Trước nguy cơ nhiều siêu thị rơi vào tay doanh nghiệp ngoại cùng với khả năng mất thị trường, doanh nghiệp Việt Nam thường có 3 sự lựa chọn: Cầu cứu Chính phủ, Liên kết với nhau, hoặc Bán mình. “Đi nhanh thì còn sống. Đi nhanh thì còn thương hiệu. Đi nhanh thì nó còn cần đến mình...”, TS. Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh.
Tại kênh siêu thị điện máy, Tập đoàn Central (Thái Lan) hoàn tất mua 49% cổ phần Nguyễn Kim. Tập đoàn Nojima (Nhật Bản) sở hữu gần 31% cổ phần Trần Anh.
Tại kênh siêu thị bán lẻ, Aeon của Nhật đầu tư vào Citimart và Fivimart với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 49% và 30%, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại Metro Cash & Carry. Xét riêng về số siêu thị mở mới, trong khi Lotte Mart dự kiến mở tới 60 siêu thị tới năm 2020 thì Aeon đặt mục tiêu khiêm tốn hơn – 20 đại siêu thị, nhưng kèm theo 500 siêu thị mang tên Aeon-Citimart đến năm 2025, chưa kể đến chuỗi siêu thị mang tên Aeon-Fivimart...
“Tôi không quan tâm nhiều đến việc đổi chủ. Nhưng nguy cơ lớn nhất trong cuộc đổ bộ của doanh nghiệp nước ngoài vào mảng bán lẻ là bóp chết mảng sản xuất của nước mình. Đấy mới là thách thức lớn!”, TS. Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh – ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết.
TS. Phan Chí Anh. Ảnh: VietQ.
Vì đâu bán lẻ đứng đầu trong hoạt động M&A ở Việt Nam?
* Theo số liệu thống kê, tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm tăng gần 9%, cao nhất so với tốc độ tăng bình quân của cùng kỳ trong 4 năm trở lại đây. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng bán lẻ tại Việt Nam?
TS. Phan Chí Anh: Đằng sau con số 9% tăng trưởng vẫn còn rất, rất nhiều cơ hội, vẫn còn những khoảng trống, các cơ hội để chúng ta phát triển nhiều hơn thế nữa. Siêu thị đi về nông thôn, bám theo các đường cao tốc, các trạm dừng chân, khu du lịch, ví dụ như đi vào trường học, các khu công nghiệp... Tất cả chúng ta mới trong giai đoạn đầu tiên, mới chỉ nhìn thấy bề nổi.
* Liệu có phải vì tính hấp dẫn này mà bán lẻ là một trong những ngành đứng đầu trong thu hút M&A (mua bán – sáp nhập) từ các nhà đầu tư nước ngoài?
Tôi thấy việc thâu tóm của các nhà bán lẻ, các tập đoàn tài chính có 2 nguyên nhân.
Một là, dù kinh tế khó khăn đến mấy thì tốc độ phát triển kinh tế nước ta vẫn tăng lên, tỷ lệ người trẻ tuổi ở Việt Nam tăng lên, và sức mua cũng tăng lên. Đây vẫn là một thị trường tiềm năng mà những nhà đầu tư nước ngoài có đủ tiền và đủ sức kiên nhẫn có thể đợi một vài năm nữa, khi thị trường đã đủ chín.
Thứ 2, xu thế thâu tóm hiện nay thể hiện: Cấu trúc chuỗi cung ứng đã thay đổi.
Ngày xưa, chuỗi cung ứng gồm: Nhà sản xuất => Nhà phân phối => Siêu thị, thường bị cắt khúc.
Còn bây giờ, các nhà sản xuất có thể quản trị toàn bộ chuỗi cung ứng, từ đầu vào nguyên liệu cho đến khâu sản xuất, vận tải, phân phối, và cuối cùng đến khâu bán lẻ. Đấy là cách để làm chủ thị trường. Các nhà sản xuất sẽ không bị phụ thuộc vào thị trường và sự “đỏng đảnh” của các nhà phân phối.
Nếu để ý, các nhà bán lẻ vào Việt Nam không chỉ thâu tóm các siêu thị mà còn đưa hàng của họ vào, đấy mới là nguy cơ của thị trường bán lẻ Việt Nam. Còn nếu chỉ đổi chủ, tôi nghĩ không có vấn đề gì, thậm chí còn tốt. Người tiêu dùng Việt Nam hưởng lợi rất nhiều từ chuyện này. Chủ đầu tư nước ngoài hiển nhiên là dịch vụ sẽ tốt hơn. Nhưng vấn đề là người ta vào đây có bán lại mặt hàng cũ đó không, hay người ta đưa hàng hóa nào vào.
Tôi không quan tâm nhiều đến chủ, mà quan tâm người ta bán thế nào, bán cái gì.
Nhà sản xuất Việt làm ngơ?
* Một xu hướng cách đây không lâu là nhiều siêu thị đã bán các nhãn hàng của riêng họ...
Tất nhiên. Với sự thâu tóm như thế này, Aeon vào Việt Nam thì 70% hàng hóa vào siêu thị của họ sẽ mang nhãn mác Top Value (sản phẩm mang thương hiệu riêng của Aeon - PV), có thể hàng hóa này sản xuất tại Việt Nam nhưng mang thương hiệu Aeon.
Đấy là vấn đề chung của hàng hóa sản phẩm Việt Nam, chứ không phải của anh bán lẻ. Mình giải quyết được "cái chân" là dịch vụ để bán lẻ Việt Nam tồn tại, đứng vững và phát triển được, từ đấy mới thúc đẩy được sản xuất.
Bán lẻ Việt Nam mà phá sản thì nhiều khả năng sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng. Đấy mới là vấn đề.
* Kênh bán lẻ truyền thống thì sao?
Vẫn tiếp tục phát triển, nhưng sẽ dành cho nhà sản xuất Việt Nam. Với sự thâu tóm của doanh nghiệp ngoại, các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường bán lẻ hiện đại rất khó, mà đi vào thị trường truyền thống và các kênh khác.
Sản phẩm Việt sẽ không len được vào các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi..., mà chỉ đi vào các kênh như chợ và các tiệm tạp hóa truyền thống. Ảnh: báo Đồng Nai.
Sản phẩm Việt sẽ không len được vào các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi..., mà chỉ đi vào các kênh như chợ và các tiệm tạp hóa truyền thống. Ảnh: báo Đồng Nai.
Vấn đề ở đây, đáng lẽ các nhà sản xuất Việt Nam phải quan tâm, vì để doanh nghiệp ngoại vào, anh sẽ không còn thị trường nữa.
* Có vẻ các nhà sản xuất Việt Nam vẫn chưa có động thái nào?
Các nhà sản xuất đang... ngồi xem.
Có nhiều nhà sản xuất cho rằng mô hình kinh doanh của tôi là B2B (Business to Business - Doanh nghiệp tới doanh nghiệp), không phải B2C (Business to Customers - Doanh nghiệp tới khách hàng), tôi bán cho doanh nghiệp sản xuất khác chứ có phải tôi mang ra chợ đâu. Nhưng anh đừng quên, khi doanh nghiệp kia không bán được hàng thì mảng sản xuất của doanh nghiệp anh cũng bị ảnh hưởng. Không có tiêu thụ thì không có sản xuất.
* Có sáng kiến về việc thành lập một hiệp hội cung ứng nhằm gây sức ép với các rào cản kỹ thuật của các nhà bán lẻ nước ngoài. Theo ông, phương án này có khả thi?
Theo tôi, đứng trước vấn đề này, doanh nghiệp Việt Nam thường có 3 lựa chọn:
Thứ nhất, cầu cứu Chính phủ, tìm mọi cách để có chính sách có lợi cho mình.
Thứ hai, các doanh nghiệp liên kết lại với nhau.
Thứ ba, cũng là cách “khôn” nhất, đi nhanh với nước ngoài. Đi nhanh thì còn sống. Đi nhanh thì còn thương hiệu. Đi nhanh thì người ta còn cần đến mình...
Cái chính là người ta trả giá bao nhiêu, và bán thì còn tồn tại được không, tồn tại dưới hình thức nào, chia phân khúc thị trường ra sao...
* Xin cảm ơn ông!
Tổng mức bán lẻ tăng cao nhất 4 năm trở lại đây
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Tống kê, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân (tăng 0,86%), tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm nay đã tăng gần 9%, cao nhất so với tốc độ tăng bình quân của cùng kỳ trong 4 năm trước đây.
Đà cao lên của tổng mức bán lẻ trong 7 tháng đầu năm, cộng với các yếu tố tác động trong thời gian tới là tín hiệu khả quan để cả năm tốc độ tăng tổng mức bán lẻ (đã loại giá) có thể vượt qua mốc 9,5%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng bình quân năm của thời kỳ 2011-2014.
Nguyên Bảo
Theo Trí Thức Trẻ