng V1.000.
Tuy đại diện Big C Việt Nam khẳng định kế hoạch rao bán của Casino Group sẽ không gây ảnh hưởng đến các hoạt động hiện tại ở Việt Nam và các kế hoạch đầu tư đã xây dựng nhưng thông tin Big C Việt Nam sẽ vào tay các đại gia Thái Lan khiến giới doanh nghiệp Việt Nam vô cùng lo lắng về đầu ra của hàng hóa.
Chiều 26.1, trả lời Thanh Niên, một lãnh đạo phụ trách truyền thông của Big C Việt Nam cho biết: “Theo thông tin mà chúng tôi nhận được từ tập đoàn mẹ thì đến thời điểm này chưa có diễn biến gì mới. Còn việc người Thái muốn mua lại Big C chúng tôi cũng chỉ biết thông tin qua báo chí. Có thể họ cũng quan tâm và thương thảo với công ty mẹ, việc này chúng tôi không được biết “.

Chí Nhân

Lam Yên

Theo thanhnien.vn

Pin It
Robert Anthony

"Đối nghịch với lòng can đảm không phải là sự hèn nhát mà là sự phục tùng"

User Menu