Không ồn ào như Trà xanh nhưng cuộc chiến giành thị phần của những nhãn hiệu bổ sung chất dinh dưỡng đã diễn ra nhiều năm nay.
Nhiều thương hiệu mới
Phân khúc thức uống bổ sung chất dinh dưỡng được phát triển nhắm đến nhu cầu người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe ngày càng tăng. Tháng 3 vừa qua, Tân Hiệp Phát đã ra mắt rầm rộ thức uống bổ sung vitamin – Number One Vitamin sau thời gian dài nghiên cứu thị trường. Cùng với việc giới thiệu sản phẩm, đích thân Tổng giám đốc Trần Qúy Thanh đã cùng với nhân viên "xuống đường" bán sản phẩm. Với sản phẩm này, Tân Hiệp Phát muốn tạo ra đột phá trong phân khúc khách hàng mới như đã từng làm với trà xanh không độ và trà Dr Thanh. Không tiết lộ cụ thể "hiệu ứng" của Number One Vitamin sau 3 tháng ra mắt nhưng lãnh đạo công ty cho biết "khá tốt để có thể nghĩ đến việc tiếp tục tung ra thị trường những sản phẩm mới khác trong cùng một nhóm".
Trước Number One Vitamin, tháng 8/2012, thị trường cũng đã chứng kiến sự xuất hiện của nước uống bổ sung ion Pocari Sweat của tập đoàn dược phẩm Otsuka (Nhật Bản). Đây là thức uống ion có tác dụng bù nước và bổ sung ion cho cơ thể khỏe mạnh. Sau gần một năm thâm nhập thị trường, sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các cửa hàng, siêu thị trong toàn quốc.
Thật ra, thị trường này đã khai mở từ rất sớm với các nhãn hiệu như Gatorate của hãng Pepsi, Adams Sport của Úc, Vodik của A&B và Oky Sport của doanh nghiệp Thủy Tiên với số lượng cân bằng giữa hàng nội và ngoại. Tháng 1/2007, Tân Hiệp Phát cũng đã đưa ra thị trường nước uống vận động Number one Active. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu bù đắp lượng khoáng chất mất đi trong quá trình vận động, giúp phục hồi sức khỏe. Không chỉ có sản phẩm nhập khẩu là Gatorate, năm 2010, Pepsi Việt Nam tiếp tục tung ra nhãn hàng Sting Pro dành cho người chơi thể thao. Xu hướng sản phẩm liên quan đến sức khỏe khiến ngay cả các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nước khoáng cũng bổ sung thêm dòng nước bù điện giải như nước khoáng vị chanh muối Quang Hạnh, nước khoáng Vĩnh Hảo, Tiền Hảo vị chanh,...
Cạnh tranh với nhóm sản phẩm này còn có các sản phẩm bù khoáng như sports drink powder của Công ty TNHH Fine Việt Nam, nước uống sport water (công ty CP Food & Beverage Việt Nam)... gần đây có thêm nhãn hàng C+ của công ty nước giải khát Sen Việt.
Đánh giá về thị trường, bà Trần Uyên Phương, phó Tổng giám đốc tập đoàn Tân hiệp Phát, cho rằng thị trường nước uống đóng chai giờ đã thay đổi và nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao hơn rất nhiều, đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng, sức khỏe, tiện dụng,... Chính vì vậy, nước uống đóng chai bổ sung chất dinh dưỡng có thể coi là một trong các giải pháp chọn lựa bởi nó đáp ứng được nhiều yếu tố trong cuộc sống.
Vẫn còn chỗ
Cũng theo bà Uyên Phương, hiện nay, các DN sản xuất đều đánh mạnh vào phân khúc này khiến thị trường thêm sôi động. Hiện nay, mức cung trên thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ cầu tiêu thụ. Bằng chứng là dù đã có những bước thâm nhập thực tế nhưng các nhãn hàng đứng đầu thế giới vẫn chưa đủ mặt trên thị trường. Pepsi có Gatorate và Revive 7 up, coca cola có Powerade và Aquarius, nhưng Gatorate của Pepsi và Lucozade của GSK (một thượng hiệu đứng thứ 3 tại Anh) vẫn chưa xuất hiện.
Theo các DN, thị trường nước giải khát tại VN có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Số liệu của Bộ công thương năm 2010, cho thấy thị trường nước giải khát không cồn chạm mốc tiêu thụ 2 tỷ lít, bình quân mỗi người tiêu thụ 23 lít/năm. Mức tiêu thụ này tiếp tục tăng trưởng 17% vào năm 2011 và còn dự báo đầy tiềm năng khi thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện và phần lớn chi tiêu đều dùng cho việc ăn uống. Sự tăng trưởng trong nghành này phụ thuộc chủ yếu vào việc người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến đồ uống có lợi cho sức khỏe. Riêng phân khúc nước uống ion, theo khảo sát của Công ty CP nước Hồng Minh, mỗi năm có khoảng 2 tỷ lít được tiêu thụ tại Nhật và nhiều tỷ lít khác được tiêu thụ trên thế giới. Còn thị trường nước uống thể thao, thế giới dự kiến đạt 55 tỷ USD vào năm 2018 khi bùng nổ các hoạt động thể thao của người dân.
Trước nhu cầu đang tăng cao, để có thị trường, các DN cũng chi mạnh cho hoạt động quảng bá. Do hướng đến những người ưa vận động nên quảng cáo của những sản phẩm này cũng "đánh" vào các hoạt động thể thao : Number One Active, tài trợ cho giải đua xe đạp xuyên Việt, Revive 7 up tổ chứa hành trình xe đạp vui nhộn tại tất cả các thành phố lớn trong cả nước,...
Tuy nhiên, trongc cuộc đua giành chỗ đứng, đã có một số sản phẩm hoặc suy yếu hoặc "biến mất" trên thị trường như Sting Pro của Pepsi và Number One Active của Tân Hiệp Phát. Lãnh đạo Tân Hiệp Phát thừa nhận do phân khúc khách hàng này hơi kén người sử dụng lại có chiến lược chưa phù hợp nên cho đến nay, sau hơn sáu năm rưỡi có mặt, Number One Active vẫn chưa có gì đột phá. Và hiện tại DN này đang tính đến việc "tái tung" cho sản phẩm này. Trong khi đó với sự khó khăn chung của nền kinh tế, sự ra đời của sản phẩm không đi cùng một chiến dịch quảng bá rầm rộ nhưng Number one Vitamin đã nhận được nhiều sự yêu thích của người tiêu dùng. "Những phản hồi chúng tôi nhận được đều là những dấu hiệu tích cực của thị trường và chúng tôi tin rằng Number One Vitamin sẽ chiếm lĩnh một phân khúc lớn trong thị trường này trong thời gian không xa", bà Uyên Phương tin tưởng.
Theo Doanh nhân Sài Gòn.