Hiệp hội Mì ăn liền thế giới vừa công bố VN xếp thứ 4 thế giới về tiêu thụ mì ăn liền trong năm 2012 với sản lượng gần 5,1 tỉ gói (ly). Nếu tính bình quân đầu người thì mỗi người VN ăn 57 gói (ly) trong một năm, đứng thứ 3 thế giới, sau Hàn Quốc và Indonesia.
Nếu như năm 2009, VN tiêu thụ khoảng 4,3 tỉ gói mì thì đến năm 2012 đã tăng lên 5,1 tỉ gói và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thống kê này phản ánh khá đúng thị trường mì ăn liền trong nước.
Theo đó, mì ăn liền không chỉ phổ biến ở quán vỉa hè, quán điểm tâm, mà còn len lỏi vào thực đơn nhà hàng, thậm chí nhiều đại lý internet cũng kinh doanh mì ăn liền, chưa kể đại đa số người dân có thói quen tích trữ mì gói để phòng khi cần kíp.
Ghi nhận tại các siêu thị, khu vực kinh doanh mì ăn liền có hàng trăm chủng loại, từ mì gói đến mì ly, mì tô, giá cả cũng đa dạng, từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/gói hoặc ly... Đại diện hệ thống siêu thị BigC cho biết có tổng cộng khoảng 60 nhãn hiệu mì/bún ăn liền đang kinh doanh tại siêu thị, giá thấp nhất 2.900 đồng/gói và cao nhất 30.300 đồng/tô.
Ngoài các loại mì sản xuất tại VN, thị trường còn kinh doanh nhiều loại mì nhập khẩu từ Thái Lan, Hàn Quốc. Còn đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart cho biết các loại mì ăn liền sản xuất trong nước có giá từ 2.500 - 5.500 đồng/gói; mì nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan giá từ 5.500 - 25.000 đồng/gói...
"Người tiêu dùng quan tâm đến giá cả, thiết kế bao bì và nhãn hàng nào có khuyến mãi. Kệ mì ăn liền rất phong phú nên các nhà sản xuất cạnh tranh bằng quảng cáo, bằng chương trình khuyến mãi, bằng cách thiết kế bao bì bắt mắt, tạo sợi mì nhiều hương vị... để thu hút khách", đại diện hệ thống Co.op Mart nhận xét.
Nhiều "đại gia" vào cuộc
Nhu cầu tiêu dùng cực lớn đã khiến thị trường mì ăn liền trở thành lĩnh vực hấp dẫn các công ty hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm. Tại đại hội cổ đông 2013, lãnh đạo Công ty Kinh Đô tuyên bố sẽ tham gia lĩnh vực mì ăn liền, dầu ăn và sữa. Nếu không có gì thay đổi, vào tháng 6 tới, mì ăn liền Kinh Đô sẽ có mặt trên thị trường.
Ông Trần Lệ Nguyên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Kinh Đô, phân tích: "Do ra sau nên Kinh Đô sẽ không cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ tầm cỡ, mà sẽ nhắm vào những phân khúc nhỏ hơn. Hiện nay, thị trường mì gói tại miền Nam trị giá khoảng 2 tỉ USD/năm, do vậy Kinh Đô vẫn còn nhiều khoảng trống để phát triển".
Sự "lấn sân" của Kinh Đô không khiến các DN khác ngạc nhiên bởi sức hút của thị trường mì ăn liền quá lớn. Trước Kinh Đô, tháng 7.2012, Tập đoàn mì ăn liền Nissin Foods (Nhật Bản) cũng đã tham gia vào thị trường VN bằng nhà máy sản xuất mì ăn liền 41 triệu USD tại Bình Dương.
Đây là tập đoàn đã có 47 nhà máy sản xuất ở 15 quốc gia và tạo ra hơn 1.200 loại mì ăn liền cho thị trường toàn cầu. Ngay sau đó, Vina Acecook đã tăng vốn thêm 10 triệu USD và đưa vào hoạt động hai nhà máy sản xuất mì ăn liền quy mô, công nghệ thuộc loại hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á tại TP.HCM.
Đại diện Công ty Vina Acecook khá tự tin về khả năng cạnh tranh, với hệ thống trên 700 nhà phân phối phủ khắp thị trường VN và 7 nhà máy đặt tại TP.HCM, Bình Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hưng Yên.
Sức hút của thị trường mì ăn liền là điều tất yếu khi doanh thu của các DN sản xuất mặt hàng này liên tục tăng 10-30% mỗi năm. Cụ thể, năm 2011, doanh thu của Acecook tăng 30%. Thương hiệu mì Shin Ramyun của Công ty Nong Shim (Hàn Quốc) tăng từ 27-35% mỗi năm, kể từ năm 2005 đến nay. Đó là lý do mặc dù trong nước đã có khoảng 50 DN mì ăn liền nhưng mỗi năm đều xuất hiện thêm nhà đầu tư mới.
Nhưng cuộc cạnh tranh này không phải dễ dàng. Theo nghiên cứu của một công ty thực phẩm Thái Lan, thị trường mì ăn liền VN có tiềm năng rất lớn khi mỗi năm tiêu thụ tới 30 tỉ baht, gấp ba lần thị trường Thái Lan. Tuy nhiên, DN này khá thận trọng chưa dám đầu tư nhà máy tại VN vì cho rằng mức độ cạnh tranh ở VN khá quyết liệt với trên 50 nhãn hiệu trong và ngoài nước. Tiềm năng là không thể phủ nhận nhưng rõ ràng, cuộc cạnh tranh trên thị trường mì gói đang ngày càng khốc liệt hơn.
3 "ông lớn" nắm gần hết thị phầnTheo thống kê Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, dù thị trường có 50 DN sản xuất nhưng chủ yếu tập trung vào các "ông lớn" như Vina Acecook, Asia Foods và Masan. Trong đó, các sản phẩm của Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản) đang dẫn đầu với khoảng 50% thị phần. Tiếp theo là Asia Foods chiếm hơn 20% thị phần và thứ ba là Massan. Còn lại một thị phần rất nhỏ chia đều cho các DN cả mới lẫn cũ, trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, ở nhóm này vẫn có những DN tiềm năng như Uni-President, Miliket...
Theo Q.Thuần - M.Phương - H.Việt
Thanh niên