Nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dang hóa thị trường xuất khẩu là 2 giải pháp cấp thiết cần bắt tay thực hiện để có được thế chủ động phát triển theo hướng hội nhập sâu với thế giới một cách bền vững.

 

Từ trái qua: Chuyên gia kinh tế Lương Văn Lý; chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh; ông Nguyễn Chánh Phương - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Đồ gỗ TP.HCM; ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Da Giày TP.HCM.

Đó là những vấn đề chính rút ra sau Hội thảo "Doanh nhân và chủ quyền kinh tế" do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng 9 hội ngành nghề của TP.HCM tổ chức diễn ra sáng 11/6, với sự tham gia của các diễn giả: Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh; chuyên gia kinh tế Lương Văn Lý; ông Phạm Hồng Hải - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam; ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Da Giày TP.HCM; ông Nguyễn Chánh Phương - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Đồ gỗ TP.HCM.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo chuyên gia Kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, để giữ được nền kinh tế độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, chúng ta cần có một nền kinh tế vững mạnh, nắm rõ luật khi tham gia hội nhập, có quyết tâm chính trị cao và năng lực thực thi các chính sách đổi mới.

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh tại Hội thảo

TS. Doanh cho biết, có 2 loại hội nhập, hội nhập chủ động là dựa vào năng lực cạnh tranh như các thương hiệu mạnh, khoa học công nghệ tiên tiến để thu hút đầu tư. Hội nhập thụ động là chỉ có lao động giá rẻ, tài nguyên và để thu hút được đầu tư thì cần phải có thêm các chính sách ưu đãi như giảm thuế, hạ giá thành v.v... Và rõ ràng trong thời gian qua Việt Nam có hội nhập nhưng vẫn thụ động.

Để cải thiện được tình hình này, TS. Doanh đã đưa ra các giải pháp sau:

  • Tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch. Hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn được nhiều ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp tư nhân.
  • Thực hiện các chính sách cải cách, hỗ trợ cho các thương hiệu, doanh nghiệp dân tộc.
  • Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghệ để từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng sản xuất.
  • Cần dựa vào các nước lớn mạnh để thu hút nhân tài, khoa học công nghệ hiện đại để tạo nên sự khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh.
  • Đa dạng hóa mối quan hệ với các đối tác, không để phụ thuộc vào một đối tác.

Đa dạng thị trường xuất khẩu
Ông Phạm Hồng Hải - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam cho biết, theo các nghiên cứu của HSBC thì hiện nay tiêu dùng nội địa của Việt Nam đang giảm do ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là sự kiện biển Đông. Vì vậy hoạt động giao thương là con đường giúp Việt Nam thoát khỏi khó khăn như hiện nay.

Kết quả nghiên cứu của HSBC cho thấy, hiện nay các nền kinh tế Mỹ, châu Âu, Nhật đang có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Tuy nhiên đây cũng là những thị trường đòi hỏi chuẩn mực chất lượng sản phẩm rất cao, đòi hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam phải có những chiến lược để có thể thâm nhập vào các thị trường này.

Xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng rất tốt trong những năm gần đây, đặc biệt là các ngành da giày, dệt may, linh kiện điện tử. Giá trị xuất nhập khẩu sẽ tăng cao hơn nữa khi Việt Nam gia nhập TPP. Tuy hưởng được lợi thế gia tăng xuất nhập khẩu nhưng Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực cải cách rất lớn khi hội nhập với quốc tế.

Bên cạnh đó, lợi thế nhân công giá rẻ và nguồn tài nguyên dồi dào chỉ đem lại giá trị lợi ích thấp, không bền vững. Do đó, chúng ta cần gia tăng các giá trị nội tại thông qua nguồn vốn đầu tư FDI, tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.

PHẠM NHUNG/DNSG

Pin It
Robert Schuller

"Bạn sẽ dám làm điều gì vĩ đại nếu bạn biết bạn không thể thất bại?"

User Menu