"Cuộc hôn nhân" giữa NTUC Fairprice và Saigon Co.op không chỉ phá thế "một mình một chợ" của Metro Cash & Carry trên phân khúc bán sỉ, mà còn như lời "thách đấu" với các đại gia Big C, Lotte... trên phân khúc bán lẻ.
Liên thủ cùng có lợi
Cuối tuần qua, Saigon Co.op Fairprice - đơn vị liên doanh của hai nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và Singapore là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) và Liên đoàn Hợp tác xã tiêu dùng quốc gia Singapore (NTUC Fairprice) đã chính thức khai trương cửa hàng Co.opXtraplus đầu tiên tại đường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên doanh Saigon Co.op Fairprice cho biết, Liên doanh đầu tư và vận hành hai loại hình thương mại hiện đại là đại siêu thị (hypermarket) với thương hiệu Co.opXtra và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn (hypercash) với thương hiệu Co.opXtraplus.
Theo đó, lần đầu tiên, mô hình đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn Co.opXtraplus có mặt tại Việt Nam. Với khuôn viên rộng 21.000 m2, diện tích kinh doanh và dịch vụ lên đến 15.000 m2, tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí đầu tư, xây dựng tòa nhà), Co.opXtraplus Thủ Đức kinh doanh khoảng 50.000 mặt hàng với cấu trúc hàng hóa mới lạ và phương thức tổ chức hoạt động chuyên nghiệp.
Ngoài các mặt hàng thiết yếu thuộc các nhóm hàng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, may mặc, đồ dùng, Co.opXtraplus Thủ Đức còn kinh doanh những mặt hàng kim khí, điện máy, điện toán, dụng cụ thể thao, văn phòng phẩm, phương tiện di chuyển...
Bên cạnh đó, Saigon Co.op FairPrice định hướng phát triển mạnh việc giao dịch và bổ sung nguồn hàng hóa cho cả Saigon Co.op và NTUC FairPrice, xuất nhập khẩu, phát triển hàng nhãn riêng và hình thành liên minh trong việc đàm phán hợp tác với các nhà cung cấp quốc tế.
Trong liên doanh Saigon Co.op FairPrice, Saigon Co.op nắm giữ tỷ lệ góp vốn chi phối với quan điểm nhất quán, Saigon Co.op FairPrice là một thực thể không thể tách rời, bổ sung và liên kết chặt chẽ với các mô hình kinh doanh khác của Saigon Co.op.
"Sự phát triển của thương hiệu Co.opXtra sẽ làm gia tăng thêm năng lực cốt lõi của Saigon Co.op, phát triển hơn nữa về chiều sâu trong hợp tác với các đối tác, các nhà cung cấp. Co.opXtra sẽ không làm thay đổi những giá trị lịch sử của Saigon Co.op, mà ngược lại, cùng với mô hình kinh doanh khác là Co.opmart, Co.opFood, HTV Co.op..., sẽ góp phần phát triển Saigon Co.op", ông Hòa chia sẻ.
Cùng chung quan điểm này, ông Tan Kian Chew, Tổng giám đốc điều hành NTUC FaiPrice cho biết, mục tiêu của NTUC FaiPrice là đem lại lợi ích thiết thực cho cả Singapore và Việt Nam. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy hải sản, thực phẩm tươi sống sẽ được giới thiệu đến người tiêu dùng Singapore thông qua mạng lưới 110 siêu thị (gồm FairPrice, FairPrice Finest, FairPrice Xtra) và 160 cửa hàng tiện lợi FairPrice Xpress và Cheers.
"Bằng sự hợp tác chặt chẽ, chúng tôi sẽ phát huy thế mạnh của mỗi bên. Chúng tôi cam kết phát triển hiệu quả kinh tế, tăng năng suất và cùng chia sẻ nguồn hàng hóa, đa dạng sản phẩm", ông Tan Kian Chew nói.
Sau khi chính thức mở cửa Co.opXtra Plus Thủ Đức, Saigon Co.op FairPrice sẽ tiếp tục tìm kiếm địa điểm cho các đại siêu thị Co.opXtra và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn Co.opXtra Plus ở các tỉnh, thành khác của Việt Nam. Công ty sẽ làm việc với các cấp chính quyền địa phương để điều chỉnh dịch vụ và hàng hóa cho phù hợp với từng địa phương khác nhau.
Thách thức các đại gia
Theo một số chuyên gia bán lẻ, cuộc kết hôn giữa NTUC Fairprice của Saigon Co.op thực sự là lời "thách đấu" với các đại gia Big C, Lotte... trên phân khúc bán lẻ.
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, xu hướng của Việt Nam hiện nay sau giai đoạn phát triển nóng trên thị trường bán lẻ là phát triển loại hình bán lẻ hiện đại theo hướng nâng cao các loại hình đại siêu thị (hypermarket); trung tâm mua sắm (Shopping Mall), bên cạnh mô hình siêu thị (supermarket) truyền thống. Nói cách khác, đây là lúc thích hợp để mô hình đại siêu thị và đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn ra đời.
Tại nhiều quốc gia trong khu vực, mô hình đại siêu thị đang chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường bán lẻ. Chẳng hạn, tại Malaysia, số đại siêu thị, siêu thị chiếm 67% thị phần của các loại hình bán lẻ; còn tại Thái Lan, thị phần của mô hình đại siêu thị cũng gần gấp đôi siêu thị. Trong khi đó, tại Việt Nam, những mô hình đã và đang được phát triển vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Với lợi thế phát triển lâu, nắm giữ các vị trí đắc địa, ổn định nguồn hàng và nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ chính quyền TP.HCM và nhiều địa phương, Saigon Co.op không ngại cạnh tranh với các đối thủ ngoại. Thậm chí, sự liên kết với NTU Fairprice còn mang lại ưu thế nhất định trong khu vực, khi Saigon Co.op, từ thương hiệu phục vụ gia đình Việt, đã bắt đầu tham gia hệ thống phân phối để xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Singapore, từ đó thử nghiệm mở ra thế giới. Do vậy, Saigon Co.op Fairprice sẽ là đối thủ nặng ký đối với các nhà bán lẻ khác đang hoạt động trên thị trường Việt Nam.
Còn trong lĩnh vực bán sỉ, ưu thế "một mình một chợ" của Metro Cash & Carry không còn. Tuy nhiên, Metro lại có lợi thế của người đi trước với việc sở hữu 19 trung tâm và doanh số luôn tăng trưởng. Mặt khác, sau thời gian phát triển nóng, Metro đang bắt đầu định vị lại đối tượng khách hàng mục tiêu, cơ cấu lại sản phẩm và đầu tư phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết phát triển thương hiệu, nhà cung cấp và thậm chí mở rộng phát triển sản phẩm nhãn hiệu riêng của Metro trên nhiều lĩnh vực để đảm bảo cung ứng các nhu cầu của khách hàng "từ siêu thị đến bàn ăn".
Trong khi đó, với Saigon Co.op Fairprice, người ta vẫn khá mơ hồ về việc liên doanh này xác định lợi thế cạnh tranh là gì, đối tượng khách hàng mục tiêu là ai và hệ thống phân phối, chăm sóc như thế nào... Kết quả mối lương duyên này như thế nào vẫn còn ở phía trước, nhưng rõ ràng, sự có mặt của liên doanh và Co.opXtra Plus Thủ Đức khiến thị trường bán lẻ Việt Nam trở nên sôi động hơn.
Bảo Giang
Theo Báo Đầu tư.