Nếu đặt lên bàn cân thì ông lớn nào sẽ vượt trội hơn? Hãy thử xem xét 3 chỉ tiêu quan trọng trong lợi nhuận gồm: Biên lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin), Biên lợi nhuận hoạt động (Operating Profit Margin) và Biên lợi nhuận ròng (Net Profit Margin).

Nếu đặt khả năng kiếm tiền của 2 thương hiệu Thế giới Di động và FPT Retail lên bàn cân so sánh thì “ông lớn nào sẽ vượt trội hơn? Chúng ta hãy thử xem xét 3 chỉ tiêu quan trọng trong phân tích lợi nhuận doanh nghiệp.

Còn nhớ trong một lần phỏng vấn hồi năm 2017, Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp lúc bấy giờ là CEO từng tiết lộ bí quyết làm sao để mở rộng chuỗi nhanh và hiệu quả chỉ trong 2 năm. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng chuỗi bán lẻ FPT Shop nhanh chóng bắt kịp đàn anh Thế giới Di động.

“Chúng tôi tính toán rằng chúng tôi chỉ mở 2019 là dừng. Làm sao để mở được các cửa hàng trong 2 năm tới? Chúng tôi quan sát đối thủ, chọn ra tất cả các shop của TGDĐ có doanh thu tốt mà khu vực đó chúng tôi chưa có shop. Với danh sách đó, khu vực mà chúng tôi chưa có shop và doanh thu của đội bạn cao thì chúng tôi sẽ đặt cửa hàng”, bà Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ.

Câu chuyện so kè giữa FPT Retail và Thế giới Di động không chỉ về mặt bằng kinh doanh mà còn cả chiến lược kinh doanh, thậm chí là giá cổ phiếu khi mới đây giá FRT vượt qua cả MWG.

Nếu đặt khả năng kiếm tiền của Thế giới Di động và FPT Retail lên bàn cân so sánh thì ông lớn nào sẽ vượt trội hơn? Hãy thử xem xét 3 chỉ tiêu quan trọng trong phân tích lợi nhuận gồm: Biên lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin), Biên lợi nhuận hoạt động (Operating Profit Margin) và Biên lợi nhuận ròng (Net Profit Margin).

Biên lợi nhuận gộp

Biên lợi nhuận gộp là cấp độ đầu tiên và quan trọng đánh giá khả năng sinh lợi của một doanh nghiệp. Chỉ tiêu này cho biết với mỗi đồng doanh thu tạo ra thì doanh nghiệp thu về được bao nhiêu đồng lợi nhuận gộp, sau khi trừ đi giá vốn hàng bán.

Biên lợi nhuận gộp càng cao thì doanh nghiệp làm ăn càng có lãi và hiệu quả. Nhưng cũng không có nghĩa biên lợi nhuận gộp thấp thì doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Do đó, để đánh giá được chỉ tiêu này bao nhiêu là tốt chúng ta cần phải đặt trong bối cảnh riêng của mỗi doanh nghiệp và mỗi ngành.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đều có xu hướng duy trì biên lợi nhuận gộp ổn định qua các thời kỳ. Một doanh nghiệp có chỉ số này tăng qua các thời kỳ là tín hiệu tích cực.

Xét trong giai đoạn từ năm 2016-2022, biên lợi nhuận gộp của Thế giới Di động ổn định và tăng từ 16-17% lên mức trên 22% trong vài năm gần đây. Đối với FPT Retail, chỉ số này hiện vẫn thấp hơn MWG và dao động trong khoảng từ 12-15%. Quý 1/2022 vừa qua, biên lợi nhuận gộp của FRT mới bứt lên được mức 16%.

Ngoài dùng để so sánh tương đối, chỉ tiêu biên lợi nhuận gộp cũng tiết lộ về lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp trong ngành. Chỉ số này của MWG và FRT đều dưới 30% cho thấy sự cạnh tranh trong ngành dễ dẫn tới bào mòn biên lợi nhuận.

Báo cáo thường niên năm 2020 FRT cũng nhắc tới vấn đề này. FPT Retail cho biết ngoài việc cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn như Thế giới Di động, Cellphones… công ty này còn chịu áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ với giá bán sản phẩm thường rẻ hơn các sản phẩm do đơn vị này phân phối.

Cạnh tranh khốc liệt buộc các doanh nghiệp này xoay chuyển hướng mới để cải thiện biên lợi nhuận gộp. Đơn cử như Thế giới Di động liên tục thử nghiệm những mô hình bán lẻ mới từ thời trang, trang sức, mẹ và bé... FPT Retail cũng tham gia thử nghiệm mới nhưng có phần cẩn trọng hơn ví dụ như mảng bán lẻ dược phẩm cũng bắt đầu hái quả ngọt.

Biên lợi nhuận hoạt động

Biên lợi nhuận hoạt động (Operating margin) là chỉ tiêu tài chính cho biết doanh nghiệp thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận hoạt động, sau khi đã trừ hết tất cả chi phí phục vụ hoạt động sản xuất. Chỉ số này cho ta thấy cái nhìn bao quát hơn khi đề cập tới cả các chi phí để vận hành doanh nghiệp như chi phí bán hàng, chi phí quản lý chung…

Biên lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp cao và tăng trưởng trong dài hạn cho thấy một tín hiệu rất tích cực. Khi không chỉ giá vốn hàng bán, mà các chi phí vận hành doanh nghiệp cũng đang được kiểm soát tốt.

Chỉ tiêu này bắt đầu có sự khác biệt đáng kể giữa Thế giới Di động và FPT Retail. Thế giới Di động luôn duy trì ổn định trong khoảng từ 4-6%. Tuy nhiên chỉ số này ở FPT Retail biến động mạnh, thậm chí còn lỗ vào quý 4/2019 và quý 2, quý 3/2020. Đây cũng chính là giai đoạn dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới ngành bán lẻ.

Điểm khác biệt ở đây là Thế giới Di động quản lý chi phí bán hàng tốt khi giữ ở mức từ 61-69% so với lãi gộp trong khi đó FPT Retail tốn kém từ 69-82%. Ngoài ra Thế giới Di động còn nhanh nhẹn trong việc gia tăng thu nhập tài chính trong quý 4/2020 với quý 4/2019 lên 34% trong khi FPT Retail sụt giảm 43%.

Biên lợi nhuận ròng

Biên lợi nhuận ròng (Net profit margin) là tỷ lệ phần trăm lợi nhuận sau thuế mà công ty thu được từ mỗi đồng doanh thu. Nghĩa là với 1 đồng doanh thu, công ty thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận sau thuế.

Biên lợi nhuận ròng cho thấy khả năng sinh lời của doanh nghiệp sau khi đã loại bỏ toàn bộ chi phí phát sinh trong kỳ. Một doanh nghiệp có chỉ số biên lợi nhuận ròng cao và tăng trưởng trong nhiều năm liền là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên đây cũng là chỉ tiêu dễ bị tác động nhất bởi các nghiệp vụ kế toán.

Tương tự Biên lợi nhuận hoạt động, Thế giới Di động duy trì chỉ số này ổn định ở mức 3-4%. Trong khi đó FPT Retail có biên lợi nhuận ròng phổ biến ở mức 2%. Chỉ số này biến động mạnh và lỗ ở giai đoạn 2019-2020. Với mức dưới 5% của biên lợi nhuận ròng của cả 2 doanh nghiệp, một lần nữa có sự cạnh tranh khốc liệt ở ngành bán lẻ.

Nguồn CafeF

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Nếu không có đủ ngân sách thì một ý tưởng dù hay đến mấy cũng không thể cất cánh"

User Menu