Thời gian gần đây, người tiêu dùng thành phố chứng kiến hàng loạt chuỗi cửa hàng càphê như "mang đi", "mang về" và hàng loạt các quán nhỏ càphê khác khắp các đường phố, ngõ hẻm.
Đặc điểm chung của các quán này là chủ quán "đảm bảo càphê thật".
Thật khó có con số thống kê, nhưng quan sát có thể dễ dàng nhận thấy những quán này khá ăn khách so với các quán kiểu cũ. Xem ra, các tên tuổi lớn như Trung Nguyên, Vinacafe, Nestlé, Highlands Coffee, Starbucks vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thưởng thức càphê. Thị trường còn rộng chỗ cho các nhà kinh doanh mới.
Đến thời điểm này, ngoài các thương hiệu nội địa, thị trường càphê tại Việt Nam có sự góp mặt của nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới. Tuy mỗi thương hiệu có cách tiếp cận thị trường khác nhau, nhưng điểm lại, đa số đều tập trung vào chiến lược tích hợp giữa sản xuất và xây dựng hệ thống quán để giới thiệu sản phẩm đến trực tiếp người sử dụng.
Ðược thành lập từ năm 1998 và chỉ tập trung vào mảng càphê đóng gói, đến năm 2002, quán càphê Highlands Coffee đầu tiên tại TP.HCM được khai trương tại toà nhà Metropolitan, đối diện nhà thờ Ðức Bà, quận 1. Đến nay, hệ thống Highlands Coffee có 40 quán hoạt động trên khắp Việt Nam. Trước khi Starbucks vào Việt Nam vào cuối năm ngoái, Trung Nguyên cũng đổ hàng chục tỉ đồng để đầu tư và nâng cấp chuỗi 55 cửa hàng cao cấp trong cả nước. Mặc dù không thông tin các số liệu về doanh số một cách chính xác, nhưng bà Phạm Thị Điệp Giang, phó giám đốc truyền thông Trung Nguyên, khẳng định: Doanh thu của chuỗi quán cao cấp này đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, song song với sự tiến bộ ngày càng rõ rệt của đội ngũ quản lý, người pha càphê và nhân viên". Ngoài hệ thống quán, Trung Nguyên cũng đang không có đối thủ về thị phần càphê rang xay, trong khi phân khúc càphê hoà tan họ chiếm tới 38% thị phần, 35% thuộc về Vinacafe, Nestle chiếm 22 – 25%, còn lại thuộc về một số thương hiệu khác trong tổng số doanh số khoảng 6.000 tỉ đồng trong năm 2012. Sau quán đầu tiên ở New World Sài Gòn khai trương hồi cuối năm ngoái, Starbucks cũng dự kiến chuẩn bị khai trương quán thứ hai tại President Palace số 93 Nguyễn Du, quận 1 vào đầu tháng 8 tới đây.
Ngày 30.7, thêm một nhãn hiệu càphê nội địa mới toanh ra đời: PhinDeli của công ty cổ phần PhinDeli. Trong đợt tung hàng đầu tiên này, chủ yếu ở hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, tạp hoá, PhinDeli giới thiệu đến người tiêu dùng hai nhóm sản phẩm mà theo PhinDeli gồm siêu sạch và thượng hạng được chế biến từ hạt càphê nguyên chất, đúng chuẩn. Sau đó, PhinDeli dự định bước tiếp theo sẽ mở hệ thống quán tại những thành phố lớn giống như các thương hiệu khác đang làm. Sinh sau đẻ muộn, nhưng ông Đỗ Quốc Tuấn, tổng giám đốc công ty cổ phần PhinDeli cho rằng nhu cầu sử dụng càphê tại thị trường nội địa còn lớn và gia tăng nên PhinDeli không quá bận tâm đến việc phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh, sừng sỏ đã có mặt khá lâu trên thị trường. Theo ước tính của ông Tuấn, với mức tiêu thụ 1,15kg/người/năm, Việt Nam vẫn được coi là nước sử dụng càphê thấp nhất trong số năm quốc gia hàng đầu châu Á, gồm Nhật Bản chiếm tỷ lệ cao nhất với 2,9kg bình quân đầu người/năm, Hàn Quốc đứng thứ hai với 2,42kg, Thái Lan với 1,95kg, Việt Nam và Malaysia cùng là 1,15kg.
Nhận định của ông Tuấn là có cơ sở khi mà thời gian gần đây, người tiêu dùng thành phố chứng kiến hàng loạt chuỗi cửa hàng càphê như "mang đi", "mang về" và hàng loạt các quán nhỏ càphê khác khắp các đường phố, ngõ hẻm. Đặc điểm chung của các quán này là chủ quán "đảm bảo càphê thật".
Thị trường hứa hẹn sẽ có thêm nhiều đối thủ mới nhảy vào...
HOÀNG BẢY
Một cuộc khảo sát về thị thường càphê tại Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á được công ty nghiên cứu thị trường Mintel công bố hồi đầu năm 2013 cho thấy, Việt Nam là quốc gia hàng đầu về tiêu thụ càphê "đích thực", điển hình là càphê xay hay càphê nguyên hạt. Thói quen thưởng thức càphê của người tiêu dùng Việt Nam được các chuyên gia Mintel đánh giá là có sự khác biệt so với các quốc gia khác về đòi hỏi cao hơn về hương vị càphê. Mintel ước tính, thị trường càphê Việt Nam đã đạt 127,33 triệu USD trong năm 2008 và tăng lên khoảng 287,34 triệu USD năm 2012 và dự đoán sẽ tăng đến 573,75 triệu USD vào năm 2016. Ở thị trường Việt Nam, chuỗi càphê phong cách phương Tây cần phải đảm bảo tính nguyên chất trong càphê nhằm thuyết phục người tiêu dùng, song song đó là việc đáp ứng những yếu tố khác như chất lượng càphê và trang trí, cùng những trải nghiệm của khách tại quán.
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam.