tom-9a82c f85ebViệc áp dụng chính sách "đồng yen yếu" và các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã tác động không nhỏ đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu tận dụng tốt những cơ hội từ chính sách này, các doanh nghiệp vẫn "được" nhiều hơn "mất".

Doanh nghiệp gặp khó

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật đang bị lỗ nặng do chênh lệch tỷ giá giữa đồng yen và đô la Mỹ. Hiện đồng yen đã giảm gần 16% so với thời điểm đầu năm 2013.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, ngoài bất lợi do chênh lệch tỷ giá, khi chuyển hướng nhập khẩu, các đối tác Nhật chọn những nhà cung cấp có giá rẻ hơn. Điều này gây khó cho con tôm của Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng tôm đông lạnh, khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan, Banglades, vì giá cả đắt hơn trung bình trên 2 đô la Mỹ/ki lô gam.

Ước tính trong ba tháng đầu năm 2013, xuất khẩu thủy sản sang Nhật giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do thị trường Nhật giảm sút, ngoài quy định khắt khe về hàm lượng ethoxiquin trong sản phẩm tôm của Việt Nam (0,01 ppm), các nhà nhập khẩu Nhật cũng giảm lượng hàng nhằm hạn chế thua lỗ do tỷ giá.

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty Sản xuất đồ gỗ Hiệp Long, cho biết việc đồng yen mất giá không những làm cho doanh nghiệp xuất khẩu bị lỗ về tỷ giá mà còn ảnh hưởng đến lượng hàng hóa xuất khẩu do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thị trường nhập khẩu giảm sút, giá cả hàng hóa đắt hơn. "Doanh nghiệp xuất khẩu không những bị các đối tác yêu cầu giảm giá mà chất lượng hàng hóa cũng bị siết chặt hơn. Nhiều nhà nhập khẩu Nhật đã bắt đầu chuyển hướng sang nhập khẩu ở những công ty báo giá rẻ hơn", ông Thanh nói. Chỉ riêng về tỷ giá, ở thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang Nhật đã lỗ hơn 10% giá trị trên mỗi lô hàng so với cùng thời điểm năm ngoái.

Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật cho biết từ đầu tháng 4-2013 đến nay, để đáp ứng yêu cầu của các đối tác Nhật, công ty của ông đã phải chấp thuận giảm giá 5-10% trên mỗi đơn hàng đã ký hợp đồng nhằm duy trì công ăn việc làm cho công nhân. "Ở thời điểm năm ngoái, có những hợp đồng ký trước với đối tác Nhật, chúng tôi chấp nhận thanh toán bằng đồng yen. Hiện đồng yen gần giảm gần 40 đồng so với đầu năm càng khiến công ty khó khăn hơn", vị này cho biết. Ở thời điểm tháng 12-2012, khi công ty ký hợp đồng xuất khẩu áo jacket sang Nhật, 1 yen đổi được 260 đồng Việt Nam, hiện 1 yen chỉ còn đổi được 210 đồng.

Vẫn có cơ hội

Đồng yen mất giá gây tác động bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật nhưng đối với doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa hoặc vay vốn từ Nhật Bản lại đang có chiều hướng tốt.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đóc Công ty May Sài Gòn 3, để giảm thiểu rủi ro khi đồng yen mất giá, công ty đã chuyển hướng đẩy mạnh nhập nguyên phụ liệu từ Nhật để thực hiện những đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này. Chính phủ Nhật phá giá đồng yen để thúc đẩy xuất khẩu, vì vậy những mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Nhật cũng có giá rẻ hơn. Thêm vào đó, chất lượng nguyên liệu xuất xứ từ Nhật cũng tốt hơn nhiều so với những quốc gia khác.

Việc chuyển hướng sang nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Nhật Bản cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất bởi thuế nhập khẩu từ Nhật về Việt Nam hiện ở mức 0%, theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nhật (VJEPA). Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc hiện vẫn ở mức 10%, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn phụ thuộc vào thị trườn cung cấp nguyên liệu của quốc gia này. "Việc chuyển hướng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Nhật với giá rẻ hơn đã làm cân bằng mức lợi nhuận của công ty trong hoạt động xuất khẩu sang Nhật", ông Hồng nói.

Ông cũng cho biết trong bối cảnh đồng yen mất giá, các đối tác Nhật nhập khẩu hàng dệt may của công ty cũng chấp nhận chia sẻ khó khăn, cùng giảm lợi nhuận. Hiện sản lượng xuất khẩu của May Sài Gòn 3 sang thị trường Nhật chiếm đến 50% trong cơ cấu hàng xuất khẩu của công ty. Bất chấp những khó khăn do chênh lệch về tỷ giá, kim ngạch xuất khẩu của công ty trong bốn tháng đầu năm vẫn tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Để giảm thiểu rủi ro tỷ giá, khi ký hợp đồng, các doanh nghiệp nên yêu cầu đối tác thanh toán bằng đô la Mỹ, nhưng tỷ lệ này biến động không lớn, nếu khéo xoay trở, các doanh nghiệp vẫn đạt mức lợi nhuận tốt khi xuất khẩu sang thị trường Nhật.

Mặt khác, khi đồng yen giảm giá, công nghệ máy móc thiết bị của Nhật khi chuyển giao và xuất khẩu ra nước ngoài cũng có giá rẻ hơn. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp thiết bị máy móc giá rẻ. Theo các chuyên gia, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật chủ yếu gồm dệt may, da giày và thủy sản. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này các mặt hàng phục vụ sản xuất kinh doanh như máy móc, thiết bị, sản phẩm điển tử, sản phẩm từ chất dẻo, vải. Các mặt hàng của hai quốc gia có tính bổ sung cho nhau nên xét về toàn cục, dù đồng yen mất giá, nếu tận dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp có thể "được" nhiều hơn "mất".

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Pin It
Franklin D. Roosevelt

"Định nghĩa của sự điên rồ: Lập đi lập lại một việc nhưng lại mong muốn có một kết quả khác đi."

User Menu