Được xem là một cường quốc về may mặc, đứng trong top 10 các nước xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới, nhưng thị trường thời trang nội địa lại nghiêng hẳn về hàng nước ngoài.
Sự phát triển mang tính bề nổi này chính là rào cản lớn đối với những nỗ lực nhằm đẩy thương hiệu thời trang Việt lên một tầm cao mới.
"Thua" về giá
Hội chợ Thời trang Việt thường xuyên diễn ra nhằm mục đích quảng bá sản phẩm dệt may Việt Nam đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may trong nước mở rộng quan hệ, liên kết hợp tác trong việc sản xuất kinh doanh, liên kết chuỗi cung ứng trong nước và từng bước tiếp cận với các khách hàng quốc tế ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, những cuộc "trình diễn" này chưa thuyết phục được người tiêu dùng. Chúng ta chưa thể cạnh tranh về giá với sản phẩm thời trang ngoại. Theo điều tra do chính người tiêu dùng thực hiện, ở các chợ như An Đông, Tân Bình (TP.HCM), hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan... chiếm đa số. Từ đây, nguồn hàng tỏa ra các tỉnh thành. Trong khi sản phẩm may mặc từ các nước láng giềng cạnh tranh ở phân khúc giá trung bình thấp thì sự hiện diện của các thương hiệu ngoại như GAP, Gucci, Levi's, Mango, Bosini,... lại chiếm dần phân khúc trung và cao cấp.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thị trường tiêu thụ nội địa có rất nhiều tiềm năng với hơn 90 triệu dân và tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 15 - 20%/năm, nhưng phần lớn doanh nghiệp (DN) trong nước chỉ chú trọng xuất khẩu. Một số DN được xem có chỗ đứng trên thị trường nội địa như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10... cũng chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở trung bình dành cho nam giới.
Thương hiệu trung bình dành cho cả nam và nữ giới có thể kể đến như Thời trang Việt, Foci, Việt Thy, Blue Exchange,... cũng có thị phần khá khiêm tốn. Chưa có một thương hiệu thời trang VN nào đủ mạnh và đáp ứng được nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng như những thương hiệu lớn của nước ngoài: Zara, GAP, Mango, Uniqlo... Thế nên, người tiêu dùng vẫn có thói quen hướng đến những sản phẩm thương hiệu ngoại giá bình dân. Không thể trách người tiêu dùng mà chỉ có thể chấp nhận sự thật, thời trang nội chưa thể tiến tới đẳng cấp "ngon - bổ - rẻ" trong thời khủng hoảng.
Hình thức "lép vế"
Các chuyên gia trong ngành dự báo không xa nữa các hãng thời trang nước ngoài với phân khúc phổ thông như Zara, Uniqlo, H&M chính thức vào VN sẽ là một thách thức lớn cho các DN thời trang trong nước, do các thương hiệu này đã quá nổi tiếng, có hệ thống phân phối trải dài ở nhiều nước nên giá cả khá cạnh tranh. Đặc biệt, đội ngũ thiết kế của họ luôn "trên cơ" các DN VN. Khi đó, sự tham gia ồ ạt của các thương hiệu nước ngoài sẽ khiến các thương hiệu thời trang trong nước lụi tàn dần.
Hơn nữa, trong khi chúng ta chưa kịp "phòng thủ" thì đối thủngày càng mạnh, những đơn vị đang sản xuất thời trang ở cả phân khúc hàng trung bình khá và cao cấp đều phải đối đầu với hàng nhập khẩu. Đặc biệt, hàng hiệu của các nước Mỹ, Nhật nhưng đang sản xuất tại nước thành viên TPP như Malaysia, Peru, Mexico, Chile... sẽ nhập khẩu mạnh vào VN với giá hoàn toàn rẻ hơn hiện nay. Có thể nói, hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ đều rơi vào cảnh "lực bất tòng tâm" dù thấy trước nguy cơ mất thị phần.
Những thương hiệu thời trang ngoại đã tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng luôn "đắt khách", nhưng cũng phải thừa nhận, nhiều thương hiệu mới nổi lên cũng đã nhanh chóng hút khách, điểm mạnh của họ không hẳn là mức giá cạnh tranh, mà hình thức mới chính là sức hút quan trọng nhất. Bản chất của thời trang là không ngừng thay đổi, thế nên yếu tố "ăn chắc mặc bền" không còn quan trọng nữa, vấn đề là hình thức phải đẹp, phải bắt mắt. Xét ở khía cạnh này thì thời trang Việt lại "thua" thêm một lần nữa. Nhiều năm nay, dạo quanh các khu trưng bày và bán sản phẩm thời trang Việt, người tiêu dùng cảm nhận rất rõ sự buồn tẻ về xu hướng, có cảm giác đội ngũ các nhà thiết kế không chịu sáng tạo.
Thiếu những mắt xích
Mặt khác, nếu nói rằng thời trang Việt thiếu sức hút vì không nhanh nhẹn trong vấn đề cập nhật xu hướng thì đó là cái nhìn chưa toàn diện. Công bằng mà nói, cập nhật xu hướng là "năng khiếu" của chúng ta. Tất cả những gì liên quan đến lĩnh vực thời trang đều được "phổ cập" tại Việt Nam, từ những chương trình tìm kiếm nhà thiết kế theo format ngoại cho đến những cuộc thi người mẫu chuyên nghiệp,... đều nhằm mục đích hướng người tiêu dùng quan tâm hơn đến thời trang trong nước. Vấn đề ở chỗ, những cuộc thi này "nặng" về giải trí mà chẳng mấy quan tâm đến mục đích chính. Vì thế, các cuộc thi mọc lên như nấm nhưng "bói không ra" những gương mặt đủ bản lĩnh để có thể tiếp nối thế hệ tiền bối như Minh Hạnh, Lan Hương, Đỗ Hoàng, Thuận Việt... Hoặc nếu có tài năng thiết kế thì cũng chỉ để phục vụ cho số ít. Một số nhàthiết kếtrẻ tài năng hiện nay đều mở cửa hàng riêng và chỉ phục vụ cho khách hàng của mình, có thể là những đối tượng tiêu dùng đặc biệt như giới showbiz mà thôi. Trong khi đó, xây dựng đội ngũ thiết kế với khả năng nắm bắt nhanh xu hướng thời trang thế giới để thay đổi mẫu mã phù hợp để có thể cạnh tranh được ngay "sân nhà" vẫn là một khó khăn đối với các doanh nghiệp thời trang lớn trong nước.
Một sản phẩm thời trang tốt cần hội tụ những yếu tố: nhà thiết kế, chất liệu, công nghệ và chiến lược. Thị trường của ta không thiếu bất kỳ yếu tố nào, vấn đề là chúng ta thiếu những mắt xích để liên kết chúng. Có ý kiến cho rằng, chúng ta cần một nền giáo dục về công nghiệp thời trang hoàn chỉnh và đồng bộ, cần có một đội ngũ thực hiện chuyên nghiệp của các show biểu diễn, để các chương trình biểu diễn thời trang mang đúng tính chất của nó chứ không chỉ là những tiết mục biểu diễn giải trí.
Những "đốm sáng"
Nhưng nếu cứ mải nhìn nhận như trên thì rõ ràng thời trang Việt đang phải đối mặt với một cuộc chiến không cân sức. Vấn đề là làm cách nào đó để hướng "cuộc chiến" sang một ngã rẽ khác. Những khó khăn trước mắt không hẳn là tiêu cực đối với thương hiệu thời trang Việt.
Nhìn ra điểm yếu cũng là một tín hiệu tích cực. Cạnh tranh về giá không còn là yếu tố quan trọng nhất mà phải làm thế nào nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị thêm cho khách hàng như cung cách phục vụ của nhân viên, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối do chính mình thiết lập và kiểm soát.
Theo xu hướng này, việc bắt tay xây dựng mô hình các cửa hàng có quy mô lớn, trưng bày nhiều loại sản phẩm cho đủ phân khúc từ nam đến nữ, từ người lớn đến trẻ em... như xu hướng của các tập đoàn dệt may trên thế giới mới là vấn đề cấp thiết, nhằm giới thiệu và đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng ở các tỉnh, thành trên cả nước. Có lẽ, cạnh tranh theo xu hướng này sẽ mang đến hiệu quả thiết thực hơn "cuộc chiến" về giá và mẫu mã với những sản phẩm thời trang ngoại.
Kiều My
Nguồn: báo Văn hóa