Thị trường hồi phục, hàng không kinh doanh khởi sắc. Năm 2013 chứng kiến cuộc so găng quyết liệt giữa Vietnam Airlines và VietjetAir, bước đầu ghi nhận mô hình hàng không giá rẻ đang có nhiều lợi thế.
Năm nay, thị trường hàng không Việt Nam được nâng đỡ nhờ sự hồi phục mạnh mẽ trong năm 2013 khi tổng lượng khách ước đạt 29,5 triệu người và 630.000 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 16,7% và gần 20% so với năm 2012.
Sự kiện Bộ Giao thông Vận tải - đơn vị chủ quản, cơ quan đại diện vốn nhà nước tại Vietnam Airlines chuyển qua dùng máy bay giá rẻ là dấu hiệu cho thấy lợi thế của hàng không giá rẻ và nguy cơ mất thị phần của mô hình hàng không truyền thống. Nhìn vào cuộc cạnh tranh này qua hai đại diện tiêu biểu nhất nhiều người đã ví rằng: thị phần hàng không mà Vietnam Airlines đã từng chiếm giữ gần như toàn bộ đang bị VietjetAir xẻ thịt dần dần.
Bóc tách số liệu lời lãi
Cách đây nửa tháng, Bộ trưởng Bộ GTVT thông báo các hãng hàng không nội địa năm nay đều có lãi.
Bất chấp kinh tế khó khăn, sự cạnh tranh gay gắt của hàng không giá rẻ, kết quả kinh doanh năm 2013 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đều khá khả quan. Doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 72.555 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 533 tỷ đồng, tăng 34% so với kế hoạch. Tính ra, công ty mẹ Vietnam Airlines lãi khoảng 140 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm ngoái - bước tăng trưởng khá ấn tượng sau 3 năm trì trệ.
Đó là nhờ năm qua, hãng đã thực hiện 114.000 chuyến bay, với 15 triệu lượt khách. Đáng chú ý nhất là hệ số sử dụng ghế trên toàn mạng ước đạt 79,5%, tăng 2,8% so với kế hoạch và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Hàng không VietjetAir đến thời điểm này vẫn chưa công bố lợi nhuận, song nguồn tin từ hãng cho hay năm 2013 đã vận chuyển hơn 3,2 triệu hành khách, tăng xấp xỉ 3 lần so với năm ngoái.
Còn theo công bố trước đó của ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietjetAir, thì 7 tháng đầu năm qua, hãng đạt lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở đây cần bóc tách các số liệu về doanh thu và lợi nhuận. Lợi nhuận của Vietnam Airlines được tính cả dịch vụ mặt đất, xăng dầu hàng không, xuất nhập khẩu... chứ không đơn thuần chỉ kinh doanh vận tải. Chính lãnh đạo Vietnam Airlines nhiều lần thừa nhận khai thác nội địa thua lỗ và bù lại nhờ một số đường bay quốc tế có lãi. Phần lớn lợi nhuận của hãng là đến từ các dịch vụ mặt đất.
Trong số 140 tỷ đồng lãi của Vietnam Airlines năm 2013 thì có bao nhiêu từ hoạt động khai thác bay, đặc biệt là sự đóng góp đáng kể từ đường bay quốc tế?.
Còn nhớ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hé lộ thông tin Vietnam Airlines là một trong số những DN xin không điều chỉnh tỷ giá đến 31/12/2013, nếu "không sẽ chuyển lãi thành lỗ hết".
Hơn nữa, thực tế thì năm 2011, hãng từng báo cáo lên Cục Hàng không Việt Nam dự kiến lỗ tới 1.787 tỷ đồng trên các đường bay nội địa. Năm 2012 cũng vô cùng khó khăn khi Vietnam Airlines đã 3 lần phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh và ra sức tiết kiệm, cắt giảm chi phí với tổng số lên đến hơn 570 tỷ đồng...
Chưa kể, doanh thu năm nay của hãng còn được cộng thêm các khoản "bất thường" từ bán thanh lý hai máy bay Forker 70 và sử dụng khoản 18 triệu USD hỗ trợ tín dụng đến từ Airbus...
Trong khi đó, VietjetAir chỉ duy nhất kinh doanh vận tải và quý IV/2013 vừa rồi mới khai thác đường bay quốc tế duy nhất đến Bangkok. Hơn nữa, hãng có lợi thế khi chỉ tập trung khai thác những đường bay trục, đường bay đến các điểm du lịch đông khách.
Lợi thế của hàng không giá rẻ
Theo các chuyên gia hàng không, thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa mô hình kinh doanh hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Lợi thế đang nghiêng về bên nào quản lý chi phí hiệu quả, tiết kiệm với bộ máy tinh gọn.
Hàng không giá rẻ đang chiếm hơn 40% thị phần ở Việt Nam.
Kết quả thực tế, năm qua, Hãng hàng không Quốc gia liên tục bị mất điểm về thị phần hàng không nội địa. Theo số liệu mới nhất (tháng 12/2013) từ Cục Hàng không Việt Nam, tại thị trường trong nước, hiện Vietnam Airlines chỉ còn nắm giữ 57,1% thị phần, VietjetAir vươn lên nắm 26,1% (so với 20% hồi tháng 8); Jetstar Pacific Airlines 15,2% và VASCO 1,5%.
Như vậy, riêng thị phần hàng không giá rẻ nội địa ở Việt Nam đã chiếm tới trên 41%, vượt con số dự báo của chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam, với khoảng 35%. Ông còn cho rằng tới đây, con số này còn tăng lên mức 60%.
Chính lãnh đạo Vietnam Airlines cũng thừa nhận, sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ trong việc nỗ lực mở rộng đường bay, đội bay, liên tiếp tung ra các cú giá siêu rẻ... khiến hãng mất đi một lượng khách rất lớn. Bay vé giá rẻ đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn gần đây, buộc hãng cũng phải linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá vé. Dự báo tới đây, cuộc so găng giữa hai mo hình hàng không truyền thông và giá rẻ mà điển hình là Vietnam Airlines với VietjetAir sẽ quyết liệt hơn nữa.
Đại diện VetjetAir cho hay, năm nay hãng dự kiến vận chuyển 6 triệu khách, với trên 37.000 chuyến bay, tăng gấp đôi so với 2013. Khó khăn của hãng hàng không tư nhân này khi mở rộng đội bay và đường bay mới là áp lực về vốn. Ngoài việc thu xếp tài chính với các tổ chức tín dụng, hãng đang rốt ráo chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong một vài năm tới.
Riêng Vietnam Airlines năm nay đặt mục tiêu lợi nhuận rất cao, lên tới hơn 969 tỷ đồng, tăng gần 240% so với năm 2013; trong đó, công ty mẹ lãi 335,4 tỷ đồng...
Song, để duy trì vị thế chủ đạo và dẫn dắt thị trường trên thị trường nội địa, giữ vững thị phần trên các đường bay quốc tế trọng điểm, hãng đang đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sức ép về thời gian phải hoàn thành cổ phần hóa.
Sau khi phương án CPH được duyệt, trong vòng 3 tháng, Vietnam Airlines sẽ phải bán xong cổ phần ưu đãi cho cán bộ nhân viên, rồi xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong nửa cuối năm 2014 trước khi chính thức bán cổ phần cho các đối tác... Việc đạt được lợi nhuận cao có ý nghĩa quan trọng trước khi hãng chào bán cổ phần.
Vietnam Airlines hiện đang triển khai thoái vốn tại 10 hạng mục đầu tư ngoài doanh nghiệp. Hãng đã thu về 370 tỷ đồng sau khi hoàn thành bán cổ phần tại Techcombank, tới đây sẽ là Bảo hiểm Bảo Minh, France Telecom, Công ty Giao nhận kho vận hàng không, Công ty CP Cung ứng dịch vụ hàng không,...
Trong khi đó, Jetstar Pacific sau nhiều năm thua lỗ cũng bắt đầu kinh doanh có lãi nhờ cơ cấu lại tài chính, bộ máy, đổi mới kinh doanh và đội bay... , nhờ đó bớt một phần gánh nặng cho Vietnam Airlines.
Rõ ràng, cạnh tranh gay gắt đã buộc các hãng hàng không nội địa phải thay đổi để thích ứng với "cuộc chơi" mới. Trước mắt, với thế mạnh về kinh nghiệm, lại là cổ đông lớn nhất của hãng giá rẻ Jetstar Pacific - đối trọng của VietjetAir, cộng với sở hữu một hệ thống dịch vụ hậu cần hoàn chỉnh đang cho lợi nhuận cao, Vietnam Airlines sẽ vẫn giữ vị trí cầm trịch. Và trong "cuộc chơi" này, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Theo Ngọc Hà (Theo Vef)