Sau khi giành ngôi vương tại thị trường taxi TP.HCM, Công ty Ánh Dương (Vinasun) lại chuẩn bị tiến quân ra Bắc để thực hiện tham vọng bành trướng. Tuy nhiên, trở ngại lần này đối với họ sẽ không nhỏ. Thị trường phía Bắc vốn là thành trì khó công phá, từng khiến không ít doanh nghiệp phía Nam phải ngậm ngùi.
Không chỉ có vậy, sự trỗi dậy âm thầm của Mai Linh cũng không thể xem thường.
Bành trướng
Gia nhập thị trường từ năm 2003 với vài chục chiếc xe, chưa đầy 10 năm sau, Vinasun đã qua mặt Mai Linh để chiếm ngôi vua tại thị trường lớn nhất nước là TP.HCM. Hiện Vinasun chiếm đến 45% thị phần taxi tại TP.HCM. Còn tính chung khu vực miền Nam, gồm cả những địa bàn như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu... thì ông vua này đang nắm tới 60% thị phần trong tay.
Để duy trì được vị thế hiện tại, Vinasun đã có chiến lược mở rộng và nhắm tới thị trường miền Bắc, cụ thể là Hà Nội. Ở Đại hội Cổ đông hồi tháng 8.2013 của Vinasun, ông Chủ tịch Đặng Phước Thành rất tự tin khi cho biết đã nghiên cứu thị trường này trong 3 năm liền. Theo đó, tham vọng của Vinasun là lập lại trật tự thị trường taxi Hà Nội.
Hà Nội hiện có hơn 100 hãng taxi hoạt động, nhiều chủng loại xe và giá cước cũng rất lộn xộn. Một số tài xế đã vẽ đường để tăng cước, để lại ấn tượng không tốt với khách hàng. Khi có mặt ở đây, ít nhiều Vinasun cũng sẽ phải chấp nhận mang tiếng chung. Ngoài ra, đường phố Hà Nội chật hẹp và văn hóa giao thông cũng có nhiều khác biệt so với TP.HCM nên chắc chắn Vinasun sẽ cần có một sách lược vận hành mới.
Trong kinh doanh, khác biệt văn hóa là vấn đề không thể xem nhẹ. Hầu hết những doanh nghiệp phía Nam khi mở rộng thị trường ra Hà Nội đều gặp nhiều trở ngại do khác biệt văn hóa. Điển hình là trường hợp Nhựa Bình Minh (BMP).
Năm 2007, khi nhận thấy năng lực của các doanh nghiệp nhựa phía Bắc chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, BMP đã đầu tư nhà máy sản xuất tại đây. Thế nhưng sau 6 năm hoạt động, đến nay Nhựa Bình Minh miền Bắc vẫn chưa tìm được miếng bánh thị phần đủ ưng ý dù đã thực hiện nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn tương tự phía Nam. Lợi nhuận năm 2013 của công ty con này chỉ đạt hơn 8 tỉ đồng với biên lợi nhuận ròng chỉ 5%, thấp hơn nhiều so với trung bình ngành là khoảng 15%.
Dự kiến tiến đánh miền Bắc trong năm 2014, Vinasun cũng đang chuẩn bị tài chính để triển khai kế hoạch này. Theo đó, Công ty sẽ phát hành 3 triệu cổ phiếu với giá bán thấp nhất 44.000 đồng/cổ phiếu. Hội đủ nhiều điều kiện để mở rộng địa bàn hoạt động, nhưng Vinasun chắc chắn phải tiếp tục củng cố thành trì miền Nam khi Mai Linh, đối thủ lớn nhất đang âm thầm hồi sinh.
Nỗi lo Mai Linh
Sau quá trình tái cơ cấu quyết liệt, Mai Linh đã có lãi trở lại trong năm 2013 và có thể được xem là mối lo đáng ngại của Vinasun. Ông Hồ Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh, cho biết Công ty đang sở hữu 12.000 xe taxi trên toàn quốc với gần 27.000 lao động. Theo ông Huy, Mai Linh đã vượt qua khó khăn và đạt mức lợi nhuận sau thuế 50 tỉ đồng trong năm 2013.
Số lượng xe tại từng thị trường của Vinasun.
Theo một nguồn tin không chính thức, quá trình tái cấu trúc của Mai Linh đã mang lại hiệu quả, ít nhất là ở thị trường TP.HCM. Trong 3 năm qua, Mai Linh đã bán gần 2.000 xe cho các tài xế với giá 350 triệu đồng/chiếc, tổng giá trị trên 700 tỉ đồng.
Ngoài ra, Mai Linh còn thu phí 1,5 triệu đồng/tháng với hệ thống bộ đàm mỗi xe. Những khoản thu này sẽ được tăng thêm, vì từ năm 2014, Mai Linh sẽ thu thêm 3 triệu đồng/xe tiền thương quyền với các xe đã bán. Đáng chú ý nhất, Mai Linh sắp tung ra thị trường TP.HCM khoảng 500 xe mới loại Innova G. Đây là loại taxi hiện đại nhất hiện nay với hệ thống trang thiết bị phục vụ hoàn toàn tự động. Những thay đổi này ít nhất cũng là mối đe dọa với thị phần số 1 của Vinasun.
Nhìn nhận về khả năng này, Trưởng phòng Phân tích một công ty chứng khoán cho rằng dù Vinasun cần chú ý đến mối đe dọa đến từ Mai Linh nhưng trong ngắn hạn, họ sẽ không phải lo nhiều về ngôi vị số 1 của mình. Trên thực tế, Vinasun vẫn đang củng cố vị thế khi tiếp tục theo đuổi kế hoạch gia tăng số lượng xe và thanh lý xe cũ mỗi năm. Đại diện Vinasun còn cho biết họ sẽ đầu tư thêm 900 xe mới thay thế xe cũ trong năm 2014, đảm bảo chất lượng dịch vụ và tiếp tục phát triển các điểm tiếp thị mới.
Cần biết rằng, để đầu tư phát triển đội xe, các doanh nghiệp taxi đều cần phải dựa vào vốn vay. Khi nhìn vào tỉ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính, sự khác biệt giữa Vinasun và Mai Linh là khá lớn. Trong khi Vinasun cân bằng tỉ lệ giữa vốn vay và vốn tự có ở mức khoảng 0,6 lần để mua xe, thì tỉ lệ này ở Mai Linh lên đến 5,29 lần theo Báo cáo Tài chính đã kiểm toán năm 2012 của 2 công ty.
Chính vì vậy, dù đã có lãi trở lại nhưng Mai Linh vẫn còn nợ và lỗ lũy kế khá lớn, nên sẽ khó đi nhanh được. Cụ thể, tính đến cuối năm 2012, Mai Linh lỗ lũy kế trên 480 tỉ đồng, tương đương 55% vốn điều lệ. Thêm vào đó, tổng các khoản nợ phải trả của Mai Linh lên tới hơn 4.600 tỉ đồng, bằng 84% tổng tài sản. Trong đó, các khoản nợ (vay ngân hàng, vay các đối tượng khác) là hơn 2.500 tỉ đồng. Dù Mai Linh đã đưa ra phương án phát hành cổ phiếu nhằm huy động thêm 1.000 tỉ đồng nhưng kết quả chưa mấy khả quan.
Có thể nói, Mai Linh dù khó đi nhanh ngay nhưng với nền tảng của ngôi vương từng nắm giữ, họ hoàn toàn có khả năng giành lại thị phần ở TP.HCM khi hoàn toàn hồi phục. Rõ ràng, ngoài việc nghĩ đến việc bành trướng ra Bắc, chắc hẳn Vinasun cũng phải lưu ý đến sự trở lại của Mai Linh.
Giản Phúc
Nguồn: Nhipcaudautu