Thay vì chỉ gói gọn ở trong nước, nước ngoài mới là thị trường chính được Viettel tiêu thụ điện thoại thương hiệu Việt do mình sản xuất.
Cơ hội lớn ở thị trường ngoại quốc
Trong những năm trở lại đây điện thoại thương hiệu Việt thường xuyên đối diện với câu hỏi "Làm thế nào để tồn tại ?". Hầu hết các doanh nghiệp dù lớn dù nhỏ trong lĩnh vực này luôn hoạt động theo cách cầm chừng, đến đâu hay đến đó mà không có định hướng cụ thể cho sự phát triển dài hạn.
Tuy nhiên cách làm "cũ" với thế giới nhưng "mới" với Việt Nam của Viettel là cửa sáng cho các doanh nghiệp trong ngành này học tập. Theo đó, hãng quân đội chú trọng phân phối sản phẩm di động của mình tại thị trường nước ngoài thay vì chỉ tập trung vào trong nước vốn đã quá chật chội.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, hiện chỉ có 10% số điện thoại được tập đoàn này sản xuất ra là bán cho thị trường trong nước, còn lại đều được cung cấp cho thị trường nước ngoài. Trong đó chủ yếu là tại các quốc gia mà Viettel đang cung cấp dịch vụ viễn thông như Campuchia, Haiti, Mozambique ...
Theo ông Hùng, thị trường điện thoại trong nước đã đến mức bão hòa, với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu Việt cũng như nước ngoài. Mật độ điện thoại ở Việt Nam đang ở mức rất cao 120%, trong khi đó ở các nước Viettel đang kinh doanh con số này chỉ là 60%.
Hiện nhu cầu sử dụng điện thoại di động ở những nước như Campuchia hay Haiti là rất lớn, đặc biệt là những người thuộc tầng lớp nông dân, không biết tiếng Anh, hiện chưa có hãng nào sản xuất sản phẩm phù hợp với họ cả và đây chính là hướng đi của Viettel, ông Hùng nói về cơ hội của tập đoàn.
Không giống như các hãng điện thoại Việt khác thường chỉ tập trung vào một dòng sản phẩm cố định, Viettel khá linh động có định hướng riêng cho từng thị trường. Mục tiêu của Viettel không phải là làm ra chiếc điện thoại rẻ nhất thế giới, mà là khách hàng cần gì sẽ sản xuất đó, thích máy 2G hoặc 3G giá rẻ đều có sản phẩm tương ứng, ông Hùng cho biết.
Mặc dù vậy ông Hùng cũng lưu ý về tương lai của ngành di động Việt: Hiện nay nếu làm theo những gì thế giới đã làm thì sẽ không có cửa sống, lĩnh vực này đòi hỏi phải sáng tạo, nhanh và cái khó là phải tìm ra sản phẩm độc nhất vô nhị. Viettel có lợi thế là thị trường, hiểu khách hàng nên sản phẩm sẽ được tạo ra nhằm phù hợp cho người dùng.
Không chỉ là bán điện thoại
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực ICT, các hãng điện thoại Việt thường chỉ tập trung vào việc bán sản phẩm thay vì phát triển những dịch vụ giá trị gia tăng quanh nó, đây mới được cho là khoản thu chính trong lĩnh vực này. Phía Viettel cũng có cùng quan điểm như vậy.
Ông Hùng cho rằng, không chỉ tìm kiếm cơ hội phân phối sản phẩm ở nước ngoài, Viettel còn chủ động phát triển những dịch vụ mới nhằm theo kịp sự dịch chuyển của ngành viễn thông. Vị lãnh đạo của Viettel cũng chỉ ra rằng việc tích hợp công nghệ thông tin và viễn thông vào sản phẩm điện tử chuyên ngành đang là hướng đi mới và rất tiềm năng.
Giờ đây, với một chiếc điện thoại, chúng ta có thể thực hiện thực hiện câu chuyện trừ tiền điện theo giờ, cao điểm giá cao, thấp điểm giá thấp, chỉ cần trên điện thoại có cài đặt phầm mềm thích hợp là xong. Việc này không chỉ có lợi ích to lớn cho ngành điện mà nhà mạng hoặc đơn vị sản xuất điện thoại cũng có một số lượng khách hàng lớn là các hộ dùng điện.
Ngoài ra trong lĩnh vực y tế, y bạ điện tử cũng là một nhu cầu cấp thiết. Thay vì sổ khám sẽ rắc rối trong thời gian dài thì y bạ điện tử có thể lưu giữ lịch sử các lần khám tới 50 năm, rất tiện lợi cho quá trình chuẩn đoán bệnh của bác sỹ, ông Hùng nêu ví dụ.
Bình thường nếu yên ổn con người rất ít khi chủ động đi tìm cái mới, khi đang ổn, họ nghĩ đến việc hưởng thụ. Không phải vô cớ mà Steve Jobs luôn nhấn mạnh từ "đói khát" trong triết lý kinh doanh của mình. "Đói khát" là động lực rất quan trọng của quá trình đổi mới sáng tạo. Do đó, để tồn tại, các doanh nghiệp sản xuất điện thoại Việt cần phải thay đổi ngay từ bây giờ, ông Hùng nhấn mạnh.
Nguyễn Lê
Nguồn: VTC News