Trong khi doanh nghiệp Việt hạn chế về chiến lược kinh doanh, tầm nhìn ngắn, kinh doanh kiểu ‘chộp giật’, thì doanh nghiệp Thái Lan đã tiếp cận, gia tăng sở hữu các cơ sở bán lẻ Việt Nam. Nếu các nhà đầu tư Thái ưu tiên phân phối các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan thì các chính sách khó có thể can thiệp được.
Trong khi chúng ta mải miết quan tâm tới TPP, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU, thì một FTA tiêu chuẩn thấp, đã có hiệu lực lại bị chúng ta “bỏ ngỏ”. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức có hiệu lực từ 31/12/2015, trong khi những hiệp định thế hệ mới tiêu chuẩn cao, “khó chơi”, được chúng ta đặt nhiều mong mỏi ít nhất phải đến 2018 mới có hiệu lực.
Trong cuộc chơi được bỏ ngỏ đó, cạnh tranh từ hàng hóa và doanh nghiệp ASEAN tại thị trường Việt Nam đã hiện hữu.
Doanh nghiệp Việt Nam, theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cực hạn chế về năng lực cạnh tranh, thể hiện rõ ở quy mô vốn nhỏ, trang thiết bị lạc hậu; kỹ năng lao động hạn chế, đặc biệt là ở đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Doanh nghiệp Việt còn hạn chế về chiến lược kinh doanh, có tầm nhìn ngắn, kinh doanh kiểu “chộp giật”.
Riêng với khối ASEAN, doanh nghiệp Việt Nam còn có 3 điểm hạn chế cực lớn trong năng lực cạnh tranh.
Một là, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến nâng cao khả năng cạnh tranh ở khía cạnh giá và chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, việc tham gia chuỗi giá trị và cung ứng ở khu vực đòi hỏi phải nâng cao khả năng cạnh tranh ở ít nhất 3 khía cạnh, bao gồm: Sản xuất ở quy mô lớn; Giao hàng đúng thời điểm; và Tiếp cận được kênh phân phối phù hợp.
Đáp ứng đơn hàng có quy mô lớn là không dễ, khi các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, trong khi tín dụng chưa thực sự ưu tiên cho các ngành sản xuất.
Trong khi đó, việc ít lưu tâm đến giao hàng đúng thời điểm sẽ dẫn tới việc khách hàng phải tăng chi phí lưu kho (khi giao hàng quá sớm) hoặc chịu các thiệt hại với đối tác khác (khi giao hàng quá muộn). Cuối cùng, việc các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến củng cố kênh phân phối, đặc biệt là các mô hình hiện đại, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm cũng như hoạt động của khu vực bán lẻ trong nước.
Lo ngại càng gia tăng khi một số nhà đầu tư Thái Lan đã tiếp cận, gia tăng sở hữu các cơ sở bán lẻ Việt Nam, bởi nếu các nhà đầu tư này ưu tiên phân phối các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan thì các chính sách khó có thể can thiệp được.
Hai là, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả các doanh nghiệp trực tiếp hoạt động thương mại và/hoặc sử dụng đầu vào từ nhập khẩu, còn nhận thức chưa đầy đủ về tận dụng ưu đãi trong khuôn khổ ASEAN.
Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ lưu tâm đến ưu đãi thuế nhập khẩu nếu mức ưu đãi là đủ lớn.Trong khi đó, rất ít doanh nghiệp quan tâm đến việc đòi hỏi chứng nhận xuất xứ cho hàng nhập khẩu (kể cả khi thuế nhập khẩu ưu đãi trong ASEAN không khác so với thuế nhập khẩu tối huệ quốc).
Ba là, Việt Nam chưa xây dựng một chiến lược kinh doanh bài bản gắn với thị trường ASEAN. Chẳng hạn, doanh nghiệp chưa quan tâm hoặc không đủ điều kiện để tìm hiểu mạng lưới các doanh nghiệp cung ứng đầu vào ở các nước ASEAN, để có thêm hàm lượng giá trị khu vực và đáp ứng yêu cầu xuất xứ gộp khi xuất khẩu vào một nước ASEAN khác.
Ngay cả trên phương diện cạnh tranh về giá cả và chất lượng, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh so với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong số thị trường các nước thuộc ASEAN, Việt Nam có thặng dư thương mại không đáng kể với các nước Campuchia, Philippines, Indonesia và Myanmar, trong khi đó thâm hụt thương mại rất lớn với Thái Lan.
Kết thúc năm 2015, nhập siêu từ Thái Lan lên tới 5,1 tỷ USD, tăng 1,7 lần so với mức nhập siêu vào năm 2012.
Đáng lưu ý, hàng hóa Thái Lan, đặc biệt là hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, đồ trang trí nội thất và rau củ quả có mặt hầu hết ở các hệ thống phân phối của Việt Nam, cạnh tranh vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam.
Bảo Bảo
Theo Trí Thức Trẻ